ảnh Quân thiết kế
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục khuyến cáo dành riêng Việt Nam về vấn đề dùng Amiăng, thủ phạm trực tiếp gây ra căn bệnh ung thư.
Khuyến cáo mới nhất của WHO rành riêng cho Việt Nam
Mới đây, ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam tái khẳng định Amiăng là một trong những nguyên nhân ung thư nghề nghiệp nghiêm trọng nhất, nhưng Việt Nam vẫn đang sử dụng với số lượng lớn.
Theo thống kê, Việt Nam là một trong 6 nước vẫn sử dụng lượng lớn Amiăng trong sản xuất, với hơn 50.000 tấn mỗi năm. Gần 80% amiăng nhập khẩu được sử dụng để làm tấm lợp.
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho hay Amiăng gây nguy hiểm khi ở dạng bụi. Ở dạng bụi Amiăng là những silicát dạng sợi rất mảnh, sợi này rất cứng và sắc như là thủy tinh, khi con người hít vào sẽ không thể thải được bụi này ra ngoài.
Gần 80% amiăng nhập khẩu được sử dụng để làm tấm lợp, ảnh minh hoạ.
Do bụi có những cạnh sắc cho nên khi hít vào sẽ làm tổn thương phế nang. Khi các phế nang co thắt theo từng nhịp thở các hạt Amiăng cạnh sắc sẽ càng cứa sâu và tạo thành những vết sẹo không lành. Tạo thành u, khối u này ban đầu lành tính sau đó nó có thể biến đổi thành khối ung thư ác tính.
“Bụi Amiăng gây ra ung thư theo cơ chế cơ học, chứ không phải là do hóa học hay sinh học”,PGS.TS Côn nói.
Amiăng được sử dụng khá nhiều trong công nghiệp xây dựng, tấm lợp cách nhiệt, vật liệu cách điện, vật liệu cách âm, má phanh, đóng tàu thủy…
Ngoài ra, Amiăng còn được sử dụng trong công nghệ quốc phòng, du hành vũ trụ, nhà máy điện hạt nhân.
“Amiăng gây ra nguy hiểm nhất ở khai thác, khi chế biến thành thành phẩm sử dụng nguy cơ gây bệnh sẽ giảm đi”, PGS.TS Côn cho biết.
Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường.
Bụi Amiăng được phát tán chủ yếu quy trình sản xuất (xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn…) hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ, đập vỡ các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu amiang để làm đường….
Triệu chứng mắc ung thư do hít phải Amiăng
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trước đây khoa cũng đã từng điều trị cho những bệnh nhân hít phải Amiăng mắc bệnh bụi phổi Amiăng. Tuy nhiên, thời gian gần đây số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị không có nhiều.
Nguy hiểm nhất của bệnh bụi phổi Amiăng có thể gây ra biến chứng ung thư biểu mô tế bào phổi.
“Người hít phải bụi Amiăng khi tiến triển thành ung thư triệu chứng thường rất kín đáo, mơ hồ, nghèo nàn hoặc gần như không có triệu chứng. Một số triệu chứng có thể gợi ý mắc bệnh như ho kéo dài, có đờm hoặc đờm lẫn máu đã điều trị kháng sinh nhưng không khỏi”, bác sĩ Hồng nói.
Bệnh ung thư phổi biểu mô tế bào phổi do Amiăng khi tiến triển các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn như ho nhiều, đau tức ngực, bít tắc đường hô hấp, khó nuốt hoặc nuốt đau, mệt mỏi, gầy sút cân, sốt…
Để có thể phát hiện ung thư phổi sớm khi có những triệu chứng ho nhiều, uống thuốc không hết ho cần phải đi khám để loại trừ nguy cơ mắc ung thư.
Từ năm 1973 Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại Amiăng là “thủ phạm” gây ung thư ở người.