Chỉ thời gian mới có tác dụng.
Có vẻ như con người đã mất hàng ngàn năm để đi tìm phương pháp giải rượu, nhưng không mấy thành công. Cách đây vài năm, các nhà khoa học tìm được một tài liệu bằng giấy cói của người Ai Cập thời cổ đại Hy-La. Cuộn giấy tiết lộ cách mà họ sử dụng để chữa trị say rượu.
Ở thời điểm 1.900 năm trước, người Ai Cập tin rằng đeo một chiếc vòng cổ làm từ Leatherleaf, một loài cây bụi thuộc họ Thạch Nam có thể giúp giải rượu.
Nhiều phương pháp trị say rượu dân gian khác cũng từng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa, chẳng hạn người La Mã tin rằng việc ăn cá trích muối chua hoặc một con chim hoàng yến rán có thể có tác dụng. Người Mỹ cũng đặt niềm tin của họ vào mận muối và Prairie Oyster, một món chứa trứng sống, nước ép cà chua, nước sốt nóng hoặc một số thảo dược được cho là có tác dụng giải rượu.
Trong y học, bất cứ thứ gì có thể chữa được chứng đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi và mất phương hướng đều đã từng được áp dụng để thử giải rượu.
Mặc dù vậy, gần như không có phương pháp nào tỏ ra hiệu quả thực sự đối với một người đang say, ngoại trừ thời gian có thể giúp anh ấy dần tỉnh táo trở lại.
Prairie Oyster – món chứa trứng sống được cho là có tác dụng giải rượu
Tại sao sau hàng ngàn năm, con người vẫn chưa tìm ra cách giải rượu?
Thực tế, có một khó khăn lớn trong công cuộc tìm ra phương pháp giải rượu, đó là chúng ta vẫn chưa biết chính xác say rượu nghĩa là gì, trên góc nhìn của sinh học phân tử. Các triệu chứng của cơn say vẫn còn tồn tại cho đến khi toàn bộ rượu đã được đào thải ra khỏi máu của chúng ta.
Điều đó cho thấy các chất sau chuyển hóa xuất hiện khi cơ thể chúng ta phân giải rượu có thể đóng vai trò khiến chúng ta say. Ethanol bị phân hủy bởi các men gan thành acetaldehyde, sau đó, nó lại phân hủy thành acetate, cuối cùng mới biến thành chất béo và nước.
Một số nhà khoa học suy đoán rằng acetaldehyde có thể là thứ gây ra một số triệu chứng nôn nao, đặc biệt là khi họ quan sát thấy những người mang đột biến cản trở enzyme phân giải acetaldehyde thường dễ bị say hơn. Nhưng có một số nghiên cứu cho thấy nồng độ acetaldehyde không tương quan với mức độ nghiêm trọng của triệu chứng nôn nao.
Một số nhà khoa học nghi ngờ rằng chỉ riêng rượu và các chất chuyển hóa của nó không thế khiến một người bị say kéo dài, vẫn còn một số yếu tố nào đó tham gia vào bữa tiệc của bạn.
Chẳng hạn như trong quá trình lên men và chế biến rượu, một số hợp chất được sinh ra, cộng với các hợp chất mà nhà sản xuất thêm vào để tạo màu và hương vị gọi chung là congener cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn say xỉn.
Rượu có màu càng đậm hơn, với nhiều congener hơn, có vẻ sẽ khiến cơn say trở nên tệ hơn: một nghiên cứu năm 2009 cho thấy những người uống rượu bourbon đen cảm thấy tồi tệ hơn nhiều so với những người uống vodka trong suốt.
Quá trình chuyển hóa rượu trong cơ thể
Ngoài ra, ai cũng biết một điều rằng tửu lượng của mỗi người đều có sự khác biệt. Ngoài tuổi tác – được các nghiên cứu xác nhận là càng cao thì tình trạng say càng tệ hơn – các yếu tố khác như sinh lý học cơ bản, lượng rượu uống và tốc độ uống chưa được nghiên cứu kỹ.
Lý do cũng dễ hiểu, việc thiết kế thí nghiệm với rượu rất khó khăn, các nhà khoa học không thể kiểm soát được mọi yếu tố có trong một buổi nhậu nhẹt tưng bừng. Rất khó để đưa một người vào phòng thí nghiệm, bảo họ uống rượu và làm theo y hệt những gì họ làm tại nhà hay một quán bar để theo dõi.
Trên thực tế, các triệu chứng nôn nao mà bạn phải chịu đựng sau cơn say có lẽ không phải là do một mình phân tử rượu, hoặc thậm chí tập hợp các phân tử khác có trong chai.
Say rượu là một sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Ví dụ đơn giản, uống rượu sẽ dẫn đến sự thay đổi trong hooc-môn có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Vì vậy, bạn có thể bị mất nước và cảm thấy đau đầu.
Mọi người thường uống rượu và tin rằng nó sẽ mang lại một giấc ngủ ngon hơn. Nhưng thực tế là rượu chỉ khiến bạn ngủ vì mệt lả đi, còn chất lượng giấc ngủ sau đó sẽ cực kỳ thấp. Bạn sẽ bị đánh thức vào giữa đêm.
Hiện tượng mệt mỏi và uể oải vào sáng hôm sau có thể thực sự bắt nguồn từ giấc ngủ quá ít hoặc kém chất lượng vào đêm bạn uống quá chén. Một số nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng cảm giác mất trí tạm thời và suy giảm nhận thức sau cơn say có thể xuất phát từ một số loại kích hoạt miễn dịch, với nồng độ cao hơn của các hợp chất viêm.
“Có những giả thuyết cho rằng cảm giác nôn nao do rượu bắt nguồn từ một phản ứng miễn dịch của cơ thể khi nó phải đối phó với rượu nặng“, giáo sư sinh lý học Joris C Verster tại Đại học Utrecht cho biết. “Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để tìm hiểu vai trò của các chất dẫn truyền tín hiệu miễn dịch như cytokine đối với cơn say“.
Có rất nhiều yếu tố đóng góp vào một cơn say, và khoa học thậm chí còn chưa hiểu hết được chúng
Ăn gì đó liệu có thể giải được rượu?
Tìm kiếm một hồi trên Internet, bạn sẽ thấy có rất nhiều gợi ý về việc ăn gì để giúp giải rượu. Chuối, một loại thực phẩm chứa nhiều kali, được khuyên là một giải pháp giúp chống say, dựa trên giả thuyết của một số người nói rằng nó giúp bổ sung các chất dinh dưỡng bị mất trong khi chúng ta uống rượu.
Nhưng thiếu hụt chất dinh dưỡng không phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng nôn nao, bạn cũng không có khả năng bị thiếu hụt quá nhiều chất chỉ sau một bữa tiệc.
Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ đôi khi cũng được khuyên nên ăn khi uống rượu. Nhưng đây dường như là một phiên bản nhầm lẫn của lời khuyên nên ăn nhiều trước khi uống, để quá trình hấp thụ rượu chậm lại; không có bằng chứng cho thấy việc ăn nhiều sau khi uống có tác dụng.
Một số người gợi ý bạn nên ăn trứng, với lý do là chúng có chứa một loại axit amin được sử dụng trong việc phân hủy acetaldehyde. Điều này cũng vậy, có một chút hư ảo rằng trứng có thể giải quyết vấn đề nôn nao. Không có bằng chứng khoa học cho thấy việc tiêu thụ axit amin giúp giảm triệu chứng say rượu.
Bạn sẽ ăn một con chim hoàng yến rán ư? Ôi không, nó không giúp gì đâu và ai lại đi rán một con hoàng yến?
Trong khi đó, khoa học cho thấy việc nghỉ ngơi, bù nước và uống aspirin có thể vẫn là những phương pháp điều trị tốt nhất chúng ta có được. Ăn no trước khi uống và uống chậm lại có thể giúp giữ nồng độ cồn và các chất độc khác mà bạn nạp vào cơ thể ở mức mà gan có thể đối phó được.
Vậy là, sau hàng ngàn năm, chúng ta vẫn phải nói rằng cách duy nhất để không say rượu chính là đừng uống quá mức. Nếu bạn cần một động lực để kiềm chế và đừng quá chén, hãy tưởng tượng cảnh bạn phải ăn một con chim hoàng yến rán trong lúc buồn nôn. Đó là điều kinh tởm hơn cả việc chịu đựng cơn say, cứ nghĩ vậy có khi bạn lại kiêng được rượu.
Tham khảo BBC