10 năm trước, anh gây ra cái chết cho 2 người đàn ông sau một trận “hỗn chiến” trên sông Đuống. Anh vào tù, nhận mức án chung thân, người ở lại chịu nhiều đau đớn và tổn thương, nhất là những đứa trẻ chưa đủ trưởng thành để hiểu rõ sự chia ly.
15/8/2019, từ trại giam, anh gửi một bức thư viết tay.
Phía nhận không phải người thân hay bạn bè, bức phong thư được đề bên ngoài với địa chỉ “đặc biệt”: Ban sản xuất chương tình “Cặp lá yêu thương” – VTV1, Đài truyền hình Việt Nam.
Anh là Nguyễn Đức Ngọc – phạm nhân đang phải chịu bản án chung thân tại Trại giam Vĩnh Quang (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), sau một vụ mâu thuẫn va chạm giao thông cách đây 10 năm.
“Nghe đến chấp hành bản án chung thân, chắc anh chị sẽ nghĩ ngay đến những kẻ bất hảo, giết người, cướp của, buôn bán ma túy khét tiếng…. Đúng! Tôi mang tội giết người theo quy định của pháp luật, nhưng bản thân tôi chẳng có thâm thù huyết hận hay mưu lợi gì trong cái chết của nạn nhân. Chỉ vì mâu thuẫn va chạm giao thông đường thủy, trong lúc nóng giận, sự thiếu kiềm chế dẫn tới xô xát giữa 2 bên, và hậu quả là hai người tử vong, còn tôi đi tù.
Hậu quả để lại cho những người còn sống, còn phải gánh vác nỗi đau tinh thần, nỗi lo cuộc sống cơm áo gạo tiền. Mặc dù sự việc đã xảy ra cách đây gần 10 năm nhưng tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng.
Tôi chẳng thể tin nổi mình lại phải rơi vào vòng lao lý. Nhưng dần dần tôi cũng chấp nhận sự thực đó. Dù tôi chẳng muốn giết ai để phải đi tù nhưng việc họ đã chết là sự thật”.
Con sông Đống – hiện trường cách đây 10 năm xảy ra vụ hỗn chiến giữa 2 con tàu, gây thương đau cho nhiều bên. Ảnh minh họa.
Cuộc hỗn chiến trên sông Đuống 10 năm trước và bản án chung thân
19h ngày 7/4/2010, anh Nguyễn Xuân Tiến (27 tuổi, TP Việt Trì, Phú Thọ) điểu khiển tàu chở cát từ Việt Trì về Hà Nội bán.
Khi đến khúc mở cầu phao, thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh, luồng, lạch bị thu hẹp nên tàu nào cũng muốn qua nhanh. Tàu của anh Tiến đã va chạm với tàu chở cát khác do anh Trần Huy Quân (24 tuổi, TP Việt Trì) điều khiển. Trên tàu anh Quân có Nguyễn Đức Ngọc, Bùi Văn Chiểu (24 tuổi, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) và Nguyễn Đức Ánh (17 tuổi, em trai Ngọc).
Sau cú va chạm, nhóm người trên hai tàu cãi chửi, dùng than đá, bát đĩa, chai thủy tinh giao chiến. Tàu của Tiến đã ép tàu anh Quân mắc cạn và vượt lên đi trước. Đến cảng cát sỏi thuộc xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, tàu của Tiến vào bến. Tại đây, Tiến gặp Nguyễn Ngọc Tám (45 tuổi, cậu vợ của mình) và kể lại chuyện xô xát. Tiến đã rủ ông Tám lên tàu của mình để tiếp tục xuôi về hạ lưu.
Nguyễn Đức Ngọc (bên phải) cùng các bị cáo khác tại tòa. Ảnh: Internet.
Khi đi qua ngã ba sông Hồng và sông Đuống, thấy “đối thủ” phía trước, ông Tám đứng ở mũi tàu và bảo một thanh niên làm thuê dùng dây neo sang tàu của anh Quân. Do tàu của anh Quân tăng tốc nên ý định này không thực hiện được.
Tiến cố điều khiển mũi tàu áp sát vào sườn trái tàu đối thủ. Ngay sau đó, Tiến cùng cậu và Nguyễn Trung Kiên (19 tuổi, em vợ Tiến) cầm gậy gỗ, tuýp sắt nhảy sang giao chiến. Trong lúc đó, Ngọc đứng trên khoang chứa cát đã dùng xẻng vụt trúng đầu ông Tám và Tiến. Ông Tám gục tại chỗ, còn anh Tiến sau những nhát xẻng đã bị rơi xuống sông.
Ông Tám tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu. Ba ngày sau đó, thi thể anh Tiến cũng được tìm thấy với những vết rạn vỡ, lõm trên đầu. Cả hai nạn nhân được xác định tử vong do chấn thương sọ não.
Đứng trước vành móng ngựa, Ngọc cho rằng không chủ định giết người, rằng Viện kiểm sát ra cáo trạng truy tố hành vi giết nhiều người là sai. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa đã phân tích hành động của bị cáo là hành vi của tội giết người.
Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt Ngọc tù chung thân; Chiểu 49 tháng 8 ngày; Kiên 15 tháng 20 ngày cho hưởng án treo; Ánh 2 năm cải tạo không giam giữ.
Bức thư cầu mong giúp đỡ 2 người con nạn nhân
Ngọc gây ra cái chết cho 2 người đàn ông – là trụ cột trong 2 gia đình – sau những bức xúc và nông nổi của năm 24 tuổi.
10 năm sau, trong trại giam, Ngọc tự hỏi: “Hai người đã chết, họ còn bố mẹ, vợ con. Gia đình họ rồi qua thời gian cũng sẽ phải chấp nhận thực tế đau thương. Nhưng còn cuộc sống của họ ra sao? Tôi nhìn vào hình ảnh héo mòn của bố mẹ mình rồi liên tưởng đến gia đình họ. Và luôn tự hỏi không biết cuộc sống của họ sẽ như thế nào? Vì cuộc sống của tôi tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, dăm ba tháng có khi đến cả năm gia đình mới tới thăm nom. Và trong thời gian gặp hay liên lạc với gia đình chỉ là những câu chuyện ngắn ngủi vỡ vụn trong tiếng khóc và tiếng nấc nghẹn ngào của bố mẹ tôi”.
Ngọc bước chân vào tù khi mới 21 tuổi, không vợ con, không bất kỳ tài sản riêng. Sau khi anh thi hành bản án chung thân, chiếc xà lan PT-0787 – cần câu cơm duy nhất và cũng là tài sản có giá trị nhất trong gia đình, bố anh đã đem bán để trả nợ lo cho thằng con trai tù tội.
Bức thư phạm nhân chung thân viết kín 4 mặt giấy. Ảnh: Cặp lá yêu thương/VTV24.
“Bố mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo tôi đến tuổi trưởng thành để có thể tự lo cho bản thân, lo cho gia đình ấy vậy mà tôi lại phải vào tù với bản án chung thân. Bố tôi suy sụp hẳn, ông đã có tuổi lại thêm suy nghĩ rồi bệnh tật dằn vặt. Nỗi đau cứ mỗi ngày gặm nhấm tâm can ông để rồi ông cũng ra đi cách đây không lâu mà chẳng thể nhìn mặt tôi lần cuối. Và tôi cũng chẳng có cơ hội được phụng dưỡng, chăm sóc ông ngày nào trong những năm tháng bệnh tật cuối đời.
Đến 30 tuổi rồi mà tôi còn không chịu được cảm giác không có bố thì những đứa trẻ của hai gia đình bị hại, ngay từ 3 tuổi, 5 tuổi, 10 tuổi đã thiếu đi sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của cha chúng”.
Trong những năm tháng qua, khoản trợ cấp cho 3 đứa trẻ và bố mẹ già của người bị hại có một phần trách nhiệm mà Tòa án đã tuyên phạt Ngọc. Nhưng anh biết rõ giới hạn của bản thân mình.
Bức thư viết kín 4 mặt giấy, kết thúc bằng lời “cầu xin” của Ngọc. Những dòng chữ ngay ngắn, chứa đựng những tâm sự, nỗi niềm ăn năn và cả tình yêu thương.
“Tính đến nay đã gần 10 năm, đứa lớn nhất cũng gần 20 tuổi, đủ tuổi trưởng thành rồi. Nhưng theo tôi được biết thì hiện tại 2 đứa nhỏ 13 tuổi và 15 tuổi đang có cuộc sống rất khó khăn vất vả cùng bà nội. Sau khi bố chúng mất, chúng ở với mẹ cùng ông bà nội. Nhưng sau đó vài năm thì cả mẹ và ông nội cũng lần lượt qua đời.
Tôi rất hy vọng các anh chị trong ban sản xuất chương trình “Cặp lá yêu thương” có thể giúp đỡ cho hai cháu bé có thêm điểm tựa, ổn định cuộc sống và được học hành đầy đủ.
Có thể đây là điều duy nhất mà bản thân tôi hiện nay có thể làm vì quá trình chấp hành án của tôi còn rất dài…”.