Xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng

Xác định tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Nhân Ngày sách Việt Nam năm 2023, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với bà Lại Thi Thu Hà, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh về vai trò của sách và những hoạt động kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin về sách đến người đọc trong thời gian qua. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

Xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng

Người dân thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) được tiếp cận với sách từ xe Thư viện lưu động của Thư viện tỉnh. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên: Theo bà, đọc sách có ý nghĩa như thế nào trong thời đại công nghệ số như hiện nay?

Bà Lại Thị Thu Hà: Sách là sản phẩm sáng tạo bằng trí tuệ và tâm hồn của con người, là kho tàng tri thức của nhân loại. Đọc sách không chỉ nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy giáo dục mà còn rèn luyện nhân cách con người. Việc đọc sách có vai trò và ý nghĩa vô cùng to lớn, như: Việc đọc sách cung cấp một khối lượng tri thức vô tận cho con người để học tập và làm việc. Những cuốn sách lịch sử, văn hóa giúp con người hiểu về quá khứ, chứng kiến những sự kiện, những cuộc đấu tranh anh dũng và công cuộc kiến thiết đất nước của bao thế hệ cha anh.

Việc tìm hiểu và đọc những cuốn sách có liên quan đến nghề nghiệp, chuyên môn của mình sẽ giúp người đọc có thêm những thông tin, kiến thức, hiểu biết sâu rộng hơn về nghề nghiệp mình đang làm… Đọc sách dạy con người rèn luyện tâm tính, rèn luyện cách sống. Sự kiên nhẫn khi đọc sách sẽ giúp người đọc bình tĩnh, làm việc một cách chắc chắn hơn. Đọc sách có thể rèn luyện đức tính kiên trì, nhẫn nại cho người đọc. Đọc sách cũng cho chúng ta có sự trân trọng và biết ơn thành quả ngày nay; biết suy nghĩ vì người khác…

Thực tế chỉ ra rằng qua việc được tiếp xúc, được đọc những cuốn sách hay, đã có rất nhiều người thành công trên các lĩnh vực mà họ lựa chọn. Đồng thời, việc đọc sách còn giúp tự tin hơn vào bản thân trong giao tiếp, chủ động ứng xử, giải quyết những tình huống xảy ra dễ dàng và linh hoạt hơn, từ đó hình thành được kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đọc sách là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bạn khắc phục những sai sót trong việc sử dụng ngôn ngữ; khắc phục lỗi về sai chính tả, cách dùng từ, dùng câu, dùng biểu cảm trong giao tiếp. Hơn nữa, đọc sách cũng là một hình thức giải trí, giúp giảm căng thẳng mệt mỏi.

Thay vì cuộc sống chỉ gắn liền với điện thoại, máy tính, ti vi… với việc sử dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… con người có thể nghỉ ngơi và tận hưởng thư giãn bên sách. Đọc sách giúp con người thư giãn, giải tỏa căng thẳng và tạo thêm những màu sắc mới trong tâm hồn mình. Sách có vô vàn kiến thức, nội dung, vì thế các bạn có thể từ từ lựa chọn cho mình những thể loại sách phù hợp để đắm chìm vào nó. Các đầu sách về văn học như là tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tản văn, thơ, ca… chính là một trong những nguồn năng lượng tích cực cho mỗi người.

PV: Bà có thể cho biết các hoạt động trọng tâm của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình? 

Bà Lại Thị Thu Hà: Để thu hút đông đảo độc giả đến với Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 trên địa bàn tỉnh, với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, hấp dẫn, hướng nhiều đến đối tượng độc giả. Với mong muốn đây sẽ là ngày hội, là diễn đàn, là sân chơi bổ ích cho độc giả và mỗi độc giả đến với sự kiện sẽ góp phần vào thành công của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2. Qua đó sẽ không ngừng nuôi dưỡng tình yêu với sách và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.

Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 được diễn ra từ ngày 1/4/2023 đến ngày 1/5/2023. Trong đó, tập trung tổ chức các chuỗi hoạt động từ ngày 15/4/2023 đến ngày 1/5/2023, với thông điệp: “Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”. Nội dung trọng tâm là tổ chức tuyên truyền, quảng bá về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 sâu rộng trên địa bàn tỉnh, nhất là trong các trường học, các cơ sở giáo dục – đào tạo, thư viện, trung tâm văn hóa thông tin. Hoạt động này được gắn với Triển lãm ảnh và phim phóng sự – tài liệu trong cộng đồng ASEAN; Triển lãm ảnh và hiện vật về phát triển bền vững biển đảo Việt Nam; Trưng bày, triển lãm số về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng và pháp lý và các hoạt động tọa đàm, giao lưu với diễn giả với chủ đề về Sách và Văn hóa đọc; tổ chức trao tặng tủ sách, học bổng cho các trường học, thư viện, học sinh nghèo vượt khó…

Cùng với đó, tổ chức hoạt động tuyên truyền, giới thiệu chuyển đổi số thông qua “Xuất bản phẩm điện tử”. Trong đó, giới thiệu về tính năng, tác dụng, ưu thế, nền tảng và tầm quan trọng của xuất bản phẩm điện tử trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tổ chức các chương trình trải nghiệm đọc sách trên xe thư viện lưu động đa phương tiện, các trò chơi trả lời câu hỏi theo sách.

Tổ chức “Ngày hội đọc sách” đa dạng về chủ đề tại các trường học trong tỉnh. Phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tổ chức các câu lạc bộ về sách với các hoạt động ngoại khóa nhằm xây dựng và hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Các hoạt động khác gắn với sách, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức và địa phương…

Xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồngCác em học sinh Trường THCS Trường Yên (Hoa Lư) đọc sách từ Thư viện lưu động. Ảnh: Minh Quang

PV: Để thu hút độc giả ngày càng biết đến Ngày Sách Việt Nam cũng như lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng, theo bà cần có thêm các hoạt động gì?

Bà Lại Thị Thu Hà: Để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là trong thời kỳ cách mạng 4.0 hiện nay, tỉnh Ninh Bình cần tập trung xây dựng và hình thành văn hóa đọc cho đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh và sinh viên. Đây là đối tượng bịảnh hưởng sâu sắc nhất bởi sự phát triển thần tốc của công nghệ thông tin. Việc hình thành thói quen đọc sách của thanh, thiếu niên được tác động từ các phía, đó là nhà trường, gia đình và xã hội.

Trước tiên, cần chú trọng đặc biệt đến hoạt động giáo dục văn hóa đọc sách trong nhà trường. Thầy cô và nhà trường sẽ là những người mở cánh cửa lớn để các em đến với sách và hình thành, nuôi dưỡng thói quen đọc sách. Cùng với đó, việc giáo dục về thói quen đọc sách trong gia đình cũng là một yếu tố quan trọng. Cha mẹ, ông bà khuyến khích và định hướng con trẻ từ khi còn nhỏ để tạo cho trẻ một niềm yêu thích sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách. Và sau cùng là cả xã hội chung tay cùng lan tỏa tình yêu sách. Các phương tiện truyền thông tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách hay đến với đông đảo bạn đọc, khơi dậy niềm say mê đọc sách, giúp mỗi người hiểu hơn về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

PV: Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã có những hoạt động gì để nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu với sách và xây dựng văn hóa đọc trong trường học và cộng đồng?

Bà Lại Thị Thu Hà: Thư viện tỉnh đang lưu giữ kho tư liệu gần 170.000 bản sách, hơn 1.500 bài trích địa chí, gần 100 tờ báo – tạp chí và gần 280.000 trang tài liệu điện tử. Nội dung tài liệu phong phú, gồm nhiều thể loại khác nhau, được xếp theo từng thể loại, chủ đề giúp bạn đọc thuận lợi trong việc tra cứu tài liệu. Hoạt động phục vụ bạn đọc luôn được đổi mới cả về nội dung và hình thức.

Hàng năm, Thư viện tỉnh được bổ sung lượng sách lớn, với nhiều thể loại truyện hấp dẫn, hình ảnh bắt mắt, nội dung phong phú về các lĩnh vực như: Kỹ năng sống, truyện tranh, các câu chuyện lịch sử, trò chơi dân gian… giúp các em hình thành nhân cách, phát triển tư duy, hình thành một xã hội tương lai lành mạnh.

Phòng báo- tạp chí với hàng trăm đầu báo khác nhau, như: Báo Nhân Dân, Báo Ninh Bình, báo các chuyên ngành, lĩnh vực… Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Thư viện tỉnh đều tổ chức Hội báo xuân để phục vụ bạn đọc. Đặc biệt, với tinh thần “tất cả vì bạn đọc”, các thủ thư luôn tận tình, hướng dẫn bạn đọc tìm tài liệu phù hợp với sở thích nhu cầu.

Cùng với đó là hệ thống trang thiết bị hiện đại, như: Camera quan sát kho sách, hệ thống tra cứu trực tuyến trên máy tính với phần mềm thư viện điện tử Libol6.0, giúp bạn đọc tra tìm sách thuận tiện hơn. Thư viện tỉnh đã và đang phát triển nhiều dạng dịch vụ như dịch vụ tra cứu, tài liệu số, cung cấp thông tin chọn lọc, tra cứu trực tuyến, sử dụng tài liệu điện tử với các CSDL toàn văn (tài liệu số hóa), khai thác Internet, giải đáp thông tin qua điện thoại, zalo…

Bên cạnh đó, hoạt động ngoài thư viện cũng đóng góp vai trò quan trọng. Thư viện tỉnh đã tổ chức chuyến xe tri thức đưa sách xuống các điểm phục vụ người đọc trong tỉnh, với nội dung tuyên truyền phong phú. Năm 2022, đã phục vụ 225 lượt xe ô tô thư viện lưu động tại các điểm trường thuộc các huyện, thành phố và các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động xe ô tô thư viện lưu động đã góp phần lan tỏa phong trào đọc sách trong trường học và cộng đồng, đưa “văn hóa đọc” trở thành thói quen cho người dân, đặc biệt là các em học sinh, rèn cho các em biết chọn những loại sách báo có nội dung tốt, tính giáo dục cao, phù hợp với tâm sinh lý của từng em…, phục vụ hiệu quả việc học tập nâng cao kiến thức, hình thành nhân cách cho các em.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, Thư viện tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ. Tích cực đổi mới phương pháp phục vụ, thu hút bạn đọc đến thư viện; phát huy hiệu quả của các tủ sách, chi nhánh, điểm sách trên địa bàn, tập trung vào địa bàn thuộc vùng miền núi, ven biển; mở rộng sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để đưa sách, báo, xe ô tô lưu động phục vụ xuống cơ sở, đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân, lan tỏa sâu sộng văn hóa đọc trong cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn bà! 

Mai Phương (thực hiện)

Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xay-dung-van-hoa-doc-trong-cong-dong/d20230414085125182.htm