Liên quan đến việc Di tích quốc gia Động Hồ Công, xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc) bị xâm hại, sáng 16-3, đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cùng đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Lộc đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo xử lý sai phạm.
Đồng chí Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng đại diện các bên liên quan trực tiếp kiểm tra hiện trường.
Theo đó, ngay trong sáng 16-3, huyện Vĩnh Lộc đã huy động lực lượng tiến hành tháo dỡ các hạng mục xây dựng, cải tạo trái phép trong khu vực Di tích quốc gia Động Hồ Công. Các bục, bệ đá đã xây, gạch men ốp và toàn bộ hệ thống tượng, bát hương, di vật… được dỡ bỏ, dọn dẹp, đưa ra khỏi khu vực di tích. Công tác này sẽ được thực hiện trong 2 ngày (16 và 17-3) để trả lại nguyên trạng mặt bằng, cảnh quan, không gian của di tích.
Các hạng mục trái phép được nhanh chóng tháo dỡ đưa ra khỏi di tích.
Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc Lữ Minh Thư cho biết: Việc xây dựng, cải tạo trong khu vực Di tích quốc gia Động Hồ Công là trái pháp luật. Công việc này do sư trụ trì chùa Thông (hay còn gọi là chùa Du Anh), ni sư Thích Đàm Hải tiến hành. Trong 2 ngày 16 và 17-3, huyện Vĩnh Lộc sẽ huy động tối đa nhân lực để tháo dỡ, di dời các hạng mục xây dựng trái phép, dọn dẹp phế thải ra khỏi khu vực di tích. Chính quyền địa phương sẽ quyết liệt phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tự ý xây dựng, đưa tượng, di vật… vào di tích.
Đồng chí Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo xử lý sai phạm tại Di tích quốc gia Động Hồ Công, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Xuân Yên ghi nhận công tác xử lý kịp thời của chính quyền địa phương và khẳng định: Sự việc xảy ra rất đáng tiếc, nhưng đây là bài học kinh nghiệm về công tác bảo tồn, tôn tạo di tích mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Vĩnh Lộc và các địa phương khác trong tỉnh cần rút kinh nghiệm sâu sắc.
Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra định kỳ, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người dân cùng chung tay bảo vệ di tích, danh thắng.
Liên quan đến công tác xử lý việc xâm hại Di tích quốc gia Động Hồ Công, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu địa phương cần tập trung tháo dỡ, trả lại nguyên trạng di tích; trong quá trình tháo dỡ phải làm tốt công tác bảo vệ, đảm bảo không làm hư hỏng, tác động xấu đến di tích, nhất là phần nhũ đá, đá ở phần tiếp giáp với khu vực bị tháo dỡ.
Bên cạnh đó, phải làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tự ý xây dựng, đưa tượng, di vật… vào Di tích quốc gia Động Hồ Công khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả xử lý và đề xuất, kiến nghị đối với những nội dung vượt thẩm quyền trước ngày 25-3-2023.
Động Hồ Công nằm trên núi Xuân Đài.
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, 9 pho tượng và 6 bệ đá đã được vận chuyển vào khu vực bên trong động Hồ Công để thờ trái phép. Tại đây, nhiều hạng mục cũng được xây dựng trái phép như ban thờ, bát hương… Xác định tính chất nghiêm trọng của sự việc, tối 15-3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản giao Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản văn hóa căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng dẫn các phòng, ban, chức năng của UBND huyện Vĩnh Lộc và UBND xã Ninh Khang, sư trụ trì chùa Thông trong việc khắc phục sai phạm tại di tích, báo cáo những nội dung vượt thẩm quyền.