Thời gian chờ đợi người thân chiến đấu với tử thần trong phòng mổ, những người thân chỉ biết ngồi phía bên ngoài rồi viết lên những tâm tư của mình lên bức tường vô giác lạnh ngắt. Họ cầu nguyện cho người thân vượt qua, sớm hoàn thành ca mổ để được trở về với gia đình.
Đến Trung tâm Tim Mạch, Bệnh viện E vào một buổi sáng mùa thu, người thì tấp nập chạy qua chạy lại các phòng để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ cho người thân nhập viện, người thì ngồi thẫn thờ một góc như đang cầu nguyện điều gì đó.
Khu vực cầu thang tầng 2 và tầng 3 phía ngoài phòng mổ và khoa Hồi sức tích cực gần như đã trở thành “nhà trọ” đối với nhiều người thân bệnh nhân.
Tại Trung tâm Tim Mạch, Bệnh viện E có một nơi vô cùng đặc biệt đó là khu vực cầu thang tầng 2 và tầng 3 phía ngoài phòng mổ và khoa Hồi sức tích cực.
Nơi đây đã gần như trở thành căn “nhà trọ” của nhiều người thân bệnh nhân nơi đây. Thời điểm chúng tôi đi qua khu cầu thang này, khoảng hơn 10 người vẫn đang nằm, ngồi thẫn thờ ngóng chờ thông tin người thân mình ở phía trong.
Hơn 10h sáng, từ phía cửa phòng mổ phát ra tiếng mở cửa lạch cạch, hàng loạt người đang nằm dài tại cầu thang này liền bật dậy hướng nhìn về phòng mổ thật nhanh.
Trong lúc người thân đang phải vượt qua bệnh tật trong phòng mổ, phòng hồi sức thì họ chỉ biết ngồi cầu mong người thân bình an.
“Người nhà bệnh nhân T. đâu! Ca mổ thành công, bệnh nhân được chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực rồi nhé”, một bác sĩ cất tiếng nói lớn, vừa dứt lời thì cánh cửa phòng mổ đóng sập lại.
Cùng lúc đó, anh Tùng con trai bệnh nhân vội vàng chạy đến tầng 2 cố ngó ngó qua ô cửa kính nhưng không thấy người thân đâu. Hỏi ra thì được biết, đến 6h chiều anh mới được vào thăm người thân vì đây là quy định của bệnh viện. Mỗi lần vào thăm cũng chỉ được gặp vài phút để tránh cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn sau mổ.
Những dòng chữ loang lổ trên bức tường ở cầu thang phía ngoài phòng mổ và khoa Hồi sức tích cực.
Ngó mãi không thấy người thân, anh Tùng lại quay về trước cửa phòng mổ thu dọn đồ đạc, chuyển xuống trước cửa Khoa hồi sức ở giáp cầu thang bộ tiếp tục kề bên người thân vượt qua bệnh tật.
Không chỉ riêng anh Tùng, hàng chục người thân bệnh nhân cũng trở nên thân quen với khu vực cầu thang tầng 2 và tầng 3 phía ngoài phòng mổ và khoa Hồi sức tích cực.
Có những người đã ở đây suốt hơn 2 tháng trời. Những người này cho biết, dù bệnh viện có phòng lưu trú và họ cũng đủ khả năng để thuê một phòng trọ ở gần bệnh viện, nhưng khi mà người thân đang “chiến đấu” với bệnh tật trên bàn mổ hay trong phòng hồi sức thì họ không muốn đi đâu khác.
Những tâm tư được người thân viết lên trong lúc chờ đợi người thân trong phòng bệnh.
Chẳng ai bảo ai nhưng mọi người đều chung tay giữ gìn vệ sinh chung tại khu vực cầu thang này vì đã coi đây như “nhà trọ” bên người thân. Mọi người tự để dép ở dưới để đi lên tầng 2, tầng 3 nơi mà người thân bệnh nhân đang ngồi, nằm dù không có biển cấm hay biển báo nào.
Cũng tại khu vực cầu thang này, khi bất kỳ ai bước đến đây đều có thể nhìn thấy ngay những dòng chữ loang lổ, ngang dọc trên bức tường dài khoảng 10m chứa đầy những tâm tư, ước nguyện.
Có dòng chữ được viết nắn nót cẩn thận trau chuốt như một sự cầu thị. Cũng có dòng chữ viết vội, ngệch ngoạch trên tường với nhiều nội dung khác nhau.
Có những người đã bám trụ nơi đây hơn 2 tháng trời vì muốn được ở gần người thân.
Có những dòng chữ được viết vội nguệch ngoạc nhưng cũng có những dòng chữ được viết tỉ mỉ chứa đầy tâm tư.
Nhưng tất cả đều nói lên những tâm tư người bố, người mẹ hay người con gửi gắm tới người thân đang nằm trên bàn mổ, trong phòng bệnh. Mọi người đều hy vọng, ước nguyện cho ca mổ thành công, cầu mong cho người thân nhanh khỏe mạnh để trở về với gia đình.
“Minh Quân cố gắng lên con nhé, bố mẹ biết con mạnh mẽ lắm, cố găng lên con để về chơi với anh Huy, anh ấy đang chờ con ở nhà. Bố mẹ tin ở con, con sẽ làm được mà”.
“Vậy là 4 lần mẹ phải ở đây để chờ con rồi Linh Chi ơi”.
Vài dòng tâm sự bên ngoài phòng mổ.
“Nghĩa à! Cố lên con trai, bố mẹ luôn mong con khỏe mạnh để gia đình mình được đoàn tụ với nhau. Bố mẹ đặt hết mọi hy vọng ở con đấy, giá như bố mẹ có thể giúp con gánh một phần nào đó bệnh tật thì tốt quá. Bố mẹ yêu con nhiều lắm”, đó là một vài dòng tâm sự để lại trên bức tường ngoài phòng mổ.
Khi mà người thân đang buộc phải một mình vượt qua bênh tật, chiến đấu với “tử thần” thì họ chỉ còn biết cầu nguyện, chỉ biết dựa vào bức tường lạnh ngắt vô tri, vô giác để nói lên những mong ước của mình.
Theo Bác sĩ Đoàn Thị Hoài Thu, Khoa Tim mạch trẻ em, Bệnh viện E, mỗi ca mổ tim rất khó xác định được thời gian ca mổ kết thúc, do vậy trong thời gian chờ đợi người nhà thường rất lo lắng, sốt ruột chờ đợi.
Do mỗi ca mổ có thời gian kéo dài khác nhau nên người thân thường rất lo lắng, sốt ruột chờ đợi.
Có thể, cùng một dị tật, một bệnh nhưng mỗi người mỗi có những nguy cơ, rủi ro trong quá trình phẫu thuật khác nhau. Có những ca mổ có thể kéo dài từ sáng đến đêm vẫn chưa xong.
Cùng chung cảnh chờ đợi lo lắng như bao người thân bệnh nhân tại đây, vợ chồng anh Đỗ Xuân Hưởng (ở Bắc Ninh) đã có 3 ngày chờ đợi khi bố đang chuẩn bị mổ tim ở phía trong. Hai vợ chồng chỉ biết vin vào nhau tâm sự, nói chuyện trong thời gian chờ đợi để bớt đi phần nào sự lo lắng và quên đi thời gian.
Theo anh Hưởng, những dòng chữ loang lổ trên tường là những tâm tư của những ai có người thân đang trong phòng mổ: “Tôi hiểu cảm giác đó, dù ca mổ chỉ diễn ra vài tiếng nhưng nó dài như hàng thế kỷ vậy”, anh Hưởng chia sẻ.
Vợ chồng anh Hưởng chờ đợi người thân bên ngoài cầu thang cạnh phòng mổ.
Trong khi con gái 8 tháng tuổi đang nằm trong phòng hồi sức, chị Lê Thị Thu Thảo (SN 1994) vẫn chưa hết lo lắng và mòn mỏi chờ đợi phía bên ngoài cầu thang chờ đến giờ vào thăm con.
Cũng như bao người đến đây, chị Thảo chỉ biết bày tỏ sự lo lắng, lời cầu nguyện lên bức tường trong thời gian chờ đợi kéo dài như vô tận: “Đỗ Tùng Lâm! Bình an con yêu nhé, bố mẹ chờ con, cố lên”.
Vài lời chị Thảo gửi đến con trai trước những chuỗi ngày dài đằng đẵng phía trước.
Mẹ chồng chị Thảo cũng mong chờ được vào thăm cháu.
Bức tường lưu lại nhiều tâm tư, câu truyện khác nhau nhưng đều chung một mong muốn, một lời cầu nguyện cho người thân vượt qua được thời gian khó khăn trong phòng mổ, trong phòng hồi sức bình an.
Bên ngoài phía phòng mổ, phòng hồi sức Trung tâm Tim Mạch, Bệnh viện E, họ vẫn cố bám trụ lại nơi khoảng không chật hẹp.
Khi những tiếng kéo cửa lạch cạch từ phía phòng mổ phát ra họ lại cùng nhau bật dậy hướng mắt lên nhìn mong chờ một thông báo tốt lành về người thân của mình.