Vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường, nhưng sự cố này được đẩy lên cao trào mà không có sự hiểu biết về chuyên môn để giải thích rõ ràng cho người dân.
Sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông rất nhiều người dân sống ở quanh khu vực gần đó rất lo sợ, nhiều gia đình phải đóng cửa về quê hoặc gửi con về quê học do lo ngại ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí có gia đình tính tới việc bán nhà chuyển đi.
Do thiếu thông tin khoa học nên người dân đang bị những con số về nồng độ thủy ngân mới được công bố gần đây hù doạ.
Để giúp độc giả có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề thủy ngân trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông báo Trí thức trẻ đã có cuộc trao đổi chuyên môn với TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
PV: Thưa PGS Nguyễn Huy Nga, mới đây PGS có chia sẻ quan điểm cá nhân cho rằng sau vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông sự thiếu hiểu biết chuyên môn, truyền thông “khủng hoảng” khiến cho người dân hoảng loạn, lo sợ. Xin PGS có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Với tư cách là một nhà khoa học tôi khẳng định thủy ngân là một chất độc. Nó tồn tại rất bền vững gần như không phân huỷ. Việt Nam đã tham gia ký Công ước Minamata về thủy ngân, để loại bỏ dần chất độc này trong đời sống, sinh hoạt của con người.
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông, là một sự cố môi trường không ai có thể lường trước được, chất độc thủy ngân bốc hơi lên sẽ ảnh xấu đến môi trường và sức khỏe con người.
Thực ra câu chuyện có thể đi theo một chiều hướng tích cực hơn nếu cộng đồng có được thông tin chính xác, minh bạch và khoa học về ảnh hưởng của sự cố cháy nhà máy lên sức khỏe con người sống ở gần đó.
Cháy nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường không ai có thể lường trước được.
Từ trước đến nay, người dân sống quanh khu vực nhà máy không ai biết đến thủy ngân vì không có công bố hay sự minh bạch thông tin. Cơ quan môi trường cũng không khuyến cáo cho người dân có thủy ngân ở trong nhà máy.
Khi xảy ra sự cố truyền thông khi đưa tin về tiêu chuẩn thủy ngân trong không khí, nước thải, trầm tích … thiếu sự giải thích khoa học, rõ ràng khiến người dân lại càng thêm bất an.
Tôi có cảm nhận là một số người đã hiểu sai về bản chất của vấn đề, một số người thì lại đưa tin theo kiểu đe dọa người dân khi nhấn mạnh hàm lượng thủy ngân đo được trong không khí tại khu dân cư sống gần nhà máy gấp 1,6 lần (TCVN), trong nước sông gần khu vực thải ra gấp 6 lần tiêu chuẩn WHO.
Tôi thông cảm với các nhà báo vì họ không có chuyên môn nên khi nghe nồng độ thủy ngân trong không khí khu dân cư gần nhà máy cao gấp 1,6 lần đã thấy kinh sợ.
PV: PGS có thể nói rõ hơn về tiêu chuẩn an toàn của WHO quy định đối chiếu với nồng độ thủy ngân trong không khí tại khu dân cư sống gần nhà máy có an toàn hay không?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Theo khuyến cáo của WHO tiêu chuẩn của thủy ngân trong không khí trung bình 1 microgram thủy ngân trong 1 mét khối không khí, là số trung bình mà WHO đưa ra trong cả một năm.
Con số này có thể dao động tùy theo từng ngày, có ngày cao hơn, có ngày thấp hơn, có khi cao gấp 5 đến 10 lần.
Tiêu chuẩn của Việt Nam mà Bộ Tài Nguyên Môi trường ban hành đối với không khí xung quanh là 0,3 microgram trên 1 mét khối không khí. Vì vậy nếu đo nồng độ thủy ngân trong không khí cao gấp 1,6 lần tiêu chuẩn thì mới gần bằng tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Tiêu chuẩn vệ sinh lao động của Việt Nam đối với người làm việc trong môi trường có thủy ngân là 30 microgram trên 1 mét khối cho 8 giờ làm việc hàng ngày. Tức là cao gấp 30 lần số với con số đo được sau vụ cháy ở khu dân cư.
Còn tiêu chuẩn vệ sinh lao động của Hoa Kỳ là 50-100 microgram thủy ngân trong một mét khối không khí cho ca làm việc hàng ngày 10 giờ của công nhân. Tức là gấp 300 lần tiêu chuẩn không khí của Việt Nam.
Khi xây dựng một tiêu chuẩn an toàn cho một hóa chất trong cộng đồng thì thông thường nồng độ hóa chất đó được người ta tính toán phải cao gấp 100 lần mới gây ngộ độc cấp, không phải khi vượt qua ngưỡng tiêu chuẩn khuyến cáo thì sẽ nguy hiểm ngay. Tiêu chuẩn được xây dựng là tiêu chuẩn trong trường hợp người ta tiếp xúc liên tục suốt cuộc đời.
Vấn đề về nước thải và trầm tích thủy ngân gấp 6 lần theo quy định của tổ chức Y tế thế giới, tôi khẳng định WHO không có tiêu chuẩn thủy ngân cho chất thải và trầm tích. Tổ chức Y tế thế giới chỉ có tiêu chuẩn về nước uống và khí thải (môi trường xung quanh chứ không phải nhà máy).
WHO khuyến cáo về tiêu chuẩn thủy ngân trong nước uống từ vòi là 1 microgram trong 1 lít nước và cho không khí xung quanh là 1 microgram thủy ngân trong một mét khối không khí. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam giới hạn trong nước uống từ vòi cũng như của WHO là 1 microgram trong 1 lít nước.
Còn đối với nước đóng chai thì quy chuẩn quốc gia cho phép tới 6 microgram trong 1 lít tức là gấp 6 lần và đúng bằng kết quả được công bố về xét nghiệm nước thải ra sông cách nhà máy 500 mét.
Khi lấy tiêu chuẩn ra để so sánh như trên là không hiểu bản chất khoa học của vấn đề. Vì đối với một nhà máy thì tổng lượng hóa chất thải ra môi trường mới là quan trọng còn nồng độ hóa chất trong nước thải và khí thải chưa phản ảnh hết nguy cơ. Trầm tích ở sông có thể đã tích tụ rất nhiều năm chứ không phải vụ cháy mới đây cho nên phải có mẫu so sánh lấy từ khu vực khác mới khách quan vì ở thành phố còn có rất nhiều nguồn phát sinh ra thủy ngân như amalgam để hàn răng, nhiệt kế, huyết áp kế thủy ngân bị vỡ, lò đốt rác …
Sự thiếu phương pháp luận khoa học trong phân tích các số liệu quan sát được khiến cho những con số trên bỗng trở thành “ngáo ộp” khiến người dân sống trong lo lắng.
Các bằng chứng thực tế cho thấy để có thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cấp trên người bình thường thì nồng độ thủy ngân trong không khí phải gấp 1000 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, tương đương với 1 miligram/mét khối. Việc đưa ra những thông tin chung chung mang tính chất hù dọa là không nên và có thể gây hỗn loạn cho xã hội.
PV: Thưa PGS, nồng độ thủy ngân trong không khí hiện tại quanh khu vực xảy ra vụ cháy là an toàn. Vậy trường hợp khi thủy ngân rơi xuống đất, nước thì có nguy hại gì không?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Khi xảy ra cháy, lửa bùng lên thủy ngân có thể bốc lên cao, gió đưa thủy ngân đi tới đâu thì không ai biết. Hơi thủy ngân rất độc nhưng phải với nồng độ nhất định khi hít thở.
Hơi thủy ngân rất độc nhưng phải với nồng độ nhất định khi hít thở.
Triệu chứng ngộ độc cấp sẽ xảy ra ngay hoặc sau đó 1-2 ngày. Ngộ độc mạn tính chỉ xảy ra với nồng độ thủy ngân trong không khí thường xuyên cao gấp tiêu chuẩn nhiều lần.
Thuỷ ngân khi rơi xuống đất, vào thực phẩm không gây nguy hại lớn vì nó ở dạng vô cơ và cơ thể hấp thu rất kém qua đường tiêu hóa và sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể .
Thuỷ ngân vô cơ nguy hiểm khi rơi xuống đất rồi theo nguồn nước thải ra sông, hồ, vịnh và qua quá trình chuyển hóa sinh học thành thủy ngân hữu cơ. Quá trình thủy sinh sẽ tạo thành hợp chất methyl thủy ngân, khi chúng ta ăn cá trong các hồ đó thì thủy ngân hữu cơ sẽ gây ngộ độc, ảnh hưởng tới não, gây ra các triệu chứng thần kinh đặc trưng của ngộ độc thủy ngân, ảnh hưởng lên gan thận và có thể gây tử vong.
Vấn đề thủy ngân trong nước thải cũng tương tự vậy, nếu dùng nước thải này nuôi cá. Con người ăn cá nuôi bằng nước thải chứa thủy ngân với nồng độ cao sẽ gây ra các vấn đề không tốt cho sức khoẻ.
Theo như tôi biết ở những vùng ngoại thành Hà Nội dùng nước thải để nuôi cá thì hàm lượng thủy ngân đang khá cao.
Thuỷ ngân vô cơ chỉ nguy hiểm khi bốc hơi và con người hít phải Ví dụ, như cái nhiệt kế chúng ta dùng hàng ngày không ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nhưng nếu nhiệt kế bị đánh vỡ trong phòng có diện tích 10m2 thì có thể gây ngộ độc cấp cho trẻ em và nguy hiểm hơn nhiều lần so với hít không khí có nồng độ thủy ngân cao gấp 1,6 tiêu chuẩn.
PV: Thưa ông, qua câu chuyện về vụ cháy tại Rạng Đông sẽ cho chúng ta những bài học gì?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Bài học thứ nhất là cách quản lý môi trường cần phải minh bạch hơn, khi vụ cháy xảy ra tôi thấy rất lạ không có công bố hồ sơ vệ sinh môi trường, hồ sơ sức khỏe của nhà máy.
Theo quy định của luật môi trường định kỳ hàng năm cơ quan chức năng phải kiểm tra, thanh tra môi trường, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy. . Một nhà máy xí nghiệp hoạt động như nhà máy Rạng Đông bắt buộc phải có hồ sơ về môi trường, đặc biệt hồ sơ chất thải nguy hại…
Tôi cũng không thấy công bố hồ sơ sức khỏe của công nhân làm trong môi trường có chất độc đã từng có trường hợp nào bị nhiễm độc thủy ngân hay chưa? Kết quả khám sức khỏe định ký như thế nào?.
Bài học thứ 2 là cách thức ứng phó với sự cố, theo quy định thì nếu có nguy cơ chất độc phát tán thì cần cảnh báo ngay từ đầu. Cần phải thành lập một đội ngũ phản ứng nhanh, trong đó có cả các chuyên gia về môi trường, y tế và truyền thông. Thành phố phải có người phát ngôn cập nhật thông tin thường xuyên, định hướng dư luận để không gây ra hỗn loạn thông tin.
Việc cảnh báo ban đầu của phường Hạ Đình là tốt vì người ta biết vụ cháy có thủy ngân phát tán. Đối với y tế công cộng việc cảnh báo này là tốt, đây là nguyên tắc an toàn cho cộng đồng.
Hà Nội còn có 26 nhà máy có hóa chất độc hại chưa di rời khỏi thành phố, thảm họa môi trường tương tự Rạng Đông và sự cố tương tự hoàn toàn có thể xảy ra vì vậy cần phải có đội ứng phó thảm họa thường xuyên được huấn luyện kỹ năng và diễn tập.
Thưa PGS, hiện nay người dân sống gần khu vực nhà máy Rạng đông vẫn rất bất an ông có lời nhắn nhủ gì đối với họ?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Sự cố này là cú “sốc tâm lý” đối với người dân và họ cũng thiếu những thông tin chính xác, khoa học vì vậy chính quyền nên mời chuyên gia có những buổi nói chuyện trực tiếp để người dân hiểu.
Nếu với nồng độ thủy ngân trong không khí tại khu dân cư công bố khi đo được vừa qua thì người dân cứ yên tâm sống và sinh hoạt, không khí đã trở lại mức bình thường và sự cố đã qua.
Đối với người thời điểm cháy có hít phải hơi thủy ngân mà không có triệu chứng lâm sàng thì thủy ngân dần sẽ thải qua đường nước tiểu, mồ hôi.
Thưa ông giả định nếu gia đình ông sống sát vách một nhà máy biết có thủy ngân bên trong ông có lo ngại không?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Đây là một câu hỏi rất khó trả lời vì tôi không sống ở đó. Những người sống ở đó thường có lý do của mình vì mưu sinh, đất cha ông từ bao đời để lại vì vậy không phải một sự cố thay đổi không khí có thể đi ngay được.
Còn đối với tôi và ngay cả bạn cũng vậy nếu có nhiều tiền bạn có thích sống cạnh nhà máy có nguy cơ mất an toàn không? Chắc chắn là bạn sẽ chuyển ra những khu sinh sống đẳng cấp với những điều kiện tốt nhất cho sức khỏe.
Tôi cũng như người dân ở đó nếu không có tiền để mua một nơi sống với không khí tốt hơn, thì tôi sẽ vẫn chấp nhận sống cạnh nhà máy dù nguy cơ cháy nổ sau này.
Nhưng việc chuyển đi ngay thời điểm này là không cần thiết vì nồng độ thủy ngân trong không khí đã về mức an toàn. Về lâu dài thì nên chuyển nhà máy đi và xây dựng ở đó một công viên xanh thì chẳng ai muốn chuyển đi đâu nữa.