Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Ảnh: EPA-EFE)
Lãnh đạo đảng Tiếng nói Nhân dân Singapore (PVP) ông Lim Tean ngày 6/6 đã có chỉ trích nhằm vào truyền thông nhà nước và cá nhân thủ tướng Lý Hiển Long.
Trong bài đăng trên Facebook, ông Lim cáo buộc truyền thông nhà nước Singapore đưa tin tức giả, đồng thời cho rằng phát ngôn của thủ tướng Lý Hiển Long trên mạng xã hội này hôm 31/5 – trong đó có nội dung cho rằng Việt Nam đã “xâm lược, “chiếm đóng” Campuchia – là “không cần thiết”.
“Tin tức giả mạo từ truyền thông nhà nước! Một tranh cãi ngoại giao nghiêm trọng nhất đang nổi lên giữa Campuchia, Việt Nam và Singapore xoay quanh phát ngôn không cần thiết của ông Lý Hiển Long rằng Việt Nam ‘xâm lược’ Campuchia trong thập niên 1970,” ông Lim viết.
Đề cập đến bài đăng của ông Lý liên quan đến Việt Nam, ông Lim cho biết “Trên mạng xã hội đang tràn ngập những cuộc trao đổi về vụ việc này – sự cố đe dọa tẩy chay Singapore xa hơn khỏi các láng giềng ASEAN”.
Lãnh đạo PVP chỉ trích, “thật đáng ngạc nhiên khi truyền thông nhà nước lại giữ im lặng về sự việc. Mọi người phải đồng ý rằng bất kỳ hãng truyền thông có uy tín nào thì đến lúc này cũng phải đưa tin về sự kiện”.
Đến sáng nay, 7/6, tờ báo nổi tiếng nhất của Singapore Strait Times mới có những thông tin đầu tiên về việc phát biểu của ông Lý Hiển Long trên Facebook đã gây nên làn sóng giận dữ từ Việt Nam và Campuchia.
Chính khách Singapore Lim Tean chỉ trích truyền thông nhà nước và thủ tướng Lý Hiển Long xoay quanh phát ngôn gây căng thẳng ngoại giao với Việt Nam và Campuchia
Trên tờ The Online Citizen của Singapore, tác giả Brad Bowyer bình luận phát ngôn của ông Lý là “thiếu nhạy cảm và thừa thãi”, đồng thời thể hiện “một giai đoạn tăm tối trong lịch sử khi chúng ta (Singapore) đứng cùng phe với Pol Pot, bất chấp những tội ác mà ông ta gây ra, chỉ để đạt được những mục đích chính trị khu vực của chúng ta”.
Bowyer thẳng thắn nhận định “Những người Việt Nam được xem là anh hùng giải phóng đối với rất nhiều người dân từng trải qua những khoảng thời gian tồi tệ đó [dưới chế độ Khmer Đỏ]”.
Tác giả nhận xét thủ tướng và chính phủ Singapore ở vào vị thế khó khăn khi phải thừa nhận bất kỳ sai lầm nào của những người tiền nhiệm, nhưng cho rằng lãnh đạo đất nước cần phải có sự nhạy cảm về ngoại giao “để biết im lặng trong vấn đề này và không đào xới lại giai đoạn đáng tiếc này một lần nữa”.
“Tôi mong rằng chúng ta có thể thực hiện những bước đi cần thiết để thừa nhận lỗi lầm, xin lỗi người láng giềng ASEAN và sửa đổi những tuyên bố đã công khai càng sớm càng tốt,” Bowyer viết. “Ít nhất là hãy đặt quá khứ nhiều nghi vấn này lại phía sau, và suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra những tuyên bố thiếu nhạy cảm [như ông Lý Hiển Long] trong tương lai.”
Cho đến nay, cả cá nhân ông Lý và chính phủ Singapore chưa có bất kỳ phản ứng nào liên quan đến vấn đề này.
Liên quan đến phát ngôn của ông Lý Hiển Long, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 6/6 cho biết, Bộ Ngoại giao và các cơ quan của Việt Nam đã giao thiệp chính thức và không chính thức với các đối tác Singapore. Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội.
Trước đó hôm 4/6, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này”.