Ăn cắp, dàn xếp – cá độ… những chuyện thâm cung bí sử của bóng Việt qua lời cựu PCT VFF

Trong suốt những năm làm bóng đá, ông Nguyễn Lân Trung đã đồng hành cùng rất nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam theo một cách rất riêng, với những câu chuyện không phải ai cũng biết.

Lời tòa soạn: Sinh ra trong một gia đình trí thức nổi tiếng, ông Nguyễn Lân Trung tiếp nối truyền thống học tập với học vị Phó giáo sư, Tiến sĩ và trở thành một nhà chuyên môn về ngôn ngữ học, chuyên ngành tiếng Pháp. 

Tuy nhiên khi nhắc tới cái tên Nguyễn Lân Trung, ấn tượng lớn nhất với không ít người lại là một ông Lân Trung của bóng đá, một quan chức có thâm niên tại VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam).

Xuất phát điểm là một nhà giáo, nhưng vì tình yêu mãnh liệt cho bóng đá, cộng với lời căn dặn đặc biệt từ người cha, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, ông Nguyễn Lân Trung quyết định dấn thân vào con đường bóng đá và gắn bó trong suốt một thời gian dài.

Cũng bởi vậy, những câu chuyện về bóng đá của ông mang tới một góc nhìn rất khác. Một thế giới bóng đá mang đậm tính nhân văn.

Nhà giáo đi làm bóng đá

Để kể về ông Nguyễn Lân Trung và những câu chuyện xoay quanh hành trình cùng bóng đá Việt Nam, có lẽ phải bắt đầu từ một thông tin ít được chú ý khi nhắc về vị cựu Phó chủ tịch truyền thông VFF này.

Người ta vốn vẫn biết ông là con út của Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, một trí thức, một nhà giáo, nhà ngôn ngữ học. Nhưng ít ai để ý ông từng có thời gian theo đuổi nghiệp quần đùi áo số, với vai trò một tiền vệ trái của đội Sinh viên Việt Nam thi đấu tại giải hạng B ở thập niên 1970 (tương đương giải hạng Nhất QG ngày nay).

Cũng bởi vậy mà sau này đến thập niên 1990, khi đang là nhà giáo đồng thời nằm trong Đoàn chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, với nhiệm vụ theo dõi mảng Giáo dục và Thể thao, ông Lân Trung được đề cử trở thành đại diện của khối Thanh niên tham gia Ban chấp hành VFF và nhanh chóng nhận lời với công tác mới.

Tham gia vào làng bóng với xuất phát điểm của một nhà giáo, điều tâm niệm lớn nhất với ông Lân Trung luôn là làm sao để bóng đá Việt Nam có được những thế hệ cầu thủ trẻ không chỉ tài năng mà còn phải có đạo đức.

Ăn cắp, dàn xếp - cá độ... những chuyện thâm cung bí sử của bóng Việt qua lời cựu PCT VFF - Ảnh 2.

Cũng bởi vậy mà khi nhắc đến những thành tích đáng tự hào mình làm được, ông luôn nói về tâm huyết, sự bảo vệ cho các cầu thủ trẻ trước tiên, trên cả những việc như liên hệ để mời được Juventus sang Việt Nam (1996), tổ chức giải bóng đá quốc tế đầu tiên tại Việt Nam hay các thành tích cùng đội tuyển.

“Điều có thể nói tôi đóng góp được cho bóng đá Việt Nam, đó là thế hệ trẻ. Tôi là người bảo vệ các cầu thủ trẻ một cách ghê gớm. Tôi theo dõi các cháu trong suốt nhiều năm, từ lứa Văn Quyến, Công Vinh cho đến những đội tuyển sau này. Mình là một trí thức, trong Liên đoàn cũng không có ai là nhà giáo cả, nên có những góc nhìn khác trong việc chỉ bảo cầu thủ”.

Chỉ đáng tiếc, tâm huyết là vậy nhưng đôi khi vẫn có những vụ việc đau lòng xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của ông.

Vụ ăn trộm tủi hổ ở Italia

“Năm 2000, tôi có đưa một đội trẻ của Việt Nam sang Italia thi đấu một giải giao hữu quốc tế. Trưởng đoàn là anh Nguyễn Sỹ Hiển, tôi làm phó, HLV là Quản Trọng Hùng”, ông Nguyễn Lân Trung mở đầu câu chuyện về một ký ức cay đắng đến bây giờ vẫn còn ám ảnh mình.

“Lần ấy đi không may lại xảy ra một tai nạn đau lòng. Một cầu thủ của ta ăn cắp kính tại cửa hàng và bị cảnh sát ập đến khách sạn truy tìm.

Trời ơi đúng là bọn trẻ chúng chẳng nghĩ được gì cả. Cửa hàng thì đâu chả có camera, mình lại còn là người nước ngoài đến đây, người ta tra cứu một tí là ra hết thông tin, biết ngay ở khách sạn nào chứ có khó gì”, ông chua chát kể lại.

Ăn cắp, dàn xếp - cá độ... những chuyện thâm cung bí sử của bóng Việt qua lời cựu PCT VFF - Ảnh 3.

“Lúc cảnh sát họ ập xuống bắt, tôi và anh Hiển lại đang dự một cuộc họp nên không có mặt. Ban huấn luyện cũng chẳng ai biết tiếng, đành phải gọi vợ tôi xuống phiên dịch giúp.

Đến khi biết tin, tôi nghĩ trong lòng thấy nó cay đắng, xấu hổ lắm, nhưng thôi mình cũng cố gắng thu xếp sao cho ổn thỏa nhất và bảo ban cầu thủ của mình. Sáng hôm sau cảnh sát họ bảo ký giấy tờ gì tôi cũng ký, cốt để cho mọi việc êm xuôi.

Mãi sau này, vợ tôi vẫn bảo cuộc đời mình chưa bao giờ nghĩ có một ngày lại phải ngồi cả đêm ở đồn cảnh sát của Italia vì một cầu thủ Việt Nam mang tội ăn cắp”.

Với một người luôn đặc biệt lưu tâm đến việc giữ gìn hình ảnh của đất nước như ông Lân Trung, vụ việc xảy ra chẳng khác nào một vết dao cứa thẳng vào tim mình. Nhưng ông đâu ngờ rằng, còn những cầu thủ trẻ khác mà ông chăm bẵm từng li từng tí sau này lại gây ra câu chuyện còn đau lòng hơn gấp nhiều lần.

Cốc rượu thưởng xấu xí và nỗi đau xé lòng tại Bacolod

Đến tận bây giờ, kí ức ông Trung nhớ nhất khi nói về các cầu thủ trẻ của Việt Nam đầu những năm 2000 không phải thành tích trên sân bóng mà lại là việc “bọn nó không chịu đọc, không có văn hóa đọc”. Đó là sự lưu tâm mang đúng đặc thù của một nhà sư phạm.

Theo lời kể của ông, những ngày đó khi đội trẻ của thế hệ Văn Quyến tập trung, ngày nào ông cũng tự mua báo mang lên, bắt tất cả phải đọc. “Chúng mày phải đọc đi, chẳng chịu đọc gì cả”, ông lúc nào cũng nhắc đám trẻ mới lớn như vậy mỗi khi khệ nệ bê chồng báo đến.

Không chỉ cố gắng xây dựng thói quen đọc, chính tay ông Lân Trung cũng là người tìm trường, tìm thầy cho cả đội để vừa tập luyện, vừa tiếp tục học văn hóa và sau đó lo liệu cho việc thi tốt nghiệp của tụi nhỏ.

Thậm chí ông còn kể rằng có một lần Văn Quyến kêu khó, nhờ ông giúp cho 5 triệu để giải quyết vấn đề riêng, ông cũng đưa luôn mà chẳng tính toán, nghĩ ngợi gì.

Ăn cắp, dàn xếp - cá độ... những chuyện thâm cung bí sử của bóng Việt qua lời cựu PCT VFF - Ảnh 4.

Luôn cố gắng chăm lo từng chút một, bảo vệ hết mực cho các cầu thủ trẻ như vậy, bởi thế khi “Đại án Bacolod” xảy ra tại SEA Games 2005, nhìn rất nhiều tài năng của bóng đá Việt Nam vưóng vào vòng lao lý, “bố” Trung vô cùng đau lòng (các cầu thủ vì quý mến nên thường gọi ông Lân Trung là bố).

“Sau khi chuyện vỡ ra, tôi đến mắng thằng Quyến (Văn Quyến). Không, chính xác là chửi. “Mẹ mày chứ, mày đặt quốc gia ở đâu hả?”, tôi quát lên. Nó bảo: “Nhưng bố ơi bọn con cá thắng cơ mà.” Tôi điên quá, lại quát tiếp: “Thắng gì thắng 1 quả, nó gỡ lại thì chúng mày làm thế nào?”. Nào ngờ đâu Quyến lại đáp: “Bố ơi, bọn con biết đội kia thế nào mà. Họ có gỡ thì chỉ mươi phút là bọn con lại ăn lại được.

Tôi nghĩ thấy chán nản vô cùng. Bọn trẻ nó nghĩ đơn giản quá, làm thế chỉ để lấy về khoản tiền đâu đó dăm chục triệu. Nói thật lúc ấy tôi đã làm nhiều điều để cố gắng để bảo vệ tụi nhỏ, nhưng thực sự lực bất tòng tâm bởi đã mọi thứ giờ đây liên quan đến pháp luật mất rồi. Ngày đó nhìn bóng đá nước nhà mất đi cả một thế hệ như vậy tôi đau lắm”, ông nói trong chua chát.

Với ông Nguyễn Lân Trung, bóng đá cũng cần phải có tính giáo dục. Đó không chỉ là trách nhiệm của Liên đoàn, mà phải từ bên dưới, với sự chỉ bảo của đội ngũ HLV. Sự việc xảy ra ở Bacolod thực sự là một nỗi đau còn canh cánh trong lòng ông đến mãi về sau.

Ăn cắp, dàn xếp - cá độ... những chuyện thâm cung bí sử của bóng Việt qua lời cựu PCT VFF - Ảnh 5.

Và tiếp đà câu chuyện, ông lại kể thêm cho chúng tôi một kí ức khác như để muốn chứng minh rằng sự giáo dục không tốt của chính các HLV có thể vô tình mang tới cách hành xử không đúng mực cho các cầu thủ sau này.

“Có một lần tôi từng được chứng kiến sau trận đấu cả đội đi ăn, cầu thủ và BHL ngồi riêng hai bàn. Cầu thủ thì tất nhiên không được uống rượu, còn BHL thì uống. Chuyện cũng chẳng có gì, nhưng ai lại có kiểu BHL gọi một cầu thủ lên, bảo “hôm nay mày đá tốt, tao thưởng cho mày một cốc.

Trời ơi sao lại làm như thế? Không ổn một chút nào. Các HLV là người gần gũi nhất, phải trực tiếp bảo ban cầu thủ chứ. Sao lại để lại hình ảnh kiểu thưởng phạt xấu xí như thế?”, ông Trung kể lại câu chuyện với sự không hài lòng hiện rõ trên từng nét mặt.

“Tôi là nhà giáo, tôi luôn quan tâm đến việc đó. Phải là một công dân tốt trước khi trở thành một cầu thủ tốt. Các em phải sớm xa gia đình đi tập luyện, thì CLB phải là nơi giúp tất cả nhận thức được việc đó. Phải dạy được bọn trẻ biết cách ứng xử, bảo vệ tụi nó. Tất nhiên không phải kiểu chiều chuộng vô lý, bảo vệ quá đà, che giấu sai phạm. Nhưng phải có tính nhân văn đối với các em”.

Ăn cắp, dàn xếp - cá độ... những chuyện thâm cung bí sử của bóng Việt qua lời cựu PCT VFF - Ảnh 6.

Ký ức buồn SEA Games 2011 và lòng nhiệt tình mang thương hiệu Nguyễn Lân Trung

“Tính nhân văn” mà ông Lân Trung nói ở trên mang hàm ý rất rộng. Bởi đó không chỉ nằm ở việc chỉ bảo, vị tha, nhắc nhở các học trò, ông tâm niệm những người thầy còn cố gắng khích lệ tinh thần để cầu thủ của mình mỗi khi ra sân.

Cũng bởi thế mà sau này mới có chuyện khi chứng kiến U23 Việt Nam xuống tinh thần thê thảm trước trận tranh HCĐ SEA Games 2011, còn HLV Falko Goetz tỏ ra bất lực, ông Nguyễn Lân Trung (khi đó đang đảm nhận vai trò Phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông) đã gọi tất cả các cầu tập trung lại để lên dây cót tinh thần.

Sau khi đề nghị tất cả đứng thành một vòng tròn trước sảnh khách sạn Sutal (Jakarta, Indonesia), ông Trung đứng ở giữa trong vai trò một “lãnh đạo tinh thần” đã nhắc tới câu chuyện bố trung vệ Huỳnh Phú dù đang bị ung thư giai đoạn cuối nhưng vẫn lặn lội sang cổ vũ cho đội tuyển; ông kể lại câu chuyện trước thềm AFF Cup 2008, HLV Calisto và tuyển Việt Nam đến thăm những trẻ em ung bướu tại TP.HCM, nơi tụi nhỏ trong cơn đau đớn dằn vặt của thể xác vẫn vẽ hình anh Minh Phương, Tài Em, Công Vinh… để thể hiện tình yêu và khát khao được cháy cùng bóng đá của mình.

“Chẳng lẽ chúng ta lại ra về tay trắng? Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận rời Indonesia một cách bẽ bàng và tủi hổ?”, ông Trung cố gắng sốc dậy tinh thần cho U23 Việt Nam.

Chỉ tiếc rằng tâm lý nặng nề, chán nản của cả đội suốt từ đầu SEA Games đã không cho những đôi chân có thể thanh thoát trở lại. Mọi thứ kết thúc trong thất vọng khi U23 Việt Nam thất bại 1-4 trước U23 Myanmar và ra về trắng tay.

Ăn cắp, dàn xếp - cá độ... những chuyện thâm cung bí sử của bóng Việt qua lời cựu PCT VFF - Ảnh 7.

Trên thực tế, ông Lân Trung chỉ có mặt ở Indonesia năm đó trước trận bán kết với tư cách cá nhân, không phải do Liên đoàn cử đi và mọi kinh phí đều tự túc. Điều đó có nghĩa ông làm tất cả điều đó đơn giản chỉ bởi sự nhiệt tình của riêng mình. Tiếc rằng mọi việc lúc đó đã quá trễ.

Khi lắng nghe câu chuyện này, người viết bày tỏ thái độ đánh giá rất cao sự nhiệt tình của ông nhưng trái lại, ông Trung chỉ xua tay cười.

“Ôi dào có gì đâu. Những trận đấu đó thực sự rất hay và vô cùng quan trọng. Mình chỉ nghĩ nếu có thể sang vừa cổ vũ vừa động viên tinh thần được cho toàn đội thì cũng là điều tốt.

Thực sự mình rất bận vì phải đảm nhận nhiều công việc nhưng cảm thấy sắp xếp ổn thỏa được là đi. Tự túc kinh phí thôi.

Mình sang vừa thỏa mãn cái máu bóng đá của mình, vừa ủng hộ đội tuyển, cố gắng đóng góp nỗ lực nhỏ của riêng mình cho cái chung”, ông đáp lại một cách rất nhẹ nhàng và chân thật.

Cũng nhờ cái tâm thật và chẳng toan tính, để bụng gì mà ông Trung luôn được các cầu thủ yêu quý. Đến tận bây giờ, dù không còn làm việc ở Liên đoàn nhưng những ông vẫn nhận được rất nhiều tình cảm của “tụi nhỏ”.

“Vào trong Nha Trang, Quang Hải và Tấn Tài mời bố và u (vợ chồng tôi) một bữa hải sản vô cùng thịnh soạn. Tôi bảo cần gì phải thế này nhưng hai đứa nó không chịu, cứ nhất quyết phải thế.

Hoàng “bò” ra tập trung lại gọi tôi, Lương “dị” (Thành Lương) mỗi lần gọi điện lại hỏi “Bố ơi hết giầy chưa để con đưa?” Giầy đá bóng của tôi đều là của cậu ấy cho cả đấy chứ, vì cả hai cùng cỡ chân với nhau. Các cầu thủ, kể cả những người nghịch ngợm nhất đều hết sức quý tôi”.

Ăn cắp, dàn xếp - cá độ... những chuyện thâm cung bí sử của bóng Việt qua lời cựu PCT VFF - Ảnh 8.

Những mơ ước của tuổi già

Với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung, có hai giấc mơ mà ông vẫn luôn ấp ủ. Ông ước có thể trở thành một ông bầu bóng đá để xây dựng một đội bóng giàu tính nhân văn, nơi ông chủ và cầu thủ như một gia đình, giống như điều ông vẫn thường nói về sự quan trọng của giáo dục trong bóng đá.

Đồng thời ông cũng có mơ ước được làm một bộ phim. Suy nghĩ này xuất phát từ việc ông từng được đi theo đạo diễn người Pháp Régis Wargnier trong vai trò vai trò phiên dịch và Phó đạo diễn để thực hiện bộ phim Đông Dương vào năm 1990 (bộ phim sau đó đã đạt giải Oscar).

Ngoài ra ít ai biết rằng ở tuổi 65 và không còn công tác tại Liên đoàn, vị cựu Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung vẫn đang ấp ủ một dự án phát triển bóng đá bãi biển. Ông chia sẻ dự định làm và nhất định sẽ làm để nội dung này phát triển, bởi Việt Nam có đường bờ biển dài, một nửa tỉnh thành giáp biển mà bóng đá bãi biển không phát triển được thì đó là một thiếu xót lớn.

“Năm ngoái đội tuyển bóng đá bãi biển Việt Nam vô địch Đông Nam Á nhưng cuối cùng lại không dự giải châu Á. Có lẽ do không có kế hoạch, không có nhà tài trợ để thực hiện. Nghe chuyện đó mình cũng thấy xót xa.

Tôi muốn thành lập một hiệp hội, liên kết với các trường phổ thông. Diện tích sân trên cát cũng như sân cỏ mini 5, 7 người, kinh phí không quá lớn. Tôi hi vọng có thể tìm được một đơn vị, nhà tài trợ để phát triển bóng đá quần chúng, bóng đá phong trào. Bởi muốn bóng đá đỉnh cao có được một nền tảng chân đế vững chắc thì đừng quên bóng đá phong trào”.

Còn tiếp…