“Đường cao tốc có quy chuẩn riêng. Anh nói do trời mưa hư, xe quá tải thì tội trời, tội lái xe quá”, một kỹ sư cầu đường đang làm việc tại Đà Nẵng nói.
“Nói do mưa, do xe quá tải là quá định tính”
Liên quan đến việc tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hư hỏng mặt đường, xuất hiện “ổ voi, ổ gà”, nhiều kỹ sư cầu đường có uy tín đã phản bác Ban quản lý dự án (VEC) về những nguyên nhân được nêu ra gây hư hỏng như do trời mưa, xe quá tải, dầu diesel…
Kỹ sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng, cho hay toàn tuyến mới thông hơn 1 tháng mà xuất hiện “ổ voi, ổ gà” là điều khó chấp nhận.
Ông Dân từ chối bày tỏ ý kiến về các nguyên nhân mà đại diện VEC đưa ra và cho biết đoàn kỹ sư của hội Cầu đường Đà Nẵng sẽ đi kiểm tra thực tế vào ngày mai (11/10).
“Chúng tôi phải đến nơi, sờ, nắn, mới đánh giá được một cách khách quan, nói ở thời điểm này là chủ quan”, ông Dân nói.
Cao tốc 34 nghìn tỉ đồng hư hỏng sau hơn 1 tháng thông xe.
Kỹ sư Hà Xuân Việt, đang làm việc tại một dự án giao thông lớn ở miền Trung, cho hay về mặt chất lượng khi có hư hỏng thì phải tiến hành kiểm định, đánh giá từ lớp mặt đến lớp móng.
“Về mặt kỹ thuật thì không ai có thể định tính nguyên nhân được, tức là không thể “phán” nguyên nhân ngay mà phải kiểm tra những vị trí hư hỏng và cả vị trí không bị.
Cần tiến hành khoan lõi, lấy mẫu, kiểm tra từ trên xuống dưới mới đánh giá được chi tiết về nguyên nhân do thời tiết, do xe quá tải, dầu diesel hay do thi công.
Đường cao tốc có quy chuẩn của nó. Anh nói do trời mưa hư, xe quá tải thì tội trời, tội lái xe quá. Nói thế là định tính, cảm giác thôi”, kỹ sư Việt nói.
Cần đoàn đánh giá độc lập
Theo kỹ sư Việt, người làm kỹ thuật phải kiểm tra thực tế, “sờ, nắn, bóp” rồi sau đấy mới đưa ra kết luận nguyên nhân.
Kỹ sư Việt cũng cho rằng thiết kế cao tốc có tải trọng thiết kế, lưu lượng xe thiết kế nên không thể nói là do xe chạy nhiều, xe nặng nên hư như giải thích của VEC. Thực tế hiện xe lưu thông trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi không nhiều, làn thu phí chỉ mở một làn một chiều.
“Anh phải kiểm tra chất lượng công trình của mình trước. Nếu kết luận là chất lượng đảm bảo thì mới xem xét đến yếu tố mưa, lưu lượng xe, tải trọng xe, đọng nước. Mà nếu thi công đảm bảo thì các yếu tố đó cũng không ảnh hưởng làm hư hỏng như vậy được.
Để đánh giá nguyên nhân thì bây giờ cần một đoàn chuyên môn độc lập đến tìm hiểu”, kỹ sư Việt nói.
“Ổ voi” trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi
Theo kỹ sư Trần Dân, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đang hư hỏng, người thiệt hại nặng nhất là các tài xế. Ông cho rằng tài xế vừa phải bỏ tiền trả phí vừa phải đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông khi chạy với tốc độ cao lên đến 120 km/h.
“Cách sửa như chủ đầu tư đang áp dụng là “vá” ở các điểm bong tróc. Về kỹ thuật, chủ đầu tư sửa đúng thì phải dùng máy cắt mặt đường những khu vực bị sụt lún cho vuông vức, lu làn lại nền đường bên dưới rồi mới làm lớp cấp phối, dùng lu tay lèn lại một lần nữa mới trải nhựa và lu mặt phẳng phía trên cho bằng phẳng”, ông Dân nói.