Xâm hại trẻ em trở thành chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2020

Với 79,13% số đại biểu tán thành, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã chính thức trở thành chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2020.

Với 426 đại biểu tham gia cho ý kiến, 383 đại biểu, tương đương 79,13% đã đồng ý thực hiện giám sát Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung). Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm trong phiên thảo luận.

Sáng 3/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Hai nội dung chuyên đề giám sát được đề xuất liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung) và việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).

Theo tờ trình, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí cụ thể. Thứ nhất, là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế – xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm, gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; thứ hai, chuyên đề phải không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; thứ ba, chuyên đề phải bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực và cuối cùng phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Xâm hại trẻ em trở thành chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2020 - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về chuyên đề giám sát của quốc hội theo phương án 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, kỳ họp thứ 10 sẽ tiếp tục diễn ra các hoạt động: Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiếp tục xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án.

Quốc hội cũng xem xét tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo công tác năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Quốc hội cũng xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp; Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).