Tập đầu tiên của chương trình “Ơn giời, cậu đây rồi” mùa 6 đã lên sóng tối 28/7 nhưng vắng bóng danh hài Hoài Linh và nghệ sĩ Trung Dân.
Theo đó, Xuân Bắc vừa dẫn chương trình như mọi năm vừa kiêm vị trí ghế nóng để nhấn chuông và nhận xét về phần biểu diễn của các nghệ sĩ tham gia chương trình. Còn Lâm Vỹ Dạ thay Trung Dân đảm nhận vị trí trưởng phòng.
Sự vắng mặt của danh hài Hoài Linh và nghệ sĩ Trung Dân khiến nhiều khán giả tỏ ra tiếc nuối, hụt hẫng, buồn bã. Nhiều khán giả thắc mắc về sự vắng mặt của hai nghệ sĩ này trong “Ơn giời, cậu đây rồi” mùa 6.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với nghệ sĩ Trung Dân xung quanh câu chuyện này.
“Người ta không mời tôi nữa”
Thưa nghệ sĩ Trung Dân, anh có thể cho biết lý do vì sao anh và Hoài Linh không tham gia “Ơn giời cậu đây rồi” mùa 6?
Về phần tôi, là do người ta không mời nữa. Họ cũng không nói lý do. Còn Hoài Linh thì tôi không rõ.
Hôm anh em tôi đi show bên Mỹ, Hoài Linh có nói riêng với tôi là gameshow giờ đang bão hòa, Hoài Linh sẽ hạn chế tham gia hơn. Phải nói rõ, đó là tâm sự của Hoài Linh với tôi chứ không phải phát ngôn chính thức của Hoài Linh trên truyền thông báo chí.
Anh có được Hoài Linh báo trước về việc anh ấy sẽ ngừng tham gia “Ơn giời, cậu đây rồi”?
Hoài Linh chỉ nói rằng, nhà sản xuất sẽ tinh giảm, làm gọn lại và chúng tôi không đề cập tới nữa. Gần tới ngày quay Ơn giời, cậu đây rồi mùa 6, tôi cũng tự tin là mình sẽ tham gia tiếp nên chủ động hỏi lịch để chuẩn bị công việc, ban biên tập nói “có gì con báo”, “có gì em điện” rồi họ im luôn.
Cuối cùng, họ quay, tôi cũng không biết thì hiểu là mình không được mời. Họ chọn những người thích hợp với môi trường nghệ thuật giải trí bây giờ – những người hot trên mạng vô làm.
Trung Dân 2 mùa liên tiếp đảm nhận vị trí trưởng phòng Ơn giời, cậu đây rồi.
Anh có buồn về cách cư xử đó của họ không?
Tôi không buồn và cũng không quan tâm vì tôi cũng đã quen với kiểu đó rồi. Có đơn vị mời tôi quay quảng cáo. Họ mặc cả bớt lên bớt xuống rồi hẹn ngày quay. Trước ngày quay 1 ngày, tôi gọi điện lại để chắc chắn thì họ không nghe máy, nhắn tin họ cũng không trả lời. Họ im luôn.
Bây giờ, khá phổ biến kiểu làm đó. Mình sống chung với lũ nên quen. Thậm chí, họ còn lân la hỏi số điện thoại của người này, người kia, chắc là để mời họ. Rồi có những đơn vị, họ không dám nói thật cả tên sản phẩm quảng cáo, chỉ nói là sản phẩm của Việt Nam.
1 cuộc điện thoại không hết bao nhiêu tiền nhưng đó thuộc về phạm trù đạo đức, giáo dục, phép lịch sự tối thiểu. Nhưng ở một khía cạnh khác, bây giờ họ cư xử với nhau như vậy là nhẹ lắm rồi. Có những chuyện còn nặng nề hơn.
Đôi khi, nghệ sĩ như một món hàng, họ có thể trả giá, họ có thể cân đong đo đếm. Mình cũng không dám trách bởi chúng ta vẫn hay nói sống trong nền kinh tế thị trường, cái nào lợi thì họ làm, không lợi thì họ không làm.
Đôi lúc mình là con cờ, là nạn nhân, hoặc là nguyên nhân cho những chuyện không văn hóa diễn ra một cách hết sức bình thường trong cái giới làm về văn hóa là showbiz.
Tôi khẳng định lại lần nữa, đối với cá nhân tôi, tới giờ phút này, tôi không giận. Tôi thầm cám ơn những trường hợp như thế này, vì đó là chất liệu sống để tôi viết lách.
Thật sự, mục đích của tôi khi tham gia “Ơn giời cậu đây rồi” không phải vì kiếm tiền, kiếm danh. Tôi lăn lộn để chiêm nghiệm và có vốn sống cho việc viết lách. Những gì tôi góp nhặt được, tôi đã ghi lại vào một cuốn sổ, khi cần thì lấy ra và những cuốn phim quá khứ trong đầu tôi sẽ chiếu lại để tôi viết. Thế là đủ rồi.
Danh hài Hoài Linh cũng rút lui sau 5 năm ngồi ghế nóng.
Khán giả hụt hẫng vì vắng Hoài Linh là đúng
Nếu câu hỏi này khiến anh buồn hay bị tổn thương thì tôi rất xin lỗi. Nhưng cho phép được hỏi thẳng: Anh có nghĩ rằng, vì danh hài Hoài Linh ngưng làm “Ơn giời, cậu đây rồi” nên nhà sản xuất cũng không mặn mà mời anh tham gia tiếp?
Tôi cũng có nghĩ tới, cũng có thể đúng. Nói gì thì nói, tôi và Hoài Linh cũng có sự gắn kết.
Khi chúng tôi làm chương trình, chúng tôi đưa ra chủ đề. Ban biên tập chương trình cũng họp riêng với tôi, nhờ góp ý tình huống. Tôi luôn gắn kết những ý tưởng, câu chuyện thành chủ đề có ý nghĩa, có tính giáo dục. Bởi nghệ thuật không thể thiếu tính thẩm mỹ và giáo dục.
Trước khi đi quay, tôi và Hoài Linh cũng thảo luận nhưng chúng tôi vẫn có những lúc bị thụ động bởi người chơi không gắn kết, anh em tôi phải gắng sức bẻ lại.
Những tình huống đó xử lý rất mệt mà biên tập cắt dựng cho hoàn chỉnh thành câu chuyện cũng hơi khó…
Có thể những gì tôi và Hoài Linh suy nghĩ nặng về hình thức đó quá mà nhạt dần tính giải trí nên không còn sự hấp dẫn chăng? Mà cái gì đi ngược với xu hướng thì sẽ bị đào thải, đó là chuyện hết sức bình thường trong cuộc sống này.
Nói gì thì nói, họ cũng là những người kinh doanh nên phải tính đến chuyện lời lỗ. Tôi không nghĩ họ chơi xấu đâu. Mình vô hoàn cảnh đó thì mình cũng xử lý như vậy thôi.
Trong tập đầu tiên của mùa 6, Xuân Bắc vừa làm MC vừa kiêm vị trí ghế nóng thay Hoài Linh. Nhiều khán giả đã bình luận rằng: Thiếu Hoài Linh thì chương trình giống như mất đi một nửa. Họ cảm thấy hụt hẫng và buồn. Anh nghĩ thế nào?
Thực sự tôi chưa xem nên chưa biết. Cá nhân tôi nghĩ đó là ý tưởng mới để chương trình lạ hơn. Còn khán giả yêu quý Hoài Linh, khi không thấy thần tượng của mình xuất hiện thì họ hụt hẫng là đúng, mình cũng không trách được.
Riêng về Xuân Bắc, tôi không có ý kiến. Khi nhà sản xuất đã đặt niềm tin vào Xuân Bắc thì chắc chắn phần thắng rất lớn. Phần khán giả chỉ là tình cảm, cảm xúc, tinh thần còn nhà sản xuất làm gì cũng đều xét ở góc độ kinh tế. Từ uy tín, tài năng, niềm tin mà họ có được ở Xuân Bắc, họ mới dám đặt niềm tin kinh tế vô đó.
Cùng với Hoài Linh, trong suốt 2 mùa đảm nhận chức trưởng phòng, nghệ sĩ Trung Dân luôn cố gắng gắn kết ý tưởng với chủ đề nhân văn, có tính giáo dục và thẩm mỹ cho người xem ở từng tình huống, câu chuyện.
Nếu tôi thất nghiệp thì về nhà bà xã nuôi
Từ sau chuyện với Hương Giang Idol, anh chỉ tham gia gameshow Ơn giời cậu đây rồi. Vậy nghỉ chương trình này, công việc hiện tại của anh thế nào?
Tôi đang làm gameshow dành cho người nông dân của VTV “Tôi là nông dân Việt”. Ở gameshow đó, người nông dân ca hát, thi về trồng cây, chăn nuôi, kiến thức… đủ thứ. Tôi thích lắm, giống như mình trở về nhà.
Nhưng tới giờ phút này, để có nhà tài trợ, chúng tôi tìm đỏ mắt. Đích thân tôi đi xin tài trợ nhưng cũng chỉ có 2 đơn vị tài trợ khoảng 50%.
Ngoài ra, tôi làm sitcom, táo công sở, gia đình showbiz, phim truyền hình. Có 1 phim truyền hình rất hay mời tôi một vai khá nặng. Câu chuyện phim hay lắm nhưng thời gian quay quá dài nên tôi không nhận được.
Tôi năm nay 52 tuổi, cũng già rồi, có show thì làm, không có show thì ngồi viết sách.
Khi mình hết show, không còn đứng trên sân khấu nữa thì nơi tôi diễn là trên những trang giấy. Tôi sẽ kể lại cuộc đời tôi, những câu chuyện tôi đã gặp trong suốt cuộc đời làm nghề của mình và xuất bản sách.
Xin được hỏi anh câu cuối, từ sau sự cố với Hương Giang Idol, anh có bị làm khó trong công việc hay đồng nghiệp có ngại anh không?
Tôi nghĩ là không. Tôi không biết họ nghĩ thế nào nhưng khi gặp tôi, làm việc với tôi, tôi không thấy họ làm khó gì. Ai ngại, ai sợ cái tính nói thẳng nói thật của tôi thì là chuyện của họ, tôi sẽ vẫn sống với bản tính của mình, không xu nịnh và tôi hài lòng với cái tính đó.
Nếu tôi có làm phiền thì chỉ làm phiền kẻ xấu, còn người tốt chắc chắn sẽ luôn luôn đón nhận. Ai ghét ai thương là thời tiết của cuộc sống. Tôi để ý làm chi cho mệt.
Tôi may mắn có bà xã chu toàn để tôi yên tâm làm nghề tôi thích. Nếu tôi thất nghiệp thì về nhà bà xã nuôi. Có thể tiền ít nhưng không quan trọng. Đối với tôi, ăn uống thế nào cũng được, miễn sạch là được. Sạch ở đây có 2 nghĩa, sạch về hình thức và sạch về nhận thức.
Trung Dân và Trấn Thành trong Ơn giời, cậu đây rồi.
Ai mà không già. Ai mà không chết. Có những người sống quyền lực, tiền bạc nhiều nhưng cái chết của họ, nhiều người mừng. Ngạn ngữ Việt Nam có câu “hùm chết để da, người chết để tiếng” nên liệu mà sống.
Tôi không dạy đời, tôi chỉ muốn nói, mình như thế này là may lắm rồi. Cuộc sống phức tạp, cám dỗ đủ thứ mà tới giờ phút này, mình chưa bị lôi kéo làm điều xấu là mừng rồi.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!