Xót thương cụ bà nhường căn phòng 3m2 cho con trai rồi sống một mình trong “nhà rác” sau chợ Long Biên

Con trai đã lớn nên bà Ba dành chỗ ở rộng 3m2 để anh Bình sinh sống, sinh hoạt. Bà không muốn con ở chỗ bẩn, khổ cực. Còn về phần mình, bà dựng tạm cái lán lấy chỗ chui ra chui vào những khi mưa gió, rét mướt và gọi đó là “nhà rác”.

Mẹ nhường phòng cho con, một mình sống trong căn nhà rác 

Từ nhiều năm nay, khu nhà lụp xụp, tiêu điều phía sau chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) đã trở thành nơi cư trú của nhiều mảnh đời bất hạnh, khó khăn.

Xót thương cụ bà nhường căn phòng 3m2 cho con trai rồi sống một mình trong nhà rác sau chợ Long Biên - Ảnh 1.

Bà Ba, người phụ nữ nghèo sống ở khu ổ chuột Long Biên.

Nơi đây, có những dãy nhà trọ dành cho những phận người làm công việc nhặt ve chai, nhặt tôm rơi vãi. Tất cả những người sống ở đây có chung hoàn cảnh khó khăn vất vả, bỏ quê hương về Hà Nội mưu sinh. 

Trong những phận đời ở đây, chúng tôi vô tình biết đến hoàn cảnh vô cùng đặc biệt của cụ bà Trần Thị Ba (73 tuổi). Hiện bà đang sống cùng người con trai không được bình thường trong căn nhà nằm sát ngay bờ sông Hồng. 

Phải gặp trực tiếp, tận thấy về cuộc sống của cụ chúng tôi mới biết giữa Hà Nội phồn hoa còn có những phận đời như vậy.

Xót thương cụ bà nhường căn phòng 3m2 cho con trai rồi sống một mình trong nhà rác sau chợ Long Biên - Ảnh 2.

Bà Ba tâm sự về cuộc đời mình.

Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là túp lều được dựng tạm để mẹ con bà lấy chỗ chui ra chui vào những lúc mưa gió, xung quanh căn nhà chưa đầy 3m2 ấy được bao bọc toàn những túi rác, áo mưa ai đó vứt bỏ.

Cũng chính nơi đây lưu giữ ký ức suốt hàng chục năm vất vả, cực khổ của người mẹ hai con này. Chậm rãi kể với chúng tôi về cuộc đời mình, bà Ba cho hay, quê gốc bà ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định. 

Cuộc sống trước đây nghèo khó, vợ chồng bà cũng có hai người con một trai một gái. Thế nhưng chồng bà bị u não rồi mất sớm. 

Xót thương cụ bà nhường căn phòng 3m2 cho con trai rồi sống một mình trong nhà rác sau chợ Long Biên - Ảnh 3.

Túp lều được dựng lên bằng các vật dụng rác thải là nơi sinh sống của bà Ba hàng chục năm nay.

Sức khoẻ ốm yếu nên bà Ba cùng hai con được đưa vào trung tâm nuôi dưỡng những hoàn cảnh khó khăn. Được một thời gian thì trung tâm này giải thể. 

Không có điều kiện chăm lo cho con nên bà ngậm ngùi cho con gái út là Nguyễn Thị Tý (SN 1990) làm con nuôi khi Tý vừa tròn 5 tuổi. 

Người con trai cả của bà là Nguyễn Văn Bình (SN 1985) cũng không được khôn ngoan như chúng bạn. Càng lớn Bình càng trở nên ngờ ngệch. 

Xót thương cụ bà nhường căn phòng 3m2 cho con trai rồi sống một mình trong nhà rác sau chợ Long Biên - Ảnh 4.

Căn phòng 3m2 có giường chiếu, bà nhường cho người con trai không được bình thường.

Thậm chí khi đến tuổi đi học Bình thường xuyên bỏ đi lang thang khắp nơi bà Ba phải khổ sở đi tìm kiếm. 

“Lang bạt một thời gian mẹ con tôi dạt về góc chợ Long Biên này với công việc nhặt phế liệu, ve chai kiếm từng đồng sống qua ngày. 

Hằng ngày công việc của tôi thường bắt đầu từ 4h sáng khi chợ Long Biên gần tan ca. Lúc này tôi bới từng đống rác nhặt ve chai, giấy bìa gom lại rồi đưa về khu nhà trọ. 

Hằng ngày đi nhặt phế liệu tôi được trả công mỗi tháng 600 nghìn đồng. Số tiền đó cũng đủ để thi thoảng dẫn con đi mua cho nó bộ quần áo và mua thức ăn hai mẹ con sinh sống các cháu ạ”, bà Ba nói.

Xót thương cụ bà nhường căn phòng 3m2 cho con trai rồi sống một mình trong nhà rác sau chợ Long Biên - Ảnh 5.

Hàng chục năm qua bà Ba sống trong túp lều lụp xụp, mưa phải mặc áo mưa để ngủ.

Con trai đã lớn nên bà Ba dành chỗ ở rộng 3m2 để anh Bình sinh sống, sinh hoạt. Bà không muốn con ở chỗ bẩn, khổ cực. Còn về phần mình bà dựng tạm cái lán lấy chỗ chui ra chui vào những khi mưa gió, rét mướt. 

“Ở đây sợ nhất lúc mưa gió, rét mướt. Có nhiều hôm mưa to ở trong nhà mà cứ ngỡ như ngoài trời. Lúc này lại vội lấy áo mưa thu nhặt được khâu lại che chắn những vị trí bị dột. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề nó cũng thành quen”, bà nói.

Ước mong được gặp lại người con gái

Bà Ba là người chị lớn, sau có có 6 người em, các em của bà mỗi người một nơi. Tết bà vẫn nán lại chợ Long Biên làm công việc thu nhặt ve chai. 

Xót thương cụ bà nhường căn phòng 3m2 cho con trai rồi sống một mình trong nhà rác sau chợ Long Biên - Ảnh 6.

Chú chó là người bạn duy nhất của bà Ba.

Hết Tết bà đưa con về quê nhà thắp hương cho cha mẹ rồi ở lại ăn Tết muộn cùng các em và con cháu vài ngày rồi lại ra Hà Nội.

Nỗi niềm lớn nhất của cụ chính là mong cho con trai có được ai đó thương cảm về sống chung nhà, chăm sóc cho nhau. Bà còn mong được gặp lại người con gái út mà trước đó đã đem cho người khác nuôi.

“Được cái ông trời thương cho sức khoẻ nếu không sẽ không biết xoay sở thế nào. Cuộc đời tôi khổ nhiều rồi nhưng không tâm sự trải lòng với ai. 

Đến bây giờ tôi cũng đã gần cuối cuộc đời rồi mà con trai có lớn nhưng cứ ngờ ngệch vậy suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà”, bà Ba chia sẻ.

Giờ cứ nghĩ sống vì mình vì con mình nên còn sức khoẻ ngày nào tôi còn cố đi làm để mẹ con bớt khổ. 

“Tôi cũng mong một ngày nào đó được gặp lại con gái mình nhưng giờ không biết con ở đâu, không biết con còn nhớ người mẹ già này không và có trách mình vì cuộc sống quá khốn khó phải cho con để người khác nuôi dưỡng”, bà Ba chia sẻ.