Ngay sau khi thông tin môn Lịch sử có thể là môn thi bắt buộc tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ với Báo Phú Thọ, bày tỏ quan điểm ủng hộ và sẵn sàng tâm thế nếu điều này được Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện.
Giờ học môn Lịch sử của học sinh Trường THPT Hạ Hoà
Thầy giáo Nguyễn Anh Tuân – Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hoà cho rằng đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Bộ GD&ĐT đã đánh giá đúng vai trò, vị trí của môn Lịch sử trong các nhà trường nói riêng và đối với xã hội nói chung; giúp học sinh chủ động hơn để học tập, tìm hiểu và yêu thích bộ môn Lịch sử. Đây là nội dung sẽ nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và toàn xã hội. Tuy nhiên, có một vài thách thức đặt ra là học sinh có nguyện vọng thi đại học khối khoa học tự nhiên sẽ phải ôn tập khối lượng kiến thức nhiều hơn. Vì vậy, để giảm bớt áp lực học và thi môn Lịch sử, các nhà trường phải thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Lịch sử. Đây là việc làm đòi hỏi sự thay đổi toàn diện từ tư duy đến hành động của cán bộ quản lý, giáo viên và cả học sinh nên chưa dễ để thực hiện. Do đó, thầy Tuân cho rằng Bộ GD&ĐT cần cụ thể về vấn đề sẽ thay đổi cấu trúc các bài thi tốt nghiệp như thế nào? Xây dựng lộ trình, kế hoạch, phương án… tổ chức thi tốt nghiệp ra sao? Khi Lịch sử là môn thi bắt buộc thì các tổ hợp xét tuyển của các trường Đại học sẽ điều chỉnh ra sao? Hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố để các nhà trường chủ động trong việc tổ chức giảng dạy, tư vấn và định hướng cho học sinh.
Đồng quan điểm ủng hộ dự kiến của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên, thầy giáo Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn cho rằng Bộ GD&ĐT cần ra đề minh họa sớm, cân nhắc việc biên soạn bộ ấn phẩm dữ liệu Lịch sử (giống như quyển Alat của Môn Địa lý) khi thi cho học sinh được sử dụng và có tỉ lệ câu hỏi thi khai thác trong bộ dữ liệu đó. Hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng thuộc khối ngành kinh tế, y dược, kỹ thuật… chưa có tổ hợp xét tuyển hoặc thi khảo sát năng lực có môn Lịch sử nên ảnh hưởng không nhỏ đến động cơ, mục tiêu ôn tập và chất lượng của bộ môn, rất cần có quy định khắc phục tình trạng trên.
Buổi ngoại khóa của Trường THPT Đoan Hùng dịp kỷ niệm 78 năm thành lập QĐNDVN với chuyên đề: Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không.
Thầy giáo Vi Khánh Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Đoan Hùng cho rằng để học sinh tiếp nhận và yêu thích môn lịch sử, thầy cô phải nâng cao kiến thức chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tăng tính hấp dẫn, sinh động của tiết học, khơi dậy được niềm đam mê học tập của học sinh đối với bộ môn. Tuy nhiên, cần bổ sung các dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên môn Lịch sử vì chương trình giáo dục PT 2018 mang tính tổng thể khái quát hệ thống mà chưa đi sâu cụ thể từng chủ đề, nội dung; tài liệu hỗ trợ giáo viên cũng chưa được cập nhật thường xuyên.
Là học sinh lớp 10A2, Trường THPT Hạ Hoà và đang theo học khối tự nhiên, em Nguyễn Thành Huy cho biết: Em cũng như các bạn đang theo khối tự nhiên thì việc học Lịch sử cũng gặp nhiều khó khăn như khả năng ghi nhớ các sự kiện hạn chế, vẫn còn tâm lý sợ…môn Lịch sử; sức ép từ phía gia đình muốn đầu tư nhiều thời gian cho các môn Toán, Lý, Hóa để thi đại học;… Theo em nghĩ, dù phải thi thêm một môn nhưng nếu biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, đồng thời được các thầy cô hướng dẫn phương pháp thì cũng không quá áp lực.
Em Nguyễn Trần Hơn, học sinh 10A1, Trường THPT Đoan Hùng chia sẻ rằng những bạn học KHTN cũng như phụ huynh có băn khoăn, lo lắng khi thi thêm một một môn xã hội. Tuy nhiên em thấy những bạn học tự nhiên hoàn toàn có thể tự tin học và thi môn Lịch sử với nền tảng yêu quê hương đất nước, truyền thống của dân tộc Việt Nam ta như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Các thầy, cô giáo Trường THPT Tân Sơn sử dụng máy chiếu trong giảng dạy lịch sử, tạo hứng thú cho các em học sinh
Theo ý kiến của thầy, cô giáo và học sinh các trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thì dự kiến đến năm 2025, Lịch sử mới trở thành môn thi bắt buộc tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên thời gian vẫn còn đủ để nhà trường, thầy cô và học sinh chủ động trang bị, củng cố kiến thức.
Thanh Trà
Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/y-kien-nguoi-trong-cuoc-khi-lich-su-tro-thanh-nbsp-mon-thi-bat-buoc-tai-ky-thi-tot-nghiep-thpt/191110.htm