“Hãy học câu chuyện lột xác thần kỳ của người Nhật. Vài chục năm trước họ cũng như Việt Nam bây giờ” – Bà Thái Hương hiến kế.
“Tạo lập các chuỗi nông – lâm – thủy sản có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trọng điểm” là tiêu đề bài hiến kế gây chú ý đặc biệt của Thái Hương tại phiên tổng thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, chiều 2/5.
Đề xuất và hiến kế này của Thái Hương càng được quan tâm hơn, bởi trước đó một tuần, tập đoàn TH do bà sáng lập vừa tiến được một bước vô cùng quan trọng: Chuẩn bị đưa sữa tươi sạch TH vào thị trường đông dân nhất thế giới – Trung Quốc.
Bà Thái Hương.
Trong bài phát biểu, “người đàn bà sữa tươi quyền lực” đã đưa ra gốc rễ sâu xa của vấn đề: Nếu thiếu các tiêu chuẩn quy chuẩn quốc gia đúng thông lệ quốc tế; thiếu các chuẩn mực dinh dưỡng cho người Việt, thì cũng không thể tạo lập và phát triển chuỗi hàng hóa khép kín nông lâm thủy sản có giá trị cao để phục vụ nội địa và hướng tới xuất khẩu.
“Để kích thích phát triển sản xuất các chuỗi hàng hóa khép kín nông lâm thủy hải sản có giá trị chất lượng cao, nâng cao sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững và hướng tới xuất khẩu cho thị trường trọng điểm như nói trên, đề xuất Chính phủ chỉ đạo cho Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với các Bộ ban ngành xây dựng và giám sát bộ tiêu chuẩn quy chuẩn quốc gia đúng thông lệ quốc tế và chỉ đạo Bộ Y tế kết hợp với các Bộ ban ngành liên quan đưa ra các chuẩn mực về dinh dưỡng cho người Việt và đề án Luật Dinh dưỡng học đường để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Dinh dưỡng học đường sớm nhất có thể” – nữ doanh nhân Thái Hương khẳng định.
Để xây dựng chuẩn mực dinh dưỡng cho người Việt và đề án Luật dinh dưỡng học đường phù hợp, theo bà Thái Hương, Việt Nam cần thực hiện hai điều quan trọng:
Một, tham vấn kinh nghiệm quý giá của những mô hình đã thành công ở khu vực và thế giới: Nhật, Hàn, Thái…
Hai, các doanh nghiệp phải cam kết đồng hành cùng Chính phủ xây dựng các chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp. Những chuẩn mực văn hóa này cũng chính là lời cam kết trách nhiệm trước sức khỏe của cộng đồng và giống nòi đất nước.
Trong 100 năm qua, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng gần 9 cm(nam đạt 164,4 cm, nữ đạt 153,6 cm).
Nhưng chỉ trong 50 năm qua, chiều cao trung bình của trẻ em Nhật bản tăng tới 14cm (nam giới hiện đạt 170,8cm).
Giáo sư Shigeru Yamamoto là một trong những nhà nghiên cứu dinh dưỡng hàng đầu của Nhật Bản. Hai năm trước đây, chia sẻ với Tuổi trẻ, ông đã giải mã rất rõ ràng con đường lột xác của người Nhật.
Trong chính sách phát triển thể chất của người Nhật, bữa ăn học đường là một trong những yếu tố cơ bản nhất, quan trọng nhất. Trong bữa ăn học đường, sữa được xem là thực phẩm quan trọng nhất.
Theo GS Shigeru Yamamoto, ngay khi xác định được tầm quan trọng của bữa ăn học đường, năm 1954 Nhật đã biến chương trình này thành luật. Theo đó, tất cả các trường học đều phải cung cấp bữa ăn trưa cho học sinh.
Ở những thời điểm kinh tế khó khăn, thậm chí đói ăn, đã có không ít ý kiến đòi hủy bỏ chương trình “tốn kém” này, nhưng cuối cùng người Nhật đã phải gồng mình vượt qua lực cản. Nếu chương trình ấy không biến thành luật, rất có thể nó đã phá sản. Mặt khác, đã là luật, nên các quy chuẩn chất lượng về dinh dưỡng trở nên rõ ràng, minh bạch, do đó hạn chế, ngăn ngừa được những hành vi cẩu thả, thiếu trách nhiệm hoặc trục lợi trên sức khỏe trẻ em.
“Thể chất cho thế hệ trẻ quá quan trọng, nếu chúng tôi không đầu tư cho điều đó, đất nước chúng tôi còn có thể hi vọng gì vào tương lai? Những đứa trẻ cần phải đủ ăn, đủ chất dinh dưỡng trước khi lên đại học và trở thành tương lai của nước Nhật” – GS Shigeru Yamamoto khẳng định.
Theo GS Shigeru Yamamoto, nhờ có luật Bữa ăn học đường, nên hiện Nhật có tới 200 thực đơn ăn uống cho các trường học. Tùy từng thời điểm trong năm, tùy đối tượng, hoàn cảnh sức khỏe của trẻ… mà có thực đơn phù hợp. Tính đến năm 2010, Nhật có tới hơn 12.000 chuyên gia dinh dưỡng tại các trường học (trong đó có khoảng 3.400 là giáo viên dinh dưỡng). Nhờ hệ thống này, trẻ em Nhật cũng được giảng dạy đầy đủ về dinh dưỡng, nên các em rất biết mình nên ăn uống thế nào cho khoa học.
“Việt Nam ở thời điểm hiện tại khác xa so với nước Nhật sau Thế chiến thứ 2. Trẻ em thành thị ở Việt Nam không hề thiếu ăn, thừa mứa là khác. Điều mà trẻ em VN cần là những bữa ăn chuyên biệt, nguồn dinh dưỡng được chắt lọc, hợp lý” – GS Shigeru Yamamoto khuyến cáo.
Trong chuyến làm việc tại Việt Nam tháng 12/2018, Giáo sư Nakamura Teiji – Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Quốc gia Nhật Bản, cũng đã đưa ra những khuyến cáo quan trọng về dinh dưỡng học đường cho Việt Nam. Ông là người tham gia thiết kế chương trình giáo dục về khoa học dinh dưỡng, cải tạo tầm vóc và thể trạng người Nhật Bản.
“Bữa ăn của người Nhật thời xưa không được đầy đủ, có sự thiếu hụt và nghèo nàn, dẫn đến suy dinh dưỡng, thể thấp còi, thể lực yếu và tuổi thọ rất thấp” – GS Nakamura Teiji nhận xét – “Chính vì vậy chìa khóa để cải thiện nòi giống, phải bắt đầu từ chương trình bữa ăn học đường”.
Sữa được coi là yếu tố quan trọng trong Bữa ăn học đường ở Nhật. Chính vì vậy Nhật sử dụng hoàn toàn sữa tươi cho học sinh. “Sữa tươi là một thực phẩm gần như hoàn hảo khi lượng canxi và các loại vitamin rất dồi dào và tỉ lệ cân bằng” – GS Nakamura Teiji khẳng định. Nhờ dinh dưỡng hợp lý, người Nhật đã xóa xổ vĩnh viễn cụm từ “Nhật lùn”, trở thành một trong số ít dân tộc có chiều cao hàng đầu châu Á.
Theo GS Nakamura Teiji, thống kê cách đây 4-5 năm cho thấy, người Nhật giảm hẳn các bệnh do sinh hoạt. Có được kết quả này là nhờ trẻ em Nhật có sức đề kháng và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh từ khi ngồi ở ghế nhà trường. Như vậy, bữa ăn học đường chính là một trong những giải pháp giảm thiểu gánh nặng kép về dinh dưỡng, phòng ngừa suy dinh dưỡng và béo phì ở trẻ em.
Dù luật Bữa ăn học đường thành công như vậy, nhưng Nhật bản không dừng lại, Năm 2005 nước này tiếp tục ban hành Luật cơ bản về giáo dục dinh dưỡng. Theo đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm nâng cao hiểu biết người dân về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng, đồng thời chú trọng hợp tác với các Bộ, ban ngành để áp dụng các phương pháp đo lường về dinh dưỡng.
Trả lời câu hỏi “Tại sao là một người kinh doanh, nhưng bà bỏ rất nhiều thời gian “vác tù và hàng tổng”: Vận động cho những chương trình phục vụ lợi ích cộng đồng, phi lợi nhuận, như Quỹ Vì Tầm vóc Việt, minh bạch nguồn xuất xứ hàng hóa, quy chuẩn thực phẩm?”, Thái Hương tâm sự:
“Nhiều năm qua, tôi nhẫn nại, thầm lặng để đi tới cái đích lớn lao là mang đến sự chuẩn mực và minh bạch về dinh dưỡng cho lứa tuổi học đường nói riêng và người Việt nói chung. Cái đích đó không bao giờ thay đổi và đánh đổi bởi bất cứ điều gì khác. Vì vậy, chúng tôi tâm niệm, mình sẽ làm mọi cách cho con trẻ, chứ không làm bằng mọi giá. Nếu con trẻ không được chăm sóc chuẩn mực nhất, xã hội làm sao thay đổi và tiến lên?”.
Theo Thái Hương, việc đề xuất Bộ Y, các bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo luật Dinh dưỡng học đường, để Chính phủ trình Quốc hội, chính là tạo hành lang pháp lý ở mức cao nhất để góp phần cải tạo giống nòi, ngăn ngừa những chuyện không minh bạch trục lợi trên sức khỏe học sinh bằng chất lượng thực phẩm không đảm bảo quy chuẩn.
Thái Hương cho biết, Tập đoàn TH đã công bố Đề án Dinh dưỡng người Việt (2018 -2028) với 6 tiểu đề án rất chi tiết và khoa học, hướng tới các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù, bao gồm: Dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời của trẻ, dinh dưỡng cho trẻ lứa tuổi học đường, dinh dưỡng cho người lao động, đặc biệt là nữ công nhân, dinh dưỡng cho người cao tuổi, dinh dưỡng cho người mắc các bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng cho người luyện tập thể dục thể thao.
Trên tinh thần ấy, chúng tôi làm gì cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học. Đặc biệt, sản phẩm sữa học đường của TH đã được Bộ Y tế công nhận là những sản phẩm có chất lượng tốt, cải thiện tốt chiều cao cân nặng của trẻ” – Thái Hương cho biết.
Bà Thái Hương kết luận: “Nhiều người cũng nói với tôi, sản phẩm của TH đã và sắp có mặt tại vùng đất rộng lớn nhất thế giới là Nga, nơi đông dân nhất là Trung Quốc. Thực phẩm TH cũng đã được chấp nhận ở thị trường đòi hỏi cao nhất như Mỹ, sao bà cứ mãi đau đáu chuyện xây dựng chính sách dinh dưỡng học đường ở Việt Nam, việc đó đã có cơ quan quản lý lo.
Tôi thì lại nghĩ khác: Nếu mỗi một người đều có tâm đóng góp, hiến kế những điều đúng cho cơ quan quản lý, thì mới có thể thúc đẩy xã hội thay đổi. Chính vì vậy, dù có vươn xa đến đâu, thì chúng tôi vẫn tâm niệm 1 điều: Người Việt, đặc biệt là lứa tuổi học đường, phải là đối tượng đầu tiên được hưởng chế độ dinh dưỡng chuẩn mực nhất, góp phần quan trọng cải tạo giống nòi.
Tôi di chuyển liên tục tới những đại dự án ngoài lãnh thổ, nhưng tôi sẽ không bao giờ lơi là trách nhiệm với trẻ em Việt Nam. Nếu chậm làm luật Dinh dưỡng học đường, chúng ta sẽ tiếp tục lỗi hẹn với tương lai dân tộc, đất nước.”