Báo Anh: TQ hành động bất thường, nghi ngờ che giấu số liệu thực về dịch viêm phổi Vũ Hán

Nhân viên y tế viết tên lên áo nhau để dễ nhận diện. Ảnh chụp tại Bệnh viện Zhongnan của Đại học Vũ Hán tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Nguồn: Xinhua/REX

Sau một tháng “thờ ơ” trước dịch bệnh lạ, Trung Quốc đột ngột tăng cường kiểm soát chặt chẽ mọi diễn biến của chủng virus viêm phổi mới được cho là có nguồn gốc từ chợ cá Vũ Hán.

Mất kiểm soát

Những bệnh nhân đeo khẩu trang ngã gục xuống đường. Hàng trăm người dân xếp hàng chờ đợi trong những dãy hành lang hẹp của bệnh viện, bác sĩ mặc bộ đồ bảo hộ kín mít. Tiếng người phàn nàn, tiếng hét đau đớn trong những phòng bệnh.

Những đoạn video ngắn về tình hình khám chữa bệnh ở Vũ Hán đã lan truyền mạnh trên mạng xã hội và cho thấy chính phủ Trung Quốc chưa thể quản lý và kiểm soát được dịch bệnh.

Trong một trong những đoạn video kinh hoàng nhất được ghi lại bởi Badiucao – một họa sĩ người Australia gốc Trung Quốc, những người bệnh phải ngồi sát nhau, cạnh những bình oxy và ba thi thể người bệnh bọc trong vải trắng. Tuy nhiên, đoạn video này chưa được kiểm chứng và đã bị xóa khỏi mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Nhiều hình ảnh khác cho thấy Vũ Hán đang thiết lập các bệnh viện dã chiến giữa lúc chính phủ cam kết xây dựng một cơ sở y tế với 1000 giường bệnh chỉ trong vòng 10 ngày để điều trị và xử lí loại virus có họ hàng với virus SARS hồi năm 2003.

Báo Anh: TQ hành động bất thường, nghi ngờ che giấu số liệu thực về dịch viêm phổi Vũ Hán - Ảnh 1.

Hàng loạt xe công trường đã được điều động để xây dựng bệnh viện dã chiến. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ xây xong trong 10 ngày. Ảnh: Getty

Sau nhiều tuần chậm trễ trong việc kìm hãm dịch bệnh lây lan, trong tuần này chính phủ Trung Quốc bất ngờ đưa ra hàng loạt những “thiết quân luật” nhằm hạn chế người dân di chuyển. Theo đó, không chỉ thành phố 11 triệu dân bị siết chặt đi lại mà hơn 17 thành phố khác xung quanh tỉnh Hồ Bắc cũng chịu chung tình cảnh. Tổng cộng, khoảng 56 triệu người bị ảnh hưởng bởi quy định mới từ Bắc Kinh.

Việc thiết lập hoạt động kiểm dịch nhanh chóng trên diện rộng đã làm dấy lên những nghi vấn về việc tại sao chính quyền Trung Quốc lại phải mạnh tay đến vậy, trong khi các con số về các trường hợp truyền nhiễm mới chỉ ở mức vài trăm người tính tới trước ngày 24/1.

Nhiều người dân bức xúc vì không nhận được đầy đủ thông tin về bệnh dịch. Qingqing Chen, một phóng viên địa phương, cho biết: “Sau vài ngày ở Hồ Bắc, tôi cảm thấy buồn cho những cư dân địa phương, bao gồm cả cha và mẹ tôi bởi họ không được biết rằng virus corona là một khủng hoảng y tế quốc gia mãi cho tới ngày 22-23/1. Đây không phải là điều bình thường, bởi căn bệnh đã bắt đầu bùng phát từ giữa tháng 12”.

Thậm chí, kênh truyền thông nhà nước cũng không cung cấp đủ thông tin về dịch bệnh. Tờ Nhân dân Nhật báo mới đây đã đăng một đoạn video cho thấy một bệnh nhân được chữa khỏi đang vui vẻ vẫy tấm biển hiệu có biểu tượng hòa bình.

Tuy nhiên, cùng lúc, tờ Hoàn Cầu lại cho biết những nguồn vật tư thiết yếu, bao gồm dụng cụ thử nghiệm và các trang bị y tế như khẩu trang, kính đeo mắt, quần áo bảo hộ đều thiết sót trầm trọng.

Nghi ngờ của các chuyên gia

Sophie Richardson, giám đốc tại Cơ quan Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết hoạt động kiểm dịch bất ngờ và phản ứng quyết liệt của Trung Quốc với khủng hoảng đã làm dấy lên những câu hỏi về độ minh bạch của vấn đề.

Báo Anh: TQ hành động bất thường, nghi ngờ che giấu số liệu thực về dịch viêm phổi Vũ Hán - Ảnh 2.

Khoảng 6.000 người nuôi và bán gia cầm sẽ được cung cấp miễn phí vắc xin cúm từ ngày 2/2 giữa lúc Hong Kong chuẩn bị đối phó với nguy cơ dịch bùng phát. Ảnh: SCMP

“Tôi rất lo ngại về những người bị coi là ‘đang truyền bá tin đồn’, đặc biệt là giữa thời điểm người dân cần những nguồn tin đáng tin cậy,” bà trả lời The Telegraph.

Sự im lặng trước khủng hoảng của chính quyền không chỉ khiến người dân không cập nhật được tin tức mà còn khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt hơn với những tin tiêu cực.

Khi trường hợp mắc bệnh đầu tiên xuất hiện vào ngày 8/12, chính quyền tuyên bố bệnh vẫn được kiểm soát và có thể chữa trị được. Cảnh sát sau đó đã thẩm vấn 8 người vì tội lan truyền “lời đồn thất thiệt” trên mạng. Tuy nhiên, khi dịch bệnh lan ra các tỉnh khác, chính quyền địa phương mới thừa nhận sai sót và nhanh chóng tiến hành đối phó với virus corona.

Tới ngày 25/1, đã có 41 người chết, hơn 1.300 người bị nhiễm bệnh. Virus corona đã lan truyền tới Mỹ, châu Âu. Pháp phát hiện được 3 trường hợp mắc bệnh. Các bệnh nhân đa số đều nằm trong độ tuổi từ 48 tới 89 tuổi, đã mắc nhiều bệnh khác từ trước. Tuy nhiên, có một bệnh nhân 36 tuổi đã tử vong vì bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Báo Anh: TQ hành động bất thường, nghi ngờ che giấu số liệu thực về dịch viêm phổi Vũ Hán - Ảnh 3.

Các y bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Hai trường hợp tử vong khác đã được ghi nhận ở ngoài Vũ Hán. Một trong số đó là bệnh nhân ở tỉnh Hắc Long Giang, nằm gần biên giới với Nga và Mông Cổ.

Tuy nhiên, các chuyên gia về mô hình lây truyền dịch bệnh tại Đại học Hoàng gia Anh cho biết con số lây nhiễm thực sự có thể lên tới 4.000 trường hợp chỉ ở riêng Vũ Hán và trong trường hợp tệ nhất là 9.700 người nhiễm bệnh.

Truyền thông Trung Quốc cũng đã chuẩn bị tinh thần cho người dân. Hôm 23/1, tờ Hoàn Cầu trích lời Caixin cho biết các bác sĩ Vũ Hán “dự đoán số người bị nhiễm chủng virus corona mới có thể vượt quá 6.000”.

Báo Anh: TQ hành động bất thường, nghi ngờ che giấu số liệu thực về dịch viêm phổi Vũ Hán - Ảnh 4.

Một cảnh sát kiểm tra thân nhiệt tài xế ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Sự thiếu minh bạch trong thông tin dịch bệnh đang gây ra những hậu quả lớn. Tại Hong Kong, bác sĩ Arisina Ma, chủ tịch Hội Bác sĩ Bệnh viện Công Hong Kong, cho biết các nhân viên y tế đang lo ngại về việc Trung Quốc đang che giấu mức độ nghiêm trọng thực sự của virus viêm phổi.

“Dữ liệu từ Trung Quốc, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Chúng tôi không nắm được thông tin. Chúng tôi cần số liệu chính xác về quy mô dịch bệnh ở đại lục để dự đoán được tình hình bệnh ở đây,” bà nói.

Châu Á đang đề cao cảnh giác và tăng cường kiểm tra sức khỏe tại các sân bay giữa bối cảnh ngày càng nhiều trường hợp mắc bệnh được ghi nhận từ Hàn Quốc tới Thái Lan.

Đài Loan cho biết sẽ không cho phép cư dân từ Vũ Hán nhập cảnh, trong khi Philippines đã đưa hàng trăm du khách Vũ Hán trở về nước.

Cuộc khủng hoảng đã làm hỏng kế hoạch đón Tết của hàng triệu người Trung Quốc. Những người quyết định tiếp tục đi du lịch đều cảm thấy bất an trong suốt chuyến đi. Trong một chuyến bay từ Bắc Kinh tới Hàng Châu, hầu hết du khách đều không dùng suất ăn của mình. Khi một cô bé tháo khẩu trang, mẹ cô hốt hoảng và mắng ngay lập tức: “Con muốn chết đấy à?”

Tất Đạt, theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/bao-anh-tq-hanh-dong-bat-thuong-nghi-ngo-che-giau-so-lieu-thuc-ve-dich-viem-phoi-vu-han-820202611824595.htm