Xuống tay với “đường sinh mệnh” của nền kinh tế, Trung Quốc đặt cược tất cả vào Iran để loại Mỹ?

(Ảnh minh họa: Reuters)

Vào tuần cuối cùng của tháng 8, lần đầu tiên Trung Quốc đã quyết định bổ sung thêm dầu thô nhập khẩu từ Mỹ vào danh sách hàng hóa bị đánh thuế.

Quyết định trên nhằm trả đũa việc Mỹ áp thuế mới đối với hàng hóa của Trung Quốc.

Khoảng 6% lượng dầu thô của Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ. Đối với một nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào nguồn dầu thô nhập khẩu, quyết định này mang rất nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang chuẩn bị tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ và cuộc chiến thương mại giữa hai nước chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.

Tại sao Trung Quốc áp thuế với “đường sinh mệnh” của nền kinh tế?

Global Research (Canada) dẫn số liệu gần đây cho thấy, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu thô nhập khẩu đã nhảy vọt lên mức 70% và sự phụ thuộc vào khí đốt cũng tăng lên 50%. Một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không bao giờ đưa ra một quyết định như trên nếu ban lãnh đạo nước này không thể bảo đảm có được nguồn cung thay thế. Đó chính là khi Iran và nguồn dầu mỏ giá rẻ/được miễn thuế của nước này bắt đầu phát huy vai trò của mình, và “bàn cờ” địa chính trị lớn hơn trở nên năng động, giúp Trung Quốc có thể đối chọi với Mỹ ở 3 tầng bậc.

Thứ nhất, liên quan tới cuộc chiến thương mại, thuế mà Trung Quốc áp dụng đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Mỹ sẽ làm xói mòn vị trí của Mỹ là “nhà vô địch mới về khai thác dầu mỏ” của thế giới.

Thứ hai, liên quan tới địa chính trị khu vực, nhập khẩu dầu mỏ từ Iran sẽ giúp hỗ trợ nền kinh tế Iran chống chọi với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và giúp kinh tế nước này tiếp tục trụ vững. Một sự thật hiển nhiên đó là Iran là mắt xích quan trọng đối với sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc để giúp nước này mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài châu Á.

Thứ ba, nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được một sự thỏa hiệp trong các tranh chấp thương mại và quan hệ kinh tế, chính trị song phương giữa hai nước tiếp tục lạnh nhạt, việc Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ từ Mỹ sẽ trở thành một điểm bất lợi lớn. Do đó, với việc tách ra khỏi nguồn dầu mỏ của Mỹ, Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài với Mỹ, hoặc ít nhất thì cạnh tranh thương mại hiện nay sẽ chưa thể sớm giải quyết.

Mặc dù Trung Quốc gần đây quyết định tăng cường khai thác khí đốt ở tỉnh Tử Xuyên, tăng từ mức đáp ứng xấp xỉ 20% nhu cầu trong nước lên mức 33%, song vẫn chưa đủ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Do đó, nước này đang rất tham vọng trong việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Iran.

Global Research trích nhiều báo cáo cho biết, Trung Quốc dự định đầu tư khoảng 280 tỷ USD vào lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu của Iran. Đổi lại, sự đầu tư này sẽ giúp Trung Quốc mua các sản phẩm năng lượng từ Iran với mức giá thấp, chắc chắn là rẻ hơn nhiều so với dầu mỏ của Mỹ. 

Dù có rủi ro là Mỹ sẽ trừng phạt các công ty của Trung Quốc có liên quan tới việc mua bán dầu với Iran, song Bắc Kinh đã sẵn sàng đối phó với điều đó. Trung Quốc tuyên bố nước này không e sợ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã đe dọa áp đặt đối với các công ty, các quốc gia tiếp tục có quan hệ kinh tế với Iran.

Dù vậy, trong diễn biến mới nhất, Bộ dầu mỏ Iran Công ty dầu mỏ nhà nước Trung Quốc (CNPC) hồi cuối tuần qua đã rút khỏi thỏa thuận trị giá 5 tỉ USD phát triển mỏ khí tự nhiên lớn ngoài khơi Iran. Trước đó, hãng Total SA của Pháp cũng rút khỏi thỏa thuận này do cấm vận Mỹ.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 6/10 cho rằng chiến dịch của Mỹ chống lại Iran đã tác động lên các nguồn đầu tư nước ngoài.

Xuống tay với đường sinh mệnh của nền kinh tế, Trung Quốc đặt cược tất cả vào Iran để loại Mỹ? - Ảnh 2.

Một phần đã được xây dựng của nhà máy lọc khí tại mỏ khí South Pars tại bờ biển đông bắc Vịnh Ba Tư ở Asalouyeh, Iran, tháng 1/2014 (Ảnh: AP Photo/Vahid Salemi)

Quyết định của Trung Quốc và ảnh hưởng địa chính trị

Bắc Kinh có thể mở rộng và sử dụng đường ống dẫn khí đốt Turkmenistan-Trung Quốc để nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Iran, thậm chí có thể xây dựng thêm các đường ống mới giúp Trung Quốc không chỉ đáp ứng được nhu cầu về năng lượng mà còn giảm đáng kể sự phụ thuộc vào một số các nhà cung cấp dầu mỏ, khí đốt ở Trung Đông có quan hệ gần gũi với Mỹ như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Cập Thống nhất (UAE).

Trung Quốc cũng đang đầu tư khoảng 120 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng sản xuất và vận chuyển của Iran. Cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng ở Iran bao gồm nhiều tuyến đường sắt cao tốc, giúp Trung Quốc có thêm các tuyến đường để thúc đẩy hoạt động thương mại bằng đường bộ đi qua Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để tới châu Âu và ngược lại; đồng thời phát triển cả thương mại trên biển thông qua các cảng biển của Iran để tới Trung Đông, châu Phi và xa hơn nữa. 

Một trong những cảng biển của Iran mà Trung Quốc đang nhắm tới là cảng Chabahar do Ấn Độ xây dựng. Do Ấn Độ hoàn toàn tuân thủ theo yêu cầu của Mỹ là chấm dứt toàn bộ việc nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, mối quan hệ giữa Iran và Ấn Độ đã rơi xuống mức thấp, giúp Trung Quốc tiến lên và chiếm lấy chỗ trống.

Cùng với đầu tư kinh tế, quân đội Trung Quốc cũng xuất hiện tại Iran. Nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ, khoảng 5.000 nhân viên an ninh của Trung Quốc sẽ được cử tới Iran để bảo vệ các dự án của Trung Quốc trước những nỗ lực phá hoại có thể xảy ra từ các nước thù địch thông qua các chủ thể phi nhà nước được các nước này hậu thuẫn, hoặc thậm chí là trực tiếp điều khiển. 

Sự hiện diện của lực lượng an ninh này tại Iran sẽ tương đương quy mô hiện diện hiện nay của Mỹ tại Iraq, và tương đương với lực lượng mà Lầu Năm Góc dự định để lại Afghanistan vào năm 2020. 

Ngoài ra, lực lượng an ninh của Trung Quốc cũng nhằm răn đe bất kỳ động thái theo chủ nghĩa phiêu lưu nào của Mỹ, bởi vì bất kế cuộc tấn công quân sự lớn nào hay một hành động chống lại Iran của Mỹ sẽ có nguy cơ tấn công vào các nhân viên quân sự của Trung Quốc, gây ra căng thẳng với một cường quốc hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ cả về mặt quân sự và kinh tế. 

Tóm lại, việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Iran nhằm hiện thực hóa mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự giữa hai nước. Lực đẩy khiến hai nước này xích lại gần nhau sẽ là các biện pháp trừng phạt của Mỹ và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.

Đồng quan điểm này, trong bài viết đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, Ngoại trưởng Iran Zarif đánh giá: “Trung Quốc đã và đang trở thành một đối tác kinh tế không thể thiếu của Iran, và hai nước là những đối tác chiến lược của nhau trên nhiều lĩnh vực…”

Cả Trung Quốc và Iran “đều ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong các vấn đề toàn cầu, nhưng điều này đang bị công kích hơn bao giờ hết [bởi Mỹ]”. 

Trực tiếp nhằm vào Mỹ, ông Zarif viết: “Trung Quốc và Iran ủng hộ các mối quan hệ thương mại công bằng trên khắp thế giới và cả hai nước đều phải đối mặt với sự thù địch từ bên ngoài [Mỹ] xuất phát tù sự cố chấp đơn phương theo chủ nghĩa dân túy”.

Sự hiện diện sâu rộng của Trung Quốc tại Iran và sự sẵn sàng đối đầu với Mỹ là một lực đẩy lớn cho Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Pakistan – những nước đang nỗ lực xây dựng một “trật tự châu Á” xung quanh Vành đai, Con đường của Trung Quốc cũng như các chương trình kết nối khu vực khác như Liên minh kinh tế Á-Âu, và thậm chí là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). 

Để một trật tự mới nổi lên thì trật tự cũ chắc chắn phải bị dỡ bỏ. Sự phản kháng của Trung Quốc rõ ràng là một bước tiến lớn hướng tới một trật tự mới./.