Khi 2 tuyến Metro số đầu tiên được triển khai gặp khó khăn dù đội vốn nhiều lần, lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM lần lượt xin nghỉ việc, xuất ngoại trái quy định.
Hàng loạt động thái bất thường
Ông Hoàng Như Cương (Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM) được cho là đi Mỹ từ hôm 9/12 khi chưa xin phép. Hiện, các cơ quan chức năng TP HCM đang xác minh, tìm hướng xử lý đối với hành vi đi nước ngoài khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép theo quy định.
Trước đó, ông Cương đã có đơn nộp cơ quan trình UBND TP HCM về việc xin nghỉ việc không hưởng lương từ 10 đến 31/12/2018. Khi thành phố chưa chấp thuận thì ông này đã qua mỹ để giải quyết chuyện riêng.
Hồi giữa tháng 12, UBND TP HCM cũng ban hành công văn cấm công chức không xuất ngoại, trừ các trường hợp đặc biệt do người đứng đầu UBND TP quyết định. Từ ngày 21/12, thành phố đã phân công bà Vũ Minh Huyền (Phó Bí thư Đảng ủy) phụ trách chức vụ Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị phụ trách Đảng ủy Ban.
Trong khi đó, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM Lê Nguyễn Minh Quang đã có đơn xin thôi việc nhưng chưa được UBND TP HCM phê duyệt. Hiện, ông Quang chưa nhận được bất cứ quyết định chính thức nên vẫn tiếp tục làm việc bình thường. Trước đó, ông Quang từng 2 lần khác viết đơn xin thôi chức vụ nhưng chưa được UBND TP HCM chấp thuận.
Ông Hoàng Như Cương, Phó Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM.
Ông Quang từng là Tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam, một công ty chuyên về hạ tầng. Hiện, công ty này đang cùng phía Nhật Bản đảm nhiệm dự án tuyến metro đầu tiên của thành phố.
Hồi tháng 6/2016, ông nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM trong thời gian 5 năm. Vị trí này tương đương giám đốc sở và cơ quan ông này làm việc trực thuộc UBND TP HCM. Trước khi trao quyết định làm Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP, ông Quang cũng trúng cử đại biểu HĐND TP khoá IX nhiệm kỳ 2016-2021.
Vừa qua ông đã trúng cử đại biểu HĐND tại đơn vị bầu cử quận Tân Bình nhiệm kỳ 2016 – 2021 với tỷ lệ đồng ý đạt 62,7%. Trong chương trình hành động của mình, ông cho biết sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho TP và việc học, việc làm của thanh niên.
Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM được thành lập hồi năm 2007, với chức năng và nhiệm vụ là chủ đầu tư của các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố. Theo đó, 8 tuyến metro dự định được xây dựng, hiện 3 tuyến đang được Ban quản lý đường sắt đô thị triển khai gồm: Tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), số 2 (giai đoạn 1, Bến Thành – Tham Lương) và số 5 (giai đoạn 1, ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn).
Dự án Metro đội vốn nhiều lần
Hồi giữa tháng 10, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với các sở ngành, ông Hoàng Như Cương khẳng định với tình hình thiếu vốn như hiện nay, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) không thể hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2020 như dự kiến.
Khởi công tháng 8/2012, tuyến metro số 1 – tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Hiện, công trình đã hoàn thành hơn 57% khối lượng công việc, tuy nhiên có nguy cơ ngừng thi công do tình trạng thiếu vốn do những rắc rối vốn đầu tư. Cụ thể, hồi năm 2007, thành phố phê duyệt dự án Metro số 1 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu yen).
Sau đó dự án, được chuyển giao cho Ban quản lý đường sắt đô thi làm chủ đầu tư. Đơn vị này chọn nhà thầu cùng với việc làm rõ thiết kế cơ sở dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của dự án lên là 47.325 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu yen) vào năm 2009.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đội vốn gần gấp 3 lần.
Hồi tháng 8/2011, Thủ tướng cho phép UBND TP HCM duyệt điều chỉnh dự án Metro số 1 với tổng mức đầu tư mới là hơn 47.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, lúc này dự án lại thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trước tình hình này, TP HCM đã phải liên tục tạm ứng ngân sách để thanh toán cho nhà thầu thi công nhằm bảo đảm tuyến Metro số 1 duy trì được tiến độ thi công, hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Trong một cuộc hội thảo quy hoạch TP HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ, tuyến metro số 1 đang làm bình thường, thành phố đang chờ ý kiến Trung ương về chấp thuận tăng mức đầu tư.
“Chúng ta cứ nghe thành phố thiếu vốn, thực sự thành phố đều ứng được vốn nhưng do tổng mức đầu tư thay đổi theo đúng thực tế dự án mà tư vấn thiết kế ban đầu chưa đúng.
Thành phố đã ký quyết định vay có sẵn với Nhật Bản, 35.000 tỷ đồng đã sẵn sàng, chờ các cấp thẩm quyền gật đầu thì thành phố có vốn đó. Trong lúc chờ, thành phố tạm ứng và đủ sức triển khai dự án này”, ông Tuyến cho biết.
Bên cạnh đó, tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) cũng đang được xin điều chỉnh tổng mức đầu tư gần gấp đôi, từ 26.000 tỷ đồng lên gần 48.000 tỷ đồng. Nhiều nguyên nhân được cho là quá trình triển khai có điều chỉnh về thiết kế cơ sở, thời gian chuẩn bị kéo dài, chậm trễ trong quá trình triển khai, tăng khối lượng xây dựng, trượt giá…
Đầu tháng 11/2018, Ban quản lý đường sắt đô thị đã có công văn gửi UBND TP kiến nghị điều chỉnh thời gian hoàn tất thi công tuyến Metro số 2 Bến Thành Tham Lương đến tháng 12/2020 thay vì hoàn tất trong năm 2018.
Theo Quyết định số 1819 của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đang xác định tính trung thực của báo cáo tài chính dự án, phát hiện những tồn tại, bất cập liên quan tuyến Metro số 1 để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hồi đầu tháng 11/2018, ông Võ Phi Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6), được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ tại khu vực cầu thang Văn phòng ban điều hành dự án gói thầu số 2 của tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Nạn nhân được cho là đang bị điều tra liên quan tới 1 vụ án kinh tế ở Bình Dương.
Cụ thể, Công an tỉnh Bình Dương đang thụ lý điều tra những sai phạm xảy ra tại dự án khu nhà ở của cán bộ công nhân viên do Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 710 làm chủ đầu tư tại phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An. Công ty 710 trước đây có vốn nhà nước, thuộc Tổng công ty Cienco 6 nhưng tới nay nhà nước đã thoái vốn hoàn toàn.