Bản làng vui náo nức

Sau 1 năm Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh và 2 năm Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh đi vào cuộc sống, có hàng nghìn đám cưới, đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh. Những hủ tục dần được loại bỏ, ánh sáng văn minh đã, đang về từng nóc nhà khiến bản làng vùng rẻo cao thêm náo nức niềm vui.

Múa khèn trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có trên 89 vạn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 87,70%. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 34,45%, Tày 22,43%, Dao 14,82%, Kinh 13,3%, Nùng 9,53%, La Chí 1,61%… có 9 dân tộc còn gặp khó khăn gồm: Mông, Tày, Nùng, Dao, La Chí, Phù Lá, Mường, Sán Chay, Giáy; 5 dân tộc khó khăn đặc thù gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, trong đời sống đồng bào dân tộc vẫn còn một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, như: Người chết chưa đưa vào áo quan khi làm tang ma, giết mổ nhiều gia súc, tổ chức đám tang dài ngày; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; một số nghi lễ rườm rà, lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân và làm chậm quá trình phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Nhảy sạp trong ngày hội của người Lô Lô.

Trước thực trạng đó, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 09, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 27 với quyết tâm xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh – đây là quyết tâm chính trị rất lớn, được triển khai đồng bộ, toàn diện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy lùi, xoá bỏ hủ tục. Quá trình tổ chức thực hiện được tiến hành bài bản, khoa học với việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; 11/11 huyện, thành phố, 193/193 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động; 2.071/2.071 thôn, tổ dân phố thành lập tổ tuyên truyền, vận động.

Triển khai chủ trương lớn này, công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng; cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính tri – xã hội vào cuộc tích cực với nhiều hình thức phong phú, như: Tổ chức thi trắc nghiệm trực tuyến, hội thảo, mạn đàm với người có uy tín trong các dòng họ; tuyên truyền tại chợ phiên, bằng xe chuyên dụng, trong trường học thông qua hình thức sân khấu hóa… Kết quả, đã tổ chức 651 hội nghị, hội thảo bàn giải pháp xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh; 7.157 buổi tuyên truyền, thu hút 613.783 lượt người tham gia. Cùng với đó, các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, phát huy tốt vai trò Hội Nghệ nhân dân gian, các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.

Với cách làm bài bản, kiên trì, tỉ mỉ, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, đồng bào dân tộc, Nghị quyết 27 đã từng bước vào cuộc sống, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Việc bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong chuyện cưới hỏi có chuyển biến tích cực; nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được thực hiện, tiêu biểu như: Huyện Đồng Văn chỉ đạo tổ chức Đoàn các cấp định hướng, vận động đoàn viên, thanh niên đăng ký kết hôn tập thể; Bắc Mê xây dựng mô hình cưới tiết kiệm, gia đình trẻ và thanh niên cưới theo nếp sống mới; Hoàng Su Phì, Xín Mần vận động người dân không dự lễ cưới đối với các cặp đôi tảo hôn. Từ khi triển khai chủ trương xoá bỏ hủ tục, có 9.910 cặp đôi đăng ký kết hôn, tổ chức cưới theo nếp sống văn minh; các nghi lễ dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, lại mặt được đơn giản, gọn nhẹ, không nặng lễ vật, phù hợp truyền thống từng dân tộc và điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Bên cạnh đó, đã tuyên truyền, vận động, can thiệp hoãn hôn lễ 330 cặp; việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống giảm, nhiều thôn, bản đã xóa bỏ được hủ tục này.

Trong tang lễ cũng có sự chuyển biến rõ nét theo hướng đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa từng dân tộc, dòng họ và hoàn cảnh gia đình. Việc phúng viếng đảm bảo trang trọng; thời gian tổ chức tang lễ cơ bản đúng quy định. Các hủ tục trong đám tang dần được loại bỏ, không còn hiện tượng mời thầy cúng yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn… bài cúng của thầy mo, thầy tạo được rút ngắn; hạn chế giết mổ nhiều gia súc, rượu chè nhiều ngày; thời gian tổ chức tang lễ không quá 48 giờ, thi hài người chết được đưa vào áo quan, chôn cất chu đáo, đảm bảo vệ sinh; việc cúng, giỗ được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ; một số địa phương có mô hình, cách làm thiết thực, hiệu quả, như: Thành phố Hà Giang có phong trào “Đám tang không nhận vòng hoa, bức trướng”; huyện Mèo Vạc vận động 4 dòng họ đưa nội dung xóa bỏ hủ tục vào quy ước hoạt động; huyện Quản Bạ chỉ đạo và có 107/107 thôn, tổ dân phố thành lập Ban tang lễ, xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong vận động đồng bào dân tộc Mông đưa người chết vào áo quan, đã có 13/14 dòng họ dân tộc Mông đưa người chết vào áo quan khi làm tang ma…

Khi những hủ tục dần được loại bỏ, cuộc sống của người dân từng bước nâng lên, những đám cưới thực sự là niềm vui, đám tang không còn là gánh nặng, hội hè được tổ chức trang trọng, tiết kiệm… đã thực sự tạo động lực để mỗi người dân, mỗi gia đình nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, cùng chung tay xây đời mới, xây dựng bản làng hạnh phúc, chan hoà tình thân. Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh ta chủ trương tiếp tục lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 27 đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa bàn, dân tộc, dòng họ; duy trì, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền và tập trung vào những nhân tố đóng vai trò quyết định, tạo sự thay đổi trong thực hiện Nghị quyết 27, như già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, thầy mo, thầy cúng, nghệ nhân dân gian… Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia gắn với 3 đột phá của tỉnh; triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc làm cơ sở cho việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Thiên Thanh

Nguồn Báo Hà Giang: http://www.baohagiang.vn/xa-hoi/202305/ban-lang-vui-nao-nuc-c3d1ad9/