Dù đã xảy ra gần 3 năm, thế nhưng tại hiện trường, những hình ảnh về vụ nổ kinh hoàng làm 6 người chết thương tâm vẫn còn hiện hữu đầy ám ảnh. Người dân sinh sống ở đây đang cố gắng quên đi câu chuyện khủng khiếp, để tiếp tục cuộc sống mưu sinh…
Nỗi ám ảnh về vụ nổ kinh hoàng vẫn hiện hữu sau gần 3 năm
Tìm về khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) những ngày đầu tháng 12, nơi này vẫn còn hiện hữu những hình ảnh về vụ nổ kinh hoàng gần 3 năm về trước làm 6 người tử vong.
Căn nhà số 16 khu nhà TT9 do người đàn ông quê Nam Định thuê để làm kho thu mua phế liệu, cũng chính là nơi phát ra vụ nổ giờ đây đã khóa cổng, im lìm không người ở.
Một người làm công nhân cơ khí cạnh ngôi nhà này cho biết, từ khi xảy ra vụ việc đến nay, những người trước đó thuê để ở đã đi khỏi đây, chưa một lần trở lại.
Ngôi nhà xảy ra vụ việc đã đóng kín cửa suốt hơn 2 năm qua.
Bên ngoài ngôi nhà, nơi hố sâu mà vụ nổ gây ra đã được đổ bê tông, san lấp bằng phẳng như trước kia.
Ngôi nhà này và nhiều ngôi nhà liền kề vẫn chưa được tu sửa, khiến nhiều người nhìn vào vẫn còn thấy ám ảnh. Những chiếc cửa sổ vỡ nát, các góc tường bị nứt toác, rêu bám xám xịt, u tối. Những căn nhà đối diện ngôi nhà số 16 này vẫn còn chi chít những vết đạn găm vào tường.
Hiện trường vụ nổ vẫn còn hiện hữu, ám ánh người xem.
Cạnh những ngôi nhà vừa được tu sửa, vẫn còn đó những dãy nhà hứng chịu hậu quả của vụ nổ, không có người ở, hiu quạnh.
Sống đối diện với ngôi nhà số 16, chị Phạm Thị Mừng (36 tuổi) vẫn nhớ như in giây phút xảy ra vụ việc.
Theo lời chị, vào khoảng 15h ngày 19/3/2016, cả nhà chị đang ngủ thì nghe thấy tiếng nổ rất lớn, tưởng rằng có vụ cháy nào đó, khi chạy ra thì mới phát hiện đó là vụ nổ.
Bên trong căn nhà của người đàn ông cưa bom giờ đã hoang tàn, bỏ trống.
Chạy ra hiện trường, nhìn thấy nhà cửa, cây cối tan hoang, cả nhà chị Mừng rất sợ hãi, chân tay bủn rủn.
“Lúc ấy ai cũng sợ hãi, người hàng xóm của tôi sợ quá chui xuống gầm bàn để trốn, nhưng vẫn bị kính vỡ bay trúng, nằm viện mấy ngày mới khỏi.
Tôi còn nhớ, khi vừa xảy ra vụ việc, thi thể của những nạn nhân xấu số không còn nguyên vẹn, có mấy người dân đã đi nhặt những phần rơi vãi vào trong một chiếc xô nhựa đặt cạnh nơi xảy ra vụ việc. Hôm đó, những người này nhặt được gần 5 kg”, chị Mừng nói.
Chị Mừng nhớ lại giây phút xảy ra vụ việc.
Cũng theo chị Mừng, từ đó đến nay khu vực này trở nên buồn hơn, những ngôi nhà bị hư hại vẫn chưa được sửa. May thay gần 6 tháng trước một số người về kinh doanh có làm lại một số ngôi nhà nên giờ trông đỡ hơn.
Những vết thủng do đạn rơi vào vẫn còn trên tường của nhiều ngôi nhà.
Nỗi đau người ở lại
Căn nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Lệ (SN 1994, nạn nhân của vụ nổ) ở thôn Rùa Hạ 2 (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) quạnh hiu từ khi chị mất.
Sau khi gặp nạn chị Lệ sống thực vật, được người thân đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng chị đã không qua khỏi, mất vào ngày mùng 6 Tết 2018.
Nạn nhân cuối cùng của vụ nổ sau thời gian sống thực vật cũng đã qua đời.
Ngày chị Lệ mất, hàng xóm, người dân địa phương ai nấy đều rơi nước mắt xót thương. Từng chứng kiến con gái mình gặp nạn, cơ thể đầy máu, ngất lịm trong 2 năm qua, bà Nguyễn Thị Tho (mẹ ruột chị Lệ) không thể nào đếm được bao nhiều lần bà đã phải rơi nước mắt vì thương con.
Hiện tại, hai con của chị Lệ vẫn chưa biết được rằng chúng đã xa mẹ mãi mãi, hai đứa trẻ ngây thơ chỉ biết rằng mẹ đã bay lên thiên đường.
Giờ đây, trách nhiệm lại đè nặng lên đôi vai của anh Âu, anh phải thay vợ chăm sóc hai người con nhỏ, bươn chải kiếm tiền lo sinh hoạt và học tập cho hai con.
“Hai năm vợ tôi gặp nạn, hai đứa con xa mẹ quá lâu và lúc đó cả hai còn quá nhỏ nên không thể biết được chuyện gì. Giờ chúng vẫn không thể biết mẹ đã mất, chắc sau này lớn lên khi nhận thức được, hai con tôi sẽ đau khổ lắm”.
Giây phút nghe tin vợ gặp nạn, anh chạy vào viện thì nhìn thấy người vợ đầy máu, bất tỉnh, hình ảnh ấy hẳn vẫn sẽ ám ảnh anh đến suốt cuộc đời.
Khoảng 15h ngày 19/3/2016, trên đường Lê Trọng Tấn (KĐT Văn Phú, Hà Đông) xảy ra vụ nổ rất nghiêm trọng làm 5 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương, khoảng 248 căn hộ xung quanh bị hư hỏng.
Nguyên nhân được xác định là do là anh Phạm Văn Cường (chủ thu mua phế liệu, 41 tuổi, ở Nam Định và cũng là một trong số nạn nhân tử vong) do chủ quan nên đã dùng đèn khò để cưa một khối kim loại hình trụ bằng sắt, khối lượng khoảng 100 kg, nhiệt lượng nóng của chiếc đèn khò đã kích nổ gây nên vụ nổ nghiêm trọng.
Theo kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật hình sự Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ cũng là loại thường sử dụng để chế tạo bom, mìn.