Bé 5 tuổi đã mắc bệnh từ người lớn: Chuyên gia đưa ra lời cảnh báo các cha mẹ

Nhiều trẻ bị viêm loét dạ dày, tá tràng và khi đi khám có dương tính với vi khuẩn HP – một loại vi khuẩn có thể gây ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư dạ dày phần hang vị.

5 tuổi đã viêm loét dạ dày

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhi N.G.B 5 tuổi, quê Hợp Thành, Tuyên Quang đã bị viêm loét dạ dày nặng kèm theo kết quả dương tính với vi khuẩn HP. Bệnh nhi này vào viện vì đau bụng từng cơn, ợ chua, ăn uống kém.

Sau khi tiếp nhận và thăm khám cho bệnh nhi, bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày. Kết quả qua nội soi bé bị viêm dạ dày cấp và dương tính với vi khuẩn HP. Khi được các bác sĩ tư vấn, mẹ của bé giật mình vì từ trước tới nay trong nhà không ai bị đau dạ dày nên không đi kiểm tra và chưa biết trong nhà có ai bị nhiễm vi khuẩn HP chưa.

Mẹ của cháu xem trên mạng biết vi khuẩn HP là vi khuẩn có thể có nguy cơ gây ra ung thư dạ dày càng hoang mang hơn.

Bé 5 tuổi đã mắc bệnh từ người lớn: Chuyên gia đưa ra lời cảnh báo các cha mẹ - Ảnh 1.

Vi khuẩn HP là vi khuẩn có thể gây ra ung thư dạ dày

Trường hợp khác là bé Vũ Phạm A. 6 tuổi, Hà Đông, Hà Nội đang điều trị viêm dạ dày ở Bệnh viện Nhi trung ương. Theo mẹ của bé A. cháu thường xuyên bị đau bụng nên dù học lớp 1 nhưng chỉ được 16 kg. A. hay kêu đau bụng nhất là lúc đi học về. Bé đau quanh rốn. Vợ chồng chị Hà mẹ bé A. nghĩ con bị bệnh giun nên mua thuốc giun về điều trị nhưng không dứt.

Bé ngày càng đau và da dẻ xanh xao. Chị cho con đi khám ở Bệnh viện Nhi trung ương bác sĩ cho biết bé bị viêm dạ dày, vi khuẩn HP hoạt động mạnh.

Điều khiến chị Hà lo lắng nhất đó là mẹ của chị cũng qua đời vi ung thư dạ dày cách đây 1 năm. Trước kia mẹ chị thường xuyên bón cơm cho bé. Vì chưa ý thức được viêm dạ dày do HP có thể lây đường ăn uống và nó là tác nhân có thể gây viêm loét dạ dày nên gia đình chị Hà chưa đi khám. 

Chị Hà kể mẹ chị phát hiện ung thư dạ dày và đến khi qua đời chỉ hơn 2 tháng và họ cũng chẳng quan tâm vì sao bị ung thư. Trước đây mẹ chị cũng bị viêm dạ dày mãn tính.

Từ khi cho con đi khám và được tư vấn của bác sĩ về vi khuẩn HP có thể gây viêm teo niêm mạc dạ dày và lâu ngày có nguy cơ gây ung thư, chị Hà vô cùng lo lắng.

Hãy dừng ngay thói quen xấu!

Theo PGS Đoàn Hữu Nghị – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội ung thư dạ dày do nhiều nguyên nhân, trong đó có một yếu tố được đưa ra đó là vi khuẩn HP tên đầy đủ là Helicobacter Pylori. Đây là loại vi khuẩn duy nhất có thể sống trong môi trường dạ dày với nồng độ axit cao.

Vi khuẩn HP vốn là vi khuẩn cộng sinh lành tính và có tới 70% dân số thế giới có vi khuẩn này. Tức là, 10 người đi khám bệnh thì có 6 – 7 người có mắc vi khuẩn HP này.

Bé 5 tuổi đã mắc bệnh từ người lớn: Chuyên gia đưa ra lời cảnh báo các cha mẹ - Ảnh 2.

PGS Đoàn Hữu Nghị

Vi khuẩn HP vốn lành tính, không gây viêm loét dạ dày thì không đáng lo. Tuy nhiên, một số trường hợp vi khuẩn này tăng tính độc lực và gây viêm loét, teo niêm mạc dạ dày và đây là yếu tố thúc đẩy ung thư dạ dày. Tất nhiên không phải ai mắc vi khuẩn này cũng có thể sinh ung thư dạ dày.

Theo PGS Nghị, vi khuẩn HP dễ lây lan và đặc biệt ở các nước phương Đông càng dễ lây vi khuẩn HP do các thói quen chung đụng trong ăn uống như dùng chung bát nước chấm, gắp bỏ thức ăn cho nhau. Và đặc biệt, thói quen mớm cơm, hôn hít người lớn dành cho trẻ chính là điều kiện bắc cầu để vi khuẩn HP từ người lớn chuyển sang cho trẻ. 

Với những trẻ mắc vi khuẩn HP, PGS Nghị cho biết bố mẹ cháu bé không nên quá hoang mang mà nên điều trị khi có gây viêm dạ dày. Việc điều trị có thể phải dùng kết hợp nhiều kháng sinh cùng một lúc và rất dễ gây tình trạng kháng kháng sinh nếu người bệnh không tuân thủ điều trị viêm dạ dày có vi khuẩn HP. 

Ở trẻ nhỏ, nếu viêm dạ dày có HP thường khó điều trị dứt hơn và nguy cơ tái nhiễm xảy ra nhiều hơn.

PGS Nghị cho biết để hạn chế lây lan vi khuẩn HP cách tốt nhất là vệ sinh trong ăn uống và người lớn nên bỏ thói quen đút mớm thức ăn cho trẻ. Có thể chỉ một hành động mút thức ăn trước rồi cho trẻ ăn sau cũng giúp đưa vi khuẩn HP vào cơ thể trẻ nhỏ.