Xây dựng hệ giá trị Việt Nam, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Văn hóa nằm ở đâu trong dòng chảy của phát triển? Làm sao để văn hóa phát huy được giá trị và sức mạnh, thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực và nguồn lực phát triển của đất nước? Trước thềm năm mới Quý Mão 2023, Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa xung quanh hệ giá trị Việt Nam.

Hệ giá trị Việt Nam – “Kim chỉ nam” cho cả dân tộc

Một trong những dấu ấn văn hóa năm 2022 là Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Thưa ông, trong đời sống có vô vàn giá trị, vì sao lại chọn 4 hệ giá trị đó?

– Giá trị là cái tốt đẹp, thiêng liêng, cao quý, là cơ sở, nền tảng để con người xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh. Giá trị vừa là cái ước mơ, vừa là cái định hướng và lý tưởng mà con người hướng tới và nó chỉ trở thành hiện thực khi được con người vận dụng vào cuộc sống thông qua những giá trị chuẩn mực của con người.

Không có giá trị quốc gia – dân tộc nào nằm ngoài các giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị chính trị – xã hội của quốc gia – dân tộc đó. Mặt khác, hệ giá trị quốc gia – dân tộc lại chứa đựng những giá trị tốt đẹp chung của nhân loại ở những mức độ khác nhau, với những hình thức khác nhau. Nhưng giá trị quốc gia – dân tộc sẽ là định hướng chủ đạo, điều tiết sự phát triển của các giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị chính trị – xã hội của quốc gia – dân tộc.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, do những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, các giá trị truyền thống tốt đẹp bị “đứt gãy”, những biểu hiện xuống cấp đạo đức, băng hoại lối sống, tha hóa nhân cách, tình trạng tham nhũng, tiêu cực… có chiều hướng gia tăng. Đây không chỉ là lực cản mà còn là những biểu hiện đáng lo ngại về sự đảo lộn các giá trị trong xã hội.

truong-ban-tuyen-giao-tw-5183

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Để củng cố và chấn hưng nền văn hóa cũng như những giá trị cốt lõi của dân tộc, của quốc gia cũng như mỗi gia đình, con người Việt Nam, coi đó là những chuẩn mực để soi rọi và định hướng sự phát triển cho mỗi cá nhân và cả dân tộc hơn lúc nào hết chúng ta cần phải có “kim chỉ nam” chính là các hệ giá trị. Giờ là lúc cụ thể hóa, chính thức định hình những yếu tố đó trở thành hệ giá trị Việt Nam.

Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” xác lập: Lấy chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng, hệ giá trị quốc gia – dân tộc là mục tiêu cao cả, chi phối các hệ giá trị khác.

Để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”

Thưa ông, vậy bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là gì?

– Tại Hội nghị văn hóa Toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tổ chức ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

14-7161

Đào thắm, bánh chưng xanh, hồn cốt của văn hóa Việt.

Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Có thể nói, đây là sự tổng kết, chắt lọc và khái quát hóa lý luận rất cô đọng, rõ ràng, cụ thể về các hệ giá trị con người, gia đình, văn hóa và hệ giá trị quốc gia – dân tộc đã được Đảng ta nêu ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng từ trước đến nay. Đồng thời, sự đúc kết này cũng xuất phát từ tổng kết thực tiễn tiến hành triển khai thực hiện các hệ giá trị này trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị – xã hội và của toàn dân ta trong hơn 35 năm đổi mới. Các hệ giá trị này đã đóng vai trò định hướng, thống nhất ý chí và tình cảm chung của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện khát vọng chung của dân tộc để tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Và như vậy, thưa ông, việc xây dựng hệ giá trị Việt Nam có thực sự tạo nguồn lực, giúp văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”?

– Thực tiễn các quốc gia phát triển thành công, trở thành các dân tộc tiên phong trong nền văn minh nhân loại thường có một hệ giá trị quốc gia phù hợp, chuẩn xác, giúp huy động được các nguồn lực xã hội hướng đến sự hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển.

Việc xây dựng 4 hệ giá trị này tạo ra một cơ sở rất vững chắc để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nếu chúng ta xây dựng được 4 hệ giá trị này thì văn hóa sẽ thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của đất nước trên con đường phát triển. Chính những hệ giá trị này sẽ tạo nên tầm vóc của văn hóa, để văn hóa có thể thực sự “soi đường cho quốc dân đi”.

Trân trọng cảm ơn ông!