Bước đi thứ hai có thể nghĩ đến là đưa vào trong các trao đổi với Trung Quốc lời mời mang vụ việc ra xử lý tại một toà trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982.
Cho đến ngày 25.7.2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 3 lần cung cấp thông tin chính thức về quan điểm của Việt Nam đối với vụ việc này. Trong phát biểu vào ngày 16.7.2019, Người phát ngôn khẳng định “mọi hoạt động của nước ngoài” là vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982 nếu không có sự cho phép của Việt Nam. Ngày 19.7.2019, Người phát ngôn chỉ đích danh Trung Quốc và nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 là đối tượng vi phạm được nêu trong phát biểu ba ngày trước đó. Người phát ngôn còn cung cấp thêm thông tin rằng:
“Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao đổi công hàm phản đối.”
Đến ngày 25.7, Người phát ngôn viên Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp tục khẳng định lập trường của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút ngay nhóm tàu khảo sát ra khỏi vùng EEZ của Việt Nam.
Từ các phát ngôn trên cũng như thông tin trên báo chí đại chúng có thể khẳng định hai điểm: (1) Trung Quốc đã có hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và (2) Việt Nam đã có các bước đi bài bản để xử lý vụ việc này.
Bài viết này không phân tích thêm về tính chất vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có quy định của UNCLOS, mà chỉ xem xét đến điểm thứ hai: các bước đi để xử lý vụ việc tàu Hải Dương 8 (và chỉ tập trung vào bước đi ngoại giao-pháp lý, không xem xét đến các khía cạnh khác như đấu tranh trên thực địa).
Vì sao lại nói rằng Việt Nam đang xử lý theo các bước đi bài bản vụ việc tàu Hải Dương 8? Tính chất bài bản thể hiện ở hai điểm:
Thứ nhất, Việt Nam đã tiến hành trao đổi riêng, trực tiếp với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau và có công hàm phản đối. Việt Nam rất kiên nhẫn và thiện chí khi cố gắng dành khoảng 2 tuần để trao đổi trực tiếp với Trung Quốc. Khi các trao đổi này không cho thấy hiệu quả do phía Trung Quốc thiếu thiện chí, Việt Nam đã công khai hoá vụ việc.
Thứ hai, việc công khai hoá vụ việc cũng thể hiện tính bài bản và thiện chí vì phát ngôn đầu tiên vào ngày 16.7.2019 chỉ nhắc đến “mọi hoạt động của nước ngoài” mà không chỉ đích danh bất kỳ quốc gia nào. Sau đó 3 ngày, Trung Quốc không có phản ứng tích cực, Việt Nam mới có phát ngôn thứ hai chỉ đích danh Trung Quốc và hành vi của tàu Hải Dương 8.
Như vậy, phản ứng của Việt Nam là rất bài bản, từ trao đổi trực tiếp đến công khai hoá vụ việc, từ công khai không chỉ đích danh đến công khai chỉ đích danh. Việc xử lý vụ việc và cách ứng xử của Việt Nam thể hiện rõ ràng sự thiện chí, chuẩn mực, có trách nhiệm và rất “quân tử”.
Điều này đặt Việt Nam ở vị thế chính nghĩa trên trường quốc tế về đối ngoại, và về đối nội, ngành ngoại giao Việt Nam đã một lần nữa thể hiện rõ bản lĩnh và trí tuệ của mình. Mục đích cao nhất của sự thiện chí và kim chỉ nam cho cách ứng xử trên là cố gắng bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực và quốc tế phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Cho đến hiện nay Việt Nam đã tiến hành đến bước công khai hoá và chỉ đích danh Trung Quốc.
Bên cạnh biện pháp quan trọng bậc nhất là tiếp tục, không ngắt quãng các kênh đối thoại trực tiếp với Trung Quốc, bước đi tiếp theo có thể là đưa vụ việc ra các diễn đàn quốc tế (từ kinh nghiệm sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014) và có lời gợi ý khởi động một vụ kiện trọng tài để giải quyết vụ việc này (theo kinh nghiệm của Vụ kiện Biển Đông năm 2013 của Philippines).
Trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, Việt Nam đã triển khai đấu tranh ngoại giao trên các diễn đàn đa phương quốc tế, đặc biệt là cho lưu hành tại Liên hợp quốc các công hàm cung cấp tài liệu, thông tin và quan điểm của Việt Nam cho các quốc gia là thành viên Liên hợp quốc. Điều này giúp thế giới hiểu hơn về bản chất hành vi của Trung Quốc. Ở sự kiện tàu Hải Dương 8, hành động tương tự cũng có thể được tiến hành, đồng thời với việc mang vụ việc ra diễn đàn ASEAN.
Ngay những ngày qua, Việt Nam đã mang vụ việc ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tại Thái Lan. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thành công khi Mỹ đã có tuyên bố lên án hành vi của Trung Quốc.
Bước đi thứ hai có thể nghĩ đến là đưa vào trong các trao đổi với Trung Quốc lời mời mang vụ việc ra xử lý tại một toà trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982.
Qua Vụ kiện Biển Đông, có thể thấy rõ là Trung Quốc không thích và không muốn dính dáng đến một vụ kiện nào nữa. Phản ứng của Trung Quốc, theo đó, là khó lường. Nếu Trung Quốc tiếp nhận lời mời như một lời răn đe, thì liệu lời răn đe đó có đủ sức nặng về mặt pháp lý?
Lưu ý rằng để khởi kiện một vụ việc như Vụ kiện Biển Đông, các quốc gia cần tính toán nhiều yếu tố hơn chỉ xem xét yếu tố pháp lý, ví dụ như tác động của một vụ kiện như thế đến quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Trong sự kiện tàu Hải Dương 8 này, ngoài quan hệ kinh tế, bối cảnh vụ việc còn phức tạp hơn vì năm 2020 Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Để đảm nhận thành công hai vai trò này cần rất nhiều sự phối hợp, hợp tác và ủng hộ của các quốc gia, chứ không chỉ phụ thuộc vào Việt Nam.
Trong nước, năm 2019 là năm bản lề, chuẩn bị cho nhiều sự kiện chính trị trọng đại. Do đó, bài toán khởi kiện sẽ có rất nhiều biến số, cần được xem xét cẩn trọng, với các tính toán bài bản, và phải quyết định dựa trên trí tuệ và trách nhiệm của cả tập thể. Nhận định này cũng đúng với bước đi đa phương nêu trên.
Để lời mời tham gia vụ kiện trọng tài có sức nặng, câu hỏi đặt ra hiện tại là liệu toà trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS có thẩm quyền xử lý vụ việc tàu Hải Dương 8 hay không? Câu hỏi này rất phức tạp về mặt pháp lý và cần bằng chứng đầy đủ hơn, do đó, dưới đây là các nhận định rất sơ bộ, và tính chính xác còn phụ thuộc nhiều vào các phân tích chuyên sâu với các bằng chứng đầy đủ hơn.
Để toà trọng tài có thẩm quyền, cần thoả mãn các điều kiện sau:
Sự việc tàu Hải Dương 8 có phải là một tranh chấp về giải thích và áp dụng Công ước?
Việt Nam đã thoả mãn điều kiện về trao đổi quan điểm theo Điều 283?
Liệu giữa Việt Nam và Trung Quốc có bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán, pháp lý tương tự như UNCLOS hay không?
Liệu Việt Nam và Trung Quốc có thoả thuận loại trừ biện pháp tài phán bắt buộc theo UNCLOS?
Liệu sự việc tàu Hải Dương 8 có thuộc trường hợp ngoại lệ theo Điều 297 và 298?
Hai điều kiện đầu tiên đã thoả mãn trong vụ việc này. Các phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho thấy rõ ràng sự tồn tại tranh chấp về giải thích, áp dụng Công ước, cụ thể liên quan đến quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Lưu ý rằng “tranh chấp” ở đây là tranh chấp trong từ “cơ quan giải quyết tranh chấp” theo nghĩa nếu không có tranh chấp thì tòa trọng tài với tư cách là một cơ quan giải quyết tranh chấp không có đối tượng để giải quyết (không cùng nghĩa với “chính sách của Trung Quốc biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp” trong bình luận chính trị-thời sự).
Mặc dù không nêu rõ điều khoản của Công ước, khó có thể phủ nhận rằng Việt Nam và Trung Quốc đều hiểu có tranh chấp về các điều khoản liên quan đến quy chế pháp lý của hai vùng biển này theo UNCLOS.
Điều kiện trao đổi quan điểm theo Điều 283 cũng thoả mãn vì như Việt Nam sẽ có đủ bằng chứng về việc trao đổi qua nhiều kênh khác nhau và có công hàm phản đối Trung Quốc, và Trung Quốc cũng đã có phát ngôn về vụ việc này.
Về điều kiện thứ ba, nếu theo kinh nghiệm của Vụ kiện Biển Đông, điều kiện này cũng thoả mãn. Có vẻ Việt Nam không ký thêm bất kỳ điều ước quốc tế nào với Trung Quốc mà có cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tài phán bắt buộc tương tự như UNCLOS.
Điều kiện thứ tư có vẻ cũng thoả mãn, vì theo phán quyết của Toà trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông, để có thể loại trừ biện pháp tài phán bắt buộc theo UNCLOS, các bên cần có thoả thuận ghi nhận rõ ràng việc loại trừ. Theo thông tin hiện có, không có thoả thuận như thế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bản thân cam kết kiên trì giải quyết thông qua “hiệp thương hữu nghị” trong Thoả thuận về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển năm 2011 giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa đủ để có giá trị loại trừ biện pháp tài phán bắt buộc.
Điều kiện thứ năm cần xem xét riêng ngoại lệ theo Điều 297 và Điều 298. Ngoại lệ theo Điều 297(2) cho phép quốc gia ven biển không bị buộc phải giải quyết tranh chấp về nghiên cứu khoa học biển bằng các biện pháp tài phán bắt buộc (Trung Quốc có thể nói tàu khảo sát Hải Dương 8 đang khảo sát để thăm dò dầu khí, hoặc đang khảo sát để nghiên cứu khoa học biển).
Ngoại lệ này không thể áp dụng vì Việt Nam là quốc gia ven biển duy nhất trong vụ việc này, nếu Việt Nam chấp nhận khởi kiện thì vụ việc không thể bị loại trừ. Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để cho rằng mình cũng là quốc gia ven biển vì như phán quyết Vụ kiện Biển Đông đã khẳng định vùng biển của Trung Quốc không thể dựa vào Đường chín đoạn và khu vực liên quan nằm quá xa phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc.
Về ngoại lệ ở Điều 298, ngoại lệ này cũng khó có cơ sở áp dụng nếu áp dụng tương tự phán quyết trong Vụ kiện Biển Đông.
Theo đó, vụ việc này không thể xem là tranh chấp phân định biển vì vùng biển của Trung Quốc không thể kéo dài và chồng lấn lên vùng biển của Việt Nam ở khu vực mà tàu Hải Dương 8 đang hoạt động. Trung Quốc không thể nói rằng vụ việc là tranh chấp về danh nghĩa lịch sử vì Toà trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông đã xác định Trung Quốc chưa từng có yêu sách danh nghĩa lịch sử mà chỉ yêu sách một số quyền lịch sử trên Biển Đông mà thôi.
Hơn nữa, ngày 17.7.2019, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ đơn phương tuyên bố rằng vụ việc này liên quan đến “quyền chủ quyền và quyền tài phán” của Trung Quốc, không hề nhắc đến chủ quyền lịch sử hay danh nghĩa lịch sử. Ngoài ra, Điều 298 cũng còn cho phép ngoại lệ về hoạt động quân sự. Với thông tin hiện nay, chưa có dấu hiện cho thấy hoạt động của tàu Hải Dương 8 là hoạt động quân sự, dù không thể loại trừ vụ việc bị “quân sự hoá” như một thủ thuật để viện dẫn ngoại lệ này.
Như vậy, kết luận sơ bộ có thể đưa ra là một lời mời tham gia một vụ kiện trọng tài của Việt Nam là có sức nặng pháp lý, không chỉ là “lời nói suông” mà phía Trung Quốc có thể phớt lờ.