Ai sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng?

Tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (trong đó có đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng) đã được Thủ tướng báo cáo Quốc hội: Sẽ được hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu đe dọa đến tiến độ dự án trọng điểm này.

Thông điệp rất quan trọng của Thủ tướng

Ngày 24/09/2018, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo trực tiếp: Cần khẩn trương hoàn thành việc ký kết hợp đồng tín dụng dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng.

Về kiến nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Viettinbank cấp tín dụng cho thực hiện kết nối cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, Thủ tướng nói: “Con đường này có ý nghĩa rất lớn mà tôi đã phát biểu trước QH rồi. Nhưng mà Thủ tướng nói như vậy, nhưng Bộ GT VT, ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chưa có trách nhiệm nhiều trong việc này khi biết rằng đây là con đường trọng điểm. 

Chúng ta có chủ trương thống nhất rồi, hôm nay tôi giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hôm nay anh Sơn Phó thống đốc (ông Đoàn Thái Sơn – người viết) có mặt tại đây, chủ trì xử lý phần vốn cho vay làm tuyến đường này theo hình thức BOT mà Thủ tướng đã kết luận… Chúng ta biết con đường lên cửa khẩu rất quan trọng”.

Thủ tướng nhấn mạnh “anh Hưng, anh Sơn” (Thống đốc và Phó Thống đốc) phải chủ trì, thúc đẩy vấn đề vốn cho dự án trong tháng 10.2018 để làm dứt điểm tuyến đường này: “Khi có chủ trương 1 thì phải có biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới ra hồn được chứ, chứ cứ lờn vờn, không tập trung gì cả thì làm sao?”.

Thủ tướng kết luận: “vì tôi đã hứa trước Quốc hội 2020 là xong, không thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra trả lời chất vấn trước Quốc hội hoặc là Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể”.

Ngày 15.10.2018, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có Thông báo Kết luận của Thủ tướng về cuộc họp này, gửi các Bộ ngành liên quan, trong đó có Ngân hàng Nhà nước và Viettinbank.

Thông báo nhắc lại một lần nữa: Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Công thương Việt Nam (Viettinbank) giải quyết các vướng mắc tín dụng của nhà đầu tư, đảm bảo một đầu mối thu xếp vốn để khẩn trương thực hiện đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng (bao gồm 17,5 km đoạn kết nối đến các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam) với mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị Quan vào năm 2020…nhằm kết nối với tuyến đường cao tốc  Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Có thể thấy, chỉ đạo của Thủ tướng có những thông điệp rất quan trọng: Một, cần khẩn trương thực hiện cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng; Hai, giao trách nhiệm đích danh cho những người có tiếng nói quyết định đến việc thu xếp tín dụng cho d án, tránh lờn vờn, đùn đẩy trách nhiệm; Ba, đảm bảo một đầu mối thu xếp vốn cho dự án; Bốn, tiến độ của Hữu Nghị – Chi Lăng là một trong những yếu tố quyết định để có thể tiến hành một tuyến cao tốc trọng điểm nữa: Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Thông điệp thứ nhất, thứ hai, thứ tư thì rất dễ hiểu, nhưng thông điệp thứ ba thì chỉ có những người trong ngành mới thấu: Tại sao lại phải đảm bảo một đầu mối thu xếp vốn?

Ai cũng tưởng: Khi có nhiều ngân hàng hợp vốn thì dự án sẽ thuận lợi hơn, nhưng không phải. Đã xuất hiện những tiền lệ rất xấu cho các dự án phải hợp vốn nhiều ngân hàng. Chỉ cần một trong đố các ngân hàng đó thay đổi quan điểm, thay đổi đường hướng kinh doanh hoặc thay đổi lãnh đạo là dự án sẽ đình trệ hoặc có nguy cơ đổ bể, gây thiệt hại rất lớn về tiền của. Vì vậy, cần một đầu mối thu xếp vốn để có thể quy trách nhiệm rõ ràng.

Chỉ đạo của Thủ tướng quan trọng như vậy, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có bất kỳ một hợp đồng tín dụng nào được ký kết để thực hiện dự án Hữu Nghị – Chi Lăng.

Khi ngân hàng đặt điều kiện lạ

Vậy rào cản ở đâu và ở ai?

Ngày 22.11.2018, Viettinbank đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo lý do tại sao ngân hàng này chưa thu xếp vốn cho dự án Hữu Nghị – Chi Lăng. Theo đó ngân hàng này đã đặt ra hàng loạt điều kiện với nhiều cơ quan, thì mới thu xếp vốn:

Một, cần phải hợp vốn với ngân hàng khác vì tổng mức dư nợ sắp vượt mức giới hạn kiểm soát cho vay.

Hai, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn phải có cam kết thực hiện các giải pháp hỗ trợ đối với dự án thành phần 2 trong trường hợp nguồn thu thực tế khi vận hành không đạt  được kết quả như phương án tài chính đã phê duyệt. (Đề nghị này được một số chuyên gia và nhà đầu tư cho là “một điều kiện kỳ lạ và chưa từng có” vì Hợp đồng BOT đã quy định việc sẽ điều chỉnh phương án tài chính khi doanh thu thực tế biến động so với phương án tài chính ban đầu).

Là đơn vị được giao đầu mối thu xếp vốn, Viettinbank phải là đơn vị tiên phong trong tháo gỡ rào cản. Tuy nhiên, cũng trong ngày Viettinbank đặt điều kiện cho vay với các cơ quan khác (22.11.2018), thì chính Ngân hàng BIDV lại có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, sẵn sàng tháo gỡ một nút thắt: “Dự án đã được ký kết hợp đồng BOT, hồ sơ pháp lý cơ bản đã đủ để triển khai thực hiện…

Để đảm bảo một đầu mối thu xếp vốn cho dự án, nếu được Viettinbank mời đồng tài trợ, BIDV sẽ phối hợp cùng Viettinbank để thẩm định, đánh giá tính khả thi, hiệu quả dự án, khả năng trả nợ của khách hàng, xem xét tham gia cho vay đối với dự án theo đúng quy định hiện hành…”.

Hữu Nghị – Chi Lăng là đoạn cao tốc đi qua khu vực có địa hình đồi núi cao, vực sâu, điều kiện thi công rất khó khăn, trong khi thời hạn hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ lại ngắn, cho nên việc kiểm soát tiến độ phải rất ngặt nghèo. Thấy được những dấu hiệu đe dọa đến tiến độ dự án, ngày 27.11.2018, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ nêu rõ: “Đến nay, Ngân hàng tài trợ vẫn chưa hoàn thành việc thu xếp tín dụng, dẫn đến nguy cơ không hoàn thành trong năm 2020 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ trước cử tri Lạng Sơn tại kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV”.

UBND Lạng Sơn cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo việc đảm bảo thu xếp vốn cho dự án về đích đúng tiến độ; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng tài trợ (Viettinbank, BIDV…) hoàn thành việc thu xếp tín dụng trong tháng 12.2018…

Trong khi nguồn vốn cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng đang tắc ở phía Viettinbank, thì những động thái triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) lại đang được xúc tiến dồn dập.

Quy trách nhiệm cho ai?

Hiện nay, để di chuyển đường bộ từ Hà Nội đến Cao Bằng phải mất 5,5-6 giờ di chuyển ô tô trên quãng đường 280 km. Theo tính toán, sau khi các tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Đồng Đăng – Trà Lĩnh hoàn thành, thời gian di chuyển sẽ rút ngắn xuống còn 2-2,5 giờ. Huyết mạch giao thông này sẽ là cú hích lớn về kinh tế cho Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Ninh và những tỉnh lân cận.

Tại buổi làm việc với Cao Bằng ngày 24.11.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “quyết tâm làm cho được” dự án quan trọng này và coi đó như một động lực lớn phát triển kinh tế một tỉnh nghèo như Cao Bằng.

Ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng khẳng định: “”Với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, tôi cam kết các chính sách hỗ trợ dự án sẽ được đảm bảo thực hiện đúng quy định. Nhà đầu tư không phải lo sợ rủi ro về tư duy nhiệm kỳ do thay đổi chính sách.

Bây giờ… cái gì xác định là điểm nghẽn phải tháo gỡ ngay mới mong Cao Bằng phát triển. Dự án này là khát vọng bao đời của nhân dân tỉnh Cao Bằng. Hiện nay, cả hệ thống chính trị của Cao Bằng đang vào cuộc quyết liệt để công trình triển khai sớm nhất.”

UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã khẩn trương ký biên bản làm việc với nhà đầu tư để bắt tay vào các khâu hiện thực hóa dự án.

Trước đó, tại buổi làm việc với Lạng Sơn ngày 24.9.2018, Thủ tướng cũng đã chỉ rõ: “Có một vị trí địa kinh tế tốt như vậy, nhưng vì sao thời gian qua, Lạng Sơn chưa phát triển mạnh mẽ, xứng tầm trong thời kỳ mới?”. Và một trong những giải pháp giúp Lạng Sơn trả lời câu hỏi của Thủ tướng, chính là hoàn thành các tuyến đường cao tốc đúng tiến độ.

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu dự án chậm tiến độ?

Nếu chậm trễ trong thu xếp vốn, trách nhiệm chính thuộc về Viettinbank và sự chỉ đạo của ngân hàng nhà nước.

Nếu chậm trễ về giải phóng mặt bằng, không đảm bảo được an ninh, trật tự, trách nhiệm chính thuộc về địa phương.

Nếu chậm trễ về thi công, chủ đầu tư phải gánh trách nhiệm chính.

Vì vậy, nếu dự án chậm tiến độ ở khâu nào, đơn vị nào tránh né đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến phát sinh kinh phí, hiệu quả đầu tư sụt giảm, góp phần khiến việc đầu tư toàn tuyến bị gián đoạn, thì đơn vị đó không chỉ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước Quốc hội, mà còn phải chịu trách nhiệm trước hàng triệu nhân dân đang chờ đợi thụ hưởng dự án.