Theo cơ quan chức năng, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023, số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia, giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, Cục CSGT (C08) Bộ Công an cho biết trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông (TNGT), chết 89 người, bị thương 111 người.
So sánh với 7 ngày Tết năm 2022, giảm 12 vụ (-7,32%), giảm 3 người chết (-3,26%), tăng 8 người bị thương (+7,77%); so sánh với 7 ngày Tết năm 2019 (thời gian trước dịch Covid-19), giảm 71 vụ (-31,84%), giảm 51 người chết (-36,43%), giảm 101 người bị thương (-47,64%).
Trong đó, đường bộ xảy ra 147 vụ TNGT, chết 85 người, bị thương 109 người. So sánh với 7 ngày Tết năm 2022, giảm 15 vụ (-9,26%), giảm 6 người chết (-6,59%), tăng 7 người bị thương (+6,86%); so sánh với 7 ngày Tết năm 2019, giảm 72 vụ (-32,88%), giảm 54 người chết (-38,85%), giảm 100 người bị thương (-47,85%).
Đường sắt xảy ra 4 vụ, làm chết 4 người, bị thương 1 người; so sánh với 7 ngày Tết năm 2022 tăng 2 vụ, tăng 3 người chết; so sánh với 7 ngày Tết năm 2019 số vụ không tăng không giảm, tăng 3 người chết, giảm 2 người bị thương.
Đường thủy xảy ra 1 vụ tại An Giang, làm bị thương 1 người; So sánh với 7 ngày Tết năm 2022 tăng 1 vụ, tăng 1 người bị thương; so sánh với 7 ngày Tết năm 2019 tăng 1 vụ, tăng 1 người bị thương.
Kết quả xử lý vi phạm về TTATGT, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, CSGT các đơn vị, địa phương kiểm tra, xử lý 21.990 trường hợp vi phạm; phạt tiền 50 tỷ 428 triệu đồng; tạm giữ 639 xe ô tô, 9.910 xe mô tô; 50 phương tiện khác; tước 4.950 GPLX các loại.
Phát hiện, xử lý 7.726 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (chiếm 35,1% tổng số vi phạm về TTATGT); so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần, xử phạt tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%). Một số địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao có: Hải Phòng 616 trường hợp, Hà Nội 558 trường hợp, TPHCM 483 trường hợp, Quảng Nam 480 trường hợp, Thái Nguyên 460 trường hợp, Nam Định 244 trường hợp.
Phát hiện, xử lý 2.211 trường hợp phương tiện vi phạm tốc độ; 74 trường hợp phương tiện vi phạm quá khổ, quá trọng tải: 281 trường hợp phương tiện vi phạm chở quá số người quy định.
Lực lượng CSGT cũng đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 19 vụ phạm pháp hình sự, 31 đối tượng giao cho cơ quan điều tra xử lý.
Về tai nạn giao thông ngày mồng 5 Tết (ngày 26/01/2023), theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, toàn quốc xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người và 15 người bị thương, so với ngày mồng 05 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giảm 02 vụ (-9,5%), tăng 03 người chết (+33,3%) và giảm 02 người bị thương (-12%). Trong đó: Đường bộ: xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người và 15 người bị thương; Đường sắt và đường thuỷ: không xảy ra tai nạn.
Về ùn, tắc giao thông trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão chủ yếu tập chung tại các tuyến đường cửa ngõ thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày cao điểm (tức ngày 29 – 30 Tết và ngày mồng 4 – 5 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc.
Nguyên nhân của việc ùn tắc được đánh giá là do lưu lượng giao thông tăng cao vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, như: trên tuyến Pháp Vân – cầu Giẽ, đường vành đai 3; trên tuyến quốc lộ 1 qua Đồng Nai, qua Ninh Bình, Thanh Hóa…, cao tốc theo hướng thành phố Hồ Chí Minh đi Long Thành – Dầu Giây, cửa ngõ đi về miền Đông, miền Tây (Tiền Giang, Bến Tre v.v…), phà Cát lái và Rạch Miễu; quốc lộ 51 hướng đi Đà Lạt, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như tại các bến xe nhà ga tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại một số trạm thu phí, mặc dù đã triển khai hệ thống thu phí không dừng, tuy nhiên do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao so với ngày thường và do va chạm giao thông cũng dẫn đến tình trạng ùn, tắc cục bộ tại một số trạm thu phí như: tuyến trạm thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Pháp Vân – Cầu Giẽ v.v…
Với sự chỉ đạo sớm, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, các bộ: Y tế, Giáo dục và đào tạo, Thông tin và truyền thông, UBND các địa phương trong triển khai các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT – TTXH kết hợp với phòng, chống COVID-19 dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tình hình TTATGT 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán cơ bản được đảm bảo.
Không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn giảm so với các năm trước. Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại.
Công tác quản lý giá cước vận tải, công khai niêm yết giá cước, chuẩn bị phương tiện tăng cường, ký cam kết bảo đảm ATGT, các đoàn kiểm tra được các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trong dịp Tết Nguyên Đán. Tình trạng ùn, tắc giao thông được các lực lượng chức năng xử lý kịp thời, giảm tối đa các vụ ùn, tắc giao thông kéo dài trên các tuyến giao thông.
Mặc dù, tình hình TTATGT trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cơ bản được đảm bảo, tuy nhiên số người thương do tai nạn giao thông vẫn tăng so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (tăng 8%), đáng lưu ý theo số liệu của Bộ Y tế, số ca cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông tăng 13,5% so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần năm 2022. Tình hình ùn, tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp trên các trục chính, các đầu mối giao thông quan trọng của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như tại một số trạm thu phí trên các tuyến giao thông.
Khuê Lâm (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/xu-ly-hon-7700-truong-hop-vi-pham-nong-do-con-trong-7-ngay-nghi-tet-d189424.html