Theo Phan Sào Nam, với số tiền 3,5 triệu USD đang gửi tại Singapore, bị cáo đã tự nguyện, chủ động khai báo trong quá trình điều tra và đề xuất không coi khoản này là tội rửa tiền.
“Cú sốc” khi biết bị điều tra
Chiều 17/11, TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành xét hỏi đổi với Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC Online), một trong hai “ông trùm tham gia điều hành đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng liên quan cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương sau khi bị cách ly đã được trở lại chỗ ngồi để nghe Nam trả lời HĐXX.
Tại phần xét hỏi, chủ toạ Nguyễn Thị Thùy Hương đã đặt câu hỏi về việc căn cứ vào hồ sơ cho thấy có một thời gian Phan Sào Nam trốn truy nã ở nước ngoài.
“Vì sao bị cáo biết để trốn như thế?”, chủ tọa hỏi. Nam khai đi ra nước ngoài công tác từ 2/9/2017 và lúc đi chưa có việc bị khởi tố và suốt thời gian đi không được nhận thông tin chính thức nào có lệnh truy nã hay khởi tố cho đến khi quay lại.
“Trong khi đi ra nước ngoài, bị cáo có nghe diễn biến về sự việc ở Việt Nam và đây là một cú sốc với bản thân. Chính vì thế, bị cáo muốn có thời gian để suy nghĩ, rà soát về những sự việc trong quá khứ như thế nào”, Nam khai.
Nam khai thêm, khi về đến cơ quan điều tra, mới được xem tận mắt về lệnh khởi tố, truy nã và lệnh này ký từ ngày 12/9, tức là sau 10 ngày Nam ra khỏi Việt Nam.
Trước câu hỏi, có ai thông tin cụ thể cho bị cáo trong lúc ở nước ngoài về việc bị Công an Phú Thọ điều tra không? Nam trả lời, gia đình có thông tin về việc cơ quan điều tra muốn làm việc.
Trả lời câu hỏi của luật sư Đỗ Ngọc Quang (bào chữa cho cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa) về 2 chức năng là kinh tế nghiệp vụ và trinh sát ngoại tuyến của công ty CNC, bị cáo Phan Sào Nam cho rằng, theo sự hiểu biết, CNC có quyền làm kinh tế và khi tạo ra lợi nhuận bằng cách nào đó có thể hỗ trợ ngược lại cho hoạt động nghiệp vụ của Bộ Công an.
Bị cáo Nam xin nhắc lại từ “bình phong” và “trinh sát” với người ngoài ngành công an hiểu, CNC, có thể làm một số hoạt động mang tính chất bí mật, phục vụ cho công tác của ngành.
Phan Sào Nam tại phiên tòa. Ảnh: Hoàng Xuân.
Bị cáo khẳng định, bản thân rất muốn xem văn bản chứng minh CNC là công ty bình phong nhưng “bản thân chữ bình phong đã nói lên tất cả nên bị cáo xem đó là điều bình thường”.
Bị cáo Nam xác nhận, không lần nào được Dương giới thiệu với lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát.
Tòa hỏi có lần nào đặt nghi vấn với bị cáo Dương sao lâu không xin được giấy phép game không? Nam khai, đã nói chuyện với bị cáo Dương nhiều lần và lần nào Dương cũng luôn động viên và nói mọi việc đều ổn.
Bị cáo nói rằng, kể cả khi PC50… làm việc, bị cáo vẫn tin Nguyễn Văn Dương lo được việc xin giấy phép cho game bài.
Trả lời thêm câu hỏi của HĐXX về việc không được xem quyết định cụ thể liên quan đến CNC là công ty bình phong của công an thì lấy niềm tin ở đâu với lời của bị cáo Dương, bị cáo Nam cho rằng, niềm tin đã được củng cố theo thời gian, qua nhiều sự vụ khác nhau.
“Trước khi ký hợp đồng, Dương nói và bị cáo biết, văn phòng ở số 10 Hồ Giám là tòa nhà của Tổng Cục Cảnh sát. Còn sau khi ký hợp đồng, triển khai công việc với việc giải quyết , không bị xử lý với các cơ quan Nhà nước, phối hợp với cơ quan điều tra càng củng cố niềm tin đó hơn”, bị cáo Nam khai.
Trong phần xét hỏi, đại diện VKS nêu, trong phiên tòa, bị cáo Nam nói, chưa được Dương cho xem nội dung văn bản liên quan đến công ty CNC là “bình phong”.
Tuy nhiên, trong bản báo cáo mang tính tâm thư sau khi có kết luận điều tra, Nam lại cho biết, trong một số lần gặp, Dương có trao đổi, cho xem một số văn bản, bản thảo thể hiện rằng, hoạt động của dịch vụ được sự ủng hộ của công an, một số lãnh đạo trong việc xin giấy phép chính thức và mọi việc đang thuận lợi.
Bị cáo Nam giải thích, lúc bị cáo Dương cho xem văn bản đó rất lướt và không đọc cụ thể nhưng Dương có nói, mọi việc đang diễn tiến, có sự ủng hộ của các cấp nên tin tưởng.
Hội đồng xét xử phiên tòa. Ảnh: Tiến Tuấn.
Chủ động báo cáo về khoản tiền 3,5 triệu USD gửi tại Singapore
Đại diện VKS sau đó đã hỏi bị cáo Nam về khoản tiền 3,5 triệu USD gửi tại Singapore có phải là việc chuyển tiền ra nước ngoài để che giấu nguồn gốc không?
Bị cáo Nam cho biết các chi tiết, liên quan đến khoản tiền đã báo cáo rõ trong quá trình điều tra.
“Đây không mang tính chất che giấu và bản thân bị cáo đã tự nguyện, chủ động báo cáo với cơ quan điều tra. Bị cáo cũng đề xuất không coi khoản này là tội rửa tiền”, Nam khai. Đại diện VKS xác nhận bị cáo tự thú về khoản tiền này.
Trả lời thêm câu hỏi của luật sư về khoản tiền 3,5 triệu USD, bị cáo Nam tiếp tục giải thích, đây là khoản tiền cho một người bạn vay ở Việt Nam bằng tiền VNĐ và sau một thời gian, người bạn này có đề nghị trả lại.
Tuy nhiên, để thuận tiện cho họ thì sẽ trả lại ở Singapore vào tài khoản ngân hàng ở nước này. “Ở đây, không hề có sự chuyển tiền từ Việt Nam đi sang Singapore”, Nam nói.
Bán 3 căn nhà để khắc phục hậu quả
Tại phiên tòa, luật sư Giang Hồng Thanh, bào chữa cho bị cáo Phan Sào Nam cho hay, tổng số tiền mặt và giá trị tài sản Nam giao nộp cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ để khắc phục hậu quả đến thời điểm này là hơn 1.300 tỷ đồng.
Luật sư Giang Hồng Thanh trao đổi với Phan Sào Nam. Ảnh: Tiến Tuấn.
Trong đó, trước khi phiên tòa diễn ra vài ngày, Phan Sào Nam phối hợp với gia đình bán 3 căn nhà được thêm 240 tỷ đồng và đã nộp toàn bộ số tiền này với Cục thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ để khắc phục hậu quả.
Trong só 3 căn nhà này, có 2 căn nhà là nơi ở của bị cáo cùng gia đình từ năm 2014 đến nay.
“Với phần còn lại, bị cáo sẽ động viên gia đình, liên lạc với người thân, bạn bè xem có thể vay mượn, góp phần khắc phục thêm.
Bị cáo cũng hy vọng, trong thời gian chấp hành án hoặc sau đó, có điều kiện làm việc để mà đóng góp cho xã hội và tăng phần khắc phục hậu quả”, bị cáo Nam nói.
Bị cáo Nam khai, ngày 8/11/2017, có viết đơn xin lập công chuộc tội bằng cách liên lạc với người bạn như Hoàng Thành Trung sớm ra đầu thú.
“Bị cáo đã nhận thức ra việc làm sai nên những người bạn rất thân của bị cáo cũng nên nhận thức và trở về giải quyết, khắc phục hậu quả vụ việc”, bị cáo Nam nêu lý do làm đơn.