Vụ hạ sát tướng Soleimani chẳng ảnh hưởng gì đến “tiền đồ” của ông Trump, nhưng sẽ biến Trung Đông thành mớ “bòng bong”

Đám tang Tướng Soleimani. Ảnh: Quartz.

Vụ sát hại Soleimani sẽ có ít tác động tới tình hình chính trị hiện tại ở Mỹ bởi nước Mỹ vẫn luôn trong tình trạng chia rẽ kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đã thông qua kế hoạch ám sát thiếu tướng Qasem Soleimani, chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng hồi giáo Iran, người được cho đã đứng đằng sau các hoạt động khủng bố ở khu vực Trung Đông.

Những hoạt động khủng bố tướng Soleimani thực hiện đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, đó không chỉ là binh sĩ Mỹ mà còn ở các quốc gia khác, cũng như những người dân thường vô tội bị kẹt giữa 2 làn đạn. Tướng Soleimani đã hỗ trợ, thậm chí tài trợ và chỉ huy lực lượng vũ trang Iran tại Iraq, Hezbollah tại Lebanon, Hamas tại Palestin và Houthi tại Yemen. Mục tiêu của Soleimani là tạo ra sự hỗn loạn bên ngoài Iran và khiến nước này trở thành một thế lực lớn tại Trung Đông, vượt qua Ả rập Saudi và Ai Cập.

Trong khi nhiều nước coi Soleimani như một “kẻ xấu”, một bộ phận không nhỏ vẫn nhận định vụ ám sát vị tướng này là không hợp lý, và có thể là trái pháp luật. Phe phản đối với quyết định của ông Trump trong đảng Dân chủ, thành phần cấp tiến… đều cho rằng đây là một quyết định sai lầm.

Hiện Tổng thống Trump đang chạy đua cho nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11. Tuy nhiên cùng với đó, ông Trump cũng phải đối mặt với những cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ từ đảng Dân chủ, những lực lượng đối lập, và cả truyền thông muốn ông rời bỏ Nhà Trắng, mà cụ thể là tiến trình luận tội ông hiện đang diễn ra tại Quốc hội.

Chưa dừng lại, ông Trump cũng tiếp tục phải đối mặt với sức ép từ cả những đồng minh và kẻ thù sau một loạt các quyết sách gây tranh cãi: từ việc rút lui khỏi thoả thuận biến đổi khí hậu Paris; yêu cầu các thành viên NATO phải tăng nghĩa vụ đóng góp cho hoạt động bảo vệ châu Âu; cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và EU, rút lui khỏi Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP); trừng phạt Venezuela; ngăn người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ…

Dưới thời của ông Trump, Mỹ đã rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran khi gọi đây là thoả thuận tồi tệ nhất trong lịch sử. Ông Trump tin rằng thoả thuận này sẽ không thể ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời đáng lý thoả thuận này, cùng với một loạt các sức ép khác phải buộc Iran dừng các hoạt động khủng bố trên toàn cầu.

Người đứng đầu Nhà Trắng đã tiếp tục gia tăng sức ép từ những lệnh trừng phạt lên Iran và các lãnh đạo nước này, cũng như gây áp lực yêu cầu các nước phương Tây phải từ bỏ thoả thuận thương mại với các công ty Iran, điều mà ông Trump gọi là “sức ép tối đa”.

Từ đây, hai câu hỏi được đặt ra. Đó là hành động của ông Trump sẽ tác động thế nào tới triển vọng chính trị của ông tại Mỹ sau 2020? Và, liệu tác động của vụ ám sát đối với khu vực Trung Đông sẽ như thế nào?

Đảng Dân chủ chỉ có “đòn gió”

Tôi dự báo vụ hạ sát Soleimani sẽ có ít tác động tới tình hình chính trị hiện tại ở Mỹ. Nước Mỹ và giới lãnh đạo vẫn luôn trong tình trạng chia rẽ kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống.

Các lãnh đạo đảng Cộng hoà vẫn luôn ủng hộ mọi chính sách của ông Trump ở mức 85 – 90%. Có thể họ không đồng tình với tính cách của ông Trump, nhưng với các chính sách chính trị, đó lại là câu chuyện khác. Ông Trump thường vướng vào các rắc rối bởi những dòng tweet không theo khuôn mẫu, nhưng những người ủng hộ tin rằng chính điều đó đã tạo nên sức mạnh cho người đứng đầu Nhà Trắng.

Trong khi đó, những người phản đối ông Trump luôn cảm thấy sự lo sợ cao độ mỗi khi trở thành đối tượng trong các dòng tweet của ông. Ví như trong vụ sát hại Soleimani, ông Trump tuyên bố sẽ phá huỷ các di tích văn hoá và lịch sử của Iran, nếu quốc gia này tiến hành trả đũa Mỹ. Trong trường hợp này, người ủng hộ ông Trump mặc dù không mấy hài lòng nhưng vẫn hoàn toàn ủng hộ các động thái của ông.

Vụ hạ sát tướng Soleimani chẳng ảnh hưởng gì đến tiền đồ của ông Trump, nhưng sẽ biến Trung Đông thành mớ bòng bong - Ảnh 2.

Về phía ngược lại, các lãnh đạo đảng Dân chủ bác bỏ mọi quyết sách và hành động của ông Trump với tỉ lệ 85 – 90%, bất kể đó là điều tốt hay xấu. Nếu ông Trump ủng hộ một quyết định, đảng Dân chủ sẽ bác bỏ nó.

Vấn đề nhập cư bất hợp pháp là một ví dụ. Ở thời điểm trước khi ông Trump đắc cử, đảng Dân chủ có xu hướng ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ biên giới, các quy định thắt chặt về việc cấp quyền công dân, cũng như số lượng người nhập cư. Nhưng ở thời điểm này, họ lại ủng hộ chính sách “một biên giới mở”, trong đó bất cứ ai muốn cấp quyền công dân Mỹ hoặc tham gia vào chương trình phúc lợi xã hội đều được chào đón.

Những lý do chính cho thái độ không hài lòng với ông Trump đều có hai mặt. Khi ông Barack Obama còn là tổng thống, đảng Cộng hoà cũng có động thái tương tự khi ngăn mọi đạo luật hoặc chính sách bất cứ khi nào họ có thể. Điều đó dẫn đến chỉ số ít các chính sách lớn được thông qua tại Quốc hội. Ông Obama đã phải lựa chọn phương án chưa từng có trong lịch sử, đó là qua mặt Quốc hội vốn bị kiểm soát bởi đảng Cộng hoà và thúc đẩy các chính sách mà không cần sự ủng hộ cần thiết. Thỏa thuận hạt nhân với Iran là một ví dụ điển hình, khi nó không được Quốc hội ủng hộ, nhưng ông Obama vẫn quyết định kí, hành động có thể là trái pháp luật.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump dựa trên cơ sở đối lập với hầu hết những gì ông Obama đã thực hiện, bao gồm việc rút lui khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran, đồng thời tìm cách đối phó các hoạt động khủng bố của Iran mà chính quyền ông Obama nhiều lúc đã phớt lờ. Ông Obama muốn Iran trở thành một thế lực đối trọng với Ả rập Saudi và các đồng minh của nước này, trong khi ông Trump lại thể hiện rõ sự ủng hộ với Ả rập Saudi.

Sẽ không có sự thay đổi lớn nào trong bối cảnh chính trị tại Mỹ sau cái chết của Soleimani. Tuy nhiên, sẽ có nhiều hành động mang tính biểu tượng, mà đặc biệt là từ phía Quốc hội dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ.

Gần đây nhất là việc viện dẫn đạo luật Quyền hạn chiến tranh, trong đó yêu cầu Tổng thống phải thông báo và xin Quốc hội phê chuẩn việc tuyên bố chiến tranh, hoặc bất cứ hành động mang tính thúc đẩy một cuộc chiến. Rõ ràng đảng Dân chủ muốn ngăn ông Trump đưa nước Mỹ vào cuộc chiến với Iran.

Tuy nhiên, đây chỉ được coi như một “đòn gió” của đảng Dân chủ. Kể từ khi đạo luật này chính thức có hiệu lực, các đời tổng thống đã vi phạm ít nhất 18 lần, và Quốc hội thì hầu như không có phản ứng nào.

Tổng thống Bill Clinton đã ra lệnh thả bom xuống Kosovo và Bosnia mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội, hoặc bắn tên lửa vào dinh thự của Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Ông Obama thì thả bom xuống Libya và bắt đầu một cuộc chiến kéo dài cho tới thời điểm hiện tại, cũng như bắn gần 3.000 tên lửa vào Iraq, Afghanistan và Pakistan. Sự kiện đáng chú ý nhất là việc ông Obama đã uỷ quyền việc tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Những ví dụ này cho thấy đảng Dân chủ sẵn sàng trói tay ông Trump trong vấn đề về Soleimani và Iran, nhưng lại phớt lờ những gì đã xảy ra với Clinton và Obama với những hành động tương tự. Điều quan trọng là tính ràng buộc về hiến pháp của đạo luật chưa bao giờ được kiểm chứng tại toà. Nhiều người tin rằng đạo luật sẽ cướp đi quyền lực của tổng thống được Hiến pháp bảo vệ. Do đó, nếu phải ra toà, nhiều khả năng ông Trump sẽ chiến thắng, hoặc đơn giản hơn, ông chỉ cần phớt lờ những tuyên bố của đảng Dân chủ.

Lẽ tất nhiên đảng Dân chủ sẽ tiến hành các phiên điều trần và điều tra về hành vi của ông Trump. Đây không phải là lần đầu họ làm điều đó sau vụ việc tại Ukraina, cho dù sẽ không có cơ hội nào những phiên điều trần này sẽ thành công trong việc lật đổ ông Trump. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội tốt cho đảng Dân chủ lôi kéo truyền thông chống lại Tổng thống.

Chốt lại, trong chính trường Mỹ hiện nay, vụ sát hại tướng Soleimani chỉ là một trong nhiều mũi dùi được đảng Dân chủ chĩa vào ông Trump. Và nó không tạo ra bất cứ sự khác biệt nào.

Tác động toàn cầu ở mức tối thiểu

Tác động toàn cầu đối với ông Trump hầu hết là tiêu cực. Nhưng ông Trump hiếm khi nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh, trong khi sự phản đối lại không nhỏ. Khảo sát Gallup tại hơn 130 quốc gia, ông Trump chỉ đạt được mức ủng hộ 30% về khả năng lãnh đạo thế giới.

Vụ hạ sát tướng Soleimani chẳng ảnh hưởng gì đến tiền đồ của ông Trump, nhưng sẽ biến Trung Đông thành mớ bòng bong - Ảnh 4.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh giá ở mức cao hơn và Tổng thống Vladimir Putin được đánh giá ngang với ông Trump. Một khảo sát khác từ một chương trình tại Đức cho thấy 85% người tin rằng mối quan hệ Đức – Mỹ hiện đang xấu, hoặc rất xấu.

Sự thiếu tôn trọng đối với ông Trump phần lớn là do bản thân ông. Khi đắc cử tổng thống, ông Trump hứa hẹn sẽ từ bỏ vai trò dẫn dắt toàn cầu của Mỹ, đồng thời thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trước hết”. Ngoài ra ông còn chỉ trích Liên Hiệp Quốc, NATO, EU, kêu gọi giải thể Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, và nhiều việc khác. Hầu hết các tổ chức quốc tế này đều có sự quan hệ mật thiết với các nhà lãnh đạo toàn cầu.

Điều này khiến hầu hết các đồng minh đều tỏ vẻ lạnh nhạt trong việc bảo vệ ông Trump trong vụ Soleimani. Như thường lệ, họ tỏ thái độ không hài lòng khi không được tham vấn trước khi tiến hành tấn công, họ lo ngại lại bị kéo vào một cuộc chiến tranh không cần thiết, cũng như các hành động khủng bố trả đũa.

Các đồng minh này, do đó cũng thực hiện các hành động mang tính biểu tượng. Một quan chức đại diện Bộ Quốc phòng Đức trên kênh Deutsche Welle nhận định Soleimani là một “kẻ xấu”, nhưng vẫn sẽ rút quân khỏi Iraq do lo ngại tình trạng khủng bố. Vấn đề là, Đức chỉ có 140 quân tại Iraq.

Những sự phản kháng ông Trump đã diễn ra theo đúng dự đoán. Ví dụ như việc Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án các phiến quân Iraq tấn công vào sứ quán Mỹ tại Baghdad, trong khi đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với Mỹ. Quay trở lại vào năm 1980, những người biểu tình Iran đã bắt 52 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin trong vòng 444 ngày tại sứ quán của nước này ở Tehran. Vào năm 1998, al-Qaeda đã giết 200 người tại các sứ quán Mỹ ở Tanzania và Kenya. Và lần gần đây nhất vào năm 2012, những kẻ biểu tình dưới hậu thuẫn của al-Qaeda đã tấn công lãnh sự Mỹ tại Benghazi, Libya, khiến Đại sứ Mỹ và một số nhân viên an ninh thiệt mạng.

Tương lai ở Trung Đông: Một mớ hỗn độn

Cả ông Trump và các nhà lãnh đạo Iran đang tạo ra cảm giác cho thấy một cuộc chiến mới tại Trung Đông đang sắp sửa diễn ra.

Sự lo sợ này có vẻ đã bị thổi phồng. Ngay sau khi vụ sát hại tướng Soleimani, cựu Phó Tổng thống Iraq phát biểu trên một chương trình truyền hình ở đài BBC rằng mọi người cần hiểu Iraq vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. IS vẫn hiện diện tại đây trong khi Iran thì trong suốt nhiều năm qua là nguồn cơn của sự hỗn loạn tại quốc gia này. Điều này lý giải việc tướng Soleimani đã luôn ở trung tâm của mọi sự hỗn loạn trong nhiều năm. Việc vị tướng này xuất hiện tại sân bay Baghdad có thể dẫn đến nhiều vụ tấn công khác sau đó, điều này dẫn đến việc Mỹ quyết định ra tay.

Quan trọng hơn, có vẻ như cả ông Trump và Iran đã có bước đi giảm nhiệt ngay sau khi sự việc xảy ra. Iran đã trả đũa vụ việc với các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ ở Iraq có quân Mỹ đồn trú. Nhưng rõ ràng là không có thiệt hại về người. Trong khi những thông điệp được đưa ra là khá mù mờ, có vẻ như cả 2 bên không muốn đẩy mọi việc đi quá giới hạn. Một số nói rằng Iran có chủ ý không muốn gây ra thương vong, cũng như đã khuyến cáo Mỹ trước về vụ tấn công. Đây rõ ràng là một tin tốt lành.

Vụ hạ sát tướng Soleimani chẳng ảnh hưởng gì đến tiền đồ của ông Trump, nhưng sẽ biến Trung Đông thành mớ bòng bong - Ảnh 6.

Tuy nhiên, tôi tin rằng Iran sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm trở thành một thế lực ở Trung Đông. Nước này sẽ tiếp tục hiện thực hoá tham vọng này bằng bạo lực và những hành vi hiếu chiến, điều họ vẫn luôn làm trong quá khứ.

Hãy nhớ rằng ông Trump đã có sự nhẫn nhịn nhất định đối với những hành vi khiêu khích của Iran trong quá khứ. Iran phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công vào những tàu chở dầu trên vịnh Hormus, hay như việc bắn hạ máy bay do thám không người lái trị giá tới 180 triệu đô la của Mỹ trên vùng biển quốc tế. Iran có thể sẽ không bị phản ứng với những hành vi tương tự trong tương lai. Hãy nhớ rằng nhiều quốc gia khi có tàu chở dầu bị tấn công vẫn không muốn tham gia vào các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn ngừa Iran gây khó dễ cho hoạt động vận chuyển dầu.

Ngoài ra, phiến quân Houthi đã thực hiện vụ tấn công và các khu vực giếng dầu của Ả rập Xê út vào năm 2019. Các bằng chứng cho thấy các tên lửa được Iran sản xuất, trong khi Iran đổ lỗi cho phiến quân, Ả rập Saudi đã không có hành động đáp trả.

Và Iran, sau việc quốc hội Iraq bỏ phiếu yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi nước này, đã có sự ảnh hưởng nhất định đối với các chính phủ ở Iraq, Lebanon và Gaza. Họ có thể thực hiện các ý đồ của Iran mà không cần Tehran trực tiếp ra mặt.

Nhân sự thay thế tướng Soleimani trong lực lượng Quds là một nhân vật có sự tương đồng với vị tướng này. Việc hạ sát ông này nhiều khả năng sẽ không có tác động lớn tới các hoạt động của Iran ở khu vực, trong khi với Mỹ, điều này nếu xảy ra sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Hiện sự lo ngại không nằm ở việc Mỹ và Iran sẽ trực tiếp bước vào một cuộc chiến, mà thay vào đó, liệu những tác nhân từ Iran ở Syria, Lebanon và Iraq sẽ làm điều gì đó đẩy hai nước vào một cuộc chiến. Khu vực Trung Đông đã luôn bất ổn và điều này thì luôn là khả năng có thể xảy ra.

Các vụ tấn công mạng đối với Mỹ cũng là một sự lo ngại. Hiện rất khó để có thể xác định cụ thể ai đứng sau những vụ tấn công này: đó là chính phủ, các tổ chức hay dân thường. Iran hoàn toàn có khả năng gây ra những bất ổn lớn. Nhưng, hãy nhớ rằng ông Obama đã triển khai cuộc tấn công mạng mang tên Stuxnet để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran vào năm 2012. Tương lai có thể sẽ có một cuộc chiến trên môi trường mạng.

Nhưng lực lượng Hezbollah ở Lebanon mới là mối nguy lớn nhất. Hiện lực lượng Quds đang kiểm soát Hezbollah, một tổ chức với 15.000 tay súng. Họ là một trong những lý do tại sao chính quyền tổng thống Syria Basher Al-Assad có thể đánh bại IS và các lực lượng nổi dậy tại Syria được Mỹ hậu thuẫn. Ngoài ra, họ cũng đứng đằng sau vụ sát hại thủ tướng Lebanon. Tổ chức này được hỗ trợ tài chính thông qua một mạng lưới buôn bán thuốc phiện quy mô toàn cầu. Nếu Hezbollah muốn châm ngòi cho một cuộc chiến, họ hoàn toàn có thể làm điều này.

Về tương lai lâu dài, nếu Iran có thể đạt được năng lực hạt nhân thì tình thế sẽ có sự thay đổi lớn. Iran khi đó có thể gây áp lực lên đối thủ phải thoả hiệp dưới sức ép về một cuộc chiến hạt nhân. Tất nhiên, mối đe doạ này sẽ thúc đẩy Ả rập Saudi phải tự trang bị năng lực hạt nhân để phòng bị. Điều này cũng có thể sẽ buộc Israel phải tấn công các nhà máy sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran, điều Tel-Aviv đã từng thành công khi phá huỷ nhà máy hạt nhân của Syria vào năm 2007.

Thật là một mớ hỗn độn.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt.

TS Terry F. Buss – Đồ họa: Đỗ Linh , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/vu-ha-sat-tuong-soleimani-chang-anh-huong-gi-den-tien-do-cua-ong-trump-nhung-se-bien-trung-dong-thanh-mo-bong-bong-82020101213046300.htm