Mẫu trực thăng Hunting Eagle xuất hiện trong lễ duyệt binh khiến giới phân tích đặt câu hỏi tại sao TQ lại trưng bày một hệ thống thường được xem như thiết bị tiêu khiển thế này.
Hôm qua (1/10), Trung Quốc đã tổ chức duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, công khai nhiều loại khí tài mới và tiên tiến. Theo nhà phân tích Sebastien Roblin trên tạp chí National Interest, trong số này có một số loại “đến nay chưa nước nào trên thế giới có hệ thống tương tự trong biên chế”.
Dưới đây, theo ông Roblin, là 6 hệ thống khí tài đặc biệt xuất hiện trong lễ duyệt binh của Trung Quốc.
1. Tên lửa siêu vượt âm DF-17
Tên lửa đạn đạo DF-17 được thiết kế để triển khai phương tiện bay siêu vượt âm DF-Z. Các loại vũ khí siêu vượt âm có thể bay với tốc độ gấp 5-10 tốc độ âm thanh nhưng khác với các loại tên lửa đạn đạo tầm xa tốc độ cao, chúng bay với quỹ đạo rất khó phát hiện và đánh chặn, khiến đối phương chỉ có một vài phút để phản ứng.
Bên cạnh đó, nhờ có độ cơ động cao nên vũ khí siêu vượt âm có thể vượt qua các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo như THAAD hay SM-3 mà Mỹ đang triển khai trên các tàu chiến và tại các căn cứ ở Đông Á.
Tên lửa DF-17 ước tính có tầm bắn khoảng 1.900km, có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường và có thể điều chỉnh mục tiêu giữa hành trình bay.
2. Tàu ngầm tự động HSU-001
Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên công khai triển khai phương tiện không người lái dưới nước (UUV) có lượng giãn nước lớn. Về cơ bản, đây là loại tàu ngầm hoàn toàn tự động có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tầm xa.
Các nhà học thuyết tác chiến hải quân dự đoán trong tương lai, những UUV này sẽ được triển khai hoạt động cùng với tàu ngầm có người lái. Phổ biến hiện nay là các loại UUV cỡ nhỏ, tầm hoạt động ngắn hơn, chúng chủ yếu được dùng để tìm kiếm và thu hồi các vật thể dưới đáy biển.
Do khó duy trì kết nối giữa hệ thống điều khiển và UUV nên các UUV cỡ lớn, tầm xa (LDUUV) sẽ phải là loại tự động hoàn toàn, tức là có khả năng thực hiện nhiệm vụ mà không cần sự can thiệp của con người.
LDUUV của Trung Quốc dường như không được trang bị ống phóng lôi, do đó, nó có lẽ sẽ phục vụ mục đích trinh sát. Hai cột ăng-ten cảm biến rất rõ ràng, cũng như có thể thấy hệ thống sonar khá lớn ở đằng sau mũi tàu.
HSU-001 có thể chứng minh được hiệu quả trong các nhiệm vụ tầm xa như giám sát hoạt động của các tàu ngầm và tàu mặt nước Hải quân Mỹ. Dữ liệu thu được có thể được chuyển về sở chỉ huy trên mặt đất một cách định kỳ thông qua ăng-ten vệ tinh khi tàu ở trạng thái bán nổi.
3. UAV trinh sát DR-8
DR-8 là máy bay không người lái do thám siêu thanh, được thiết kế để hoạt động ở Thái Bình Dương với tốc độ gấp từ 3-5 lần tốc độ âm thanh nhờ một hệ thống đẩy bí ẩn.
Theo một bài phân tích trước đây của nhà báo quốc phòng David Axe, DR-8 có vẻ được lấy cảm hứng từ mẫu UAV do thám tốc độ cao D-21 của Mỹ.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), DR-8 có thể cung cấp dữ liệu đánh giá mức độ thiệt hại sau các cuộc tấn công của các loại tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26B. Trên lý thuyết, những loại tên lửa này có thể tấn công các tàu chiến di động, cách lục địa Trung Quốc từ 1.600-3.200km.
4. UAV tàng hình “Kiếm sắc”
Trong lễ duyệt binh hôm qua, Bắc Kinh cũng đồng thời giới thiệu UAV chiến đấu tàng hình (UCAV) GJ-11 Lijian (Kiếm sắc). Không chỉ khó bị radar phát hiện, GJ-11 Lijian còn có thể mang hơn 2 tấn bom/tên lửa dẫn đường bằng laser trên khoang vũ khí bên trong thân.
Lijian thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2013 và trở thành UCAV tàng hình đầu tiên được triển khai bởi một quốc gia không thuộc NATO. Tới năm 2018, Nga trở thành quốc gia thứ hai ngoài NATO ra mắt mẫu UCAV tàng hình của riêng mình.
Một số nguồn tin cho biết, phiên bản trinh sát của GJ-11 sẽ được triển khai trên tàu sân bay Type 001A của Trung Quốc để thực hiện nhiệm vụ do thám, giám sát, thu thập dữ liệu cho các cuộc tấn công tên lửa. Tuy nhiên, các loại vũ khí mang theo còn cho phép GJ-11 tiến hành các cuộc tấn công xuyên phá nhằm vào những mục tiêu được bảo vệ kỹ lưỡng.
5. Máy bay ném bom H-6N
Cả Không quân và hải quân Trung Quốc đều đang vận hành máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6 – phiên bản sao chép nội địa của mẫu Tu-16 “Badger” Liên Xô.
Tương tự như mẫu B-52 của Mỹ, H-6 không thể bay tới khu vực gần máy bay chiến đấu hay các hệ thống tên lửa phòng không của đối phương, nhưng có thể tấn công mục tiêu một cách an toàn bằng tên lửa tầm xa.
Các bức ảnh chụp H-6N cho thấy 2 đặc điểm quan trọng. Đầu tiên, nó được lắp đặt bộ phận tiếp nhiên liệu trên không, giúp tăng phạm vi hoạt động lên tới 6.000km. Thứ hai, phần thân máy bay có thêm một khoang cho phép nó mang được tên lửa đạn đạo cỡ lớn phóng từ trên không, được hoán cải từ tên lửa đạn đạo phóng từ trên bộ DF-21.
Mặc dù các máy bay H-6 đời trước mang được bom trọng lực hạt nhân nhưng hiện nay Trung Quốc không còn duy trì các loại vũ khí hạt nhân triển khai từ trên không nữa.
Do đó, nếu H-6N có khả năng triển khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân thì có lẽ Bắc Kinh thấy rằng lễ duyệt binh năm nay vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để công khai khả năng đó.
6. Trực thăng siêu nhẹ “Hunting Eagle”
Một trong những khí tài kỳ lạ nhất xuất hiện trong lễ duyệt binh năm nay là trực thăng siêu nhẹ (gyrocopter) Shaanxi Baoji. Nó có kích cỡ nhỏ hơn, giá thành rẻ hơn và có thể hạ cánh xuống vùng không gian hẹp hơn các loại trực thăng thông thường.
Tuy nhiên, gyrocopter có tốc độ chậm hơn, không thể cất cánh thẳng đứng và đòi hỏi phi công có kỹ năng lái an toàn.
Tại sao Trung Quốc lại trưng bày một hệ thống thường được xem như thiết bị tiêu khiển thế này?
Theo nhà phân tích Kyle Mizokami trên tờ Popular Mechanics, Hunting Eagle sẽ được sử dụng để “tìm kiếm và cứu hộ, kiểm soát biên giới, trinh sát, chống bạo động và đảm nhận một số vai trò khác.
Nó cũng sẽ được sử dụng để triển khai lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc khi họ thực hiện nhiệm vụ trong lãnh thổ đối phương”. Tuy nhiên, nó sẽ bị hạn chế bởi tầm hoạt động ngắn.
Trung Quốc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh. Nguồn: CNN