Theo Đại tá Trần Sơn, việc tài xế gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 8 người chết tại Hải Dương dương tính với ma túy là vấn đề cực kỳ nguy hiểm.
Hành vi “giết người hàng loạt”
Trao đổi với PV, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó Phòng hướng dẫn Luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, việc tài xế gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Hải Dương dương tính với ma túy là vấn đề cực kỳ nguy hiểm.
“Vụ việc xảy ra ở Hải Dương đã rất rõ ràng, tài xế không làm chủ được tốc độ nên đã đâm vào đoàn người đang đi bộ ở làn dành cho người đi bộ, xe thô sơ. Đặc biệt, vấn đề tài xế dương tính với ma túy là rất nhức nhối.
Hành vi của tài xế rõ ràng là coi thường tính mạng của mình cũng như của người khác và như tôi đã nói nhiều lần, đây xem như hành vi “giết người hàng loạt” của tài xế chứ không còn coi là vi phạm luật an toàn giao thông”, Đại tá Sơn nói.
Theo Đại tá Sơn, xét hành vi của Lương Văn Tâm điều khiển phương tiện xe tải biển số 29C-719.53 khi sử dụng chất ma túy, không đi đúng phần đường quy định gây hậu quả làm 8 người chết và 7 người bị thương đã cấu thành tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Tội phạm và hình phạt, Đại tá Sơn nêu rõ được quy định tại Khoản 3 Điều 260 BLHS 2015.
Hình ảnh hiện trường vụ tai nạn.
Ông Sơn nhấn mạnh, vấn đề tài xế dương tính với ma túy sau khi gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng đã được báo chí, dư luận phản ánh nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, dường như nhiều tài xế “không chịu đọc báo, theo dõi các cảnh báo” và vẫn tiếp tục dương tính với ma túy, gây tai nạn.
“Tôi nghĩ lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cần chỉ đạo ngay việc rà soát hệ thống đào tạo lái xe, trong đó cần kiểm tra toàn diện sức khỏe, thử ma túy đối với tất cả tài xế, đặc biệt là tài xế xe container, xe tải…
Đối với người đã sử dụng ma túy, chỉ cần kiểm tra đột xuất sẽ phát hiện ngay có dương tính hay không. Khi xác định đúng, cần có biện pháp xử lý người nghiện theo quy định như tịch thu bằng lái, cấm lái xe vĩnh viễn hoặc có thời hạn tùy theo mức độ”, Đại tá Sơn nêu rõ.
Ai phải bồi thường cho các nạn nhân?
Còn Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội đã phân tích hành vi của tài xế dưới góc độ pháp lý.
Theo luật sư Thơm, nguyên nhân dẫn tới các tai nạn giao thông đa phần vẫn là do ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ còn kém, coi thường tính mạng bản thân và người khác.
Bên cạnh đó, tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy đang là thực tế diễn ra hiện nay. Nhiều vụ “xe điên” gây tai nạn kinh hoàng tước đi sinh mạng nhiều người khi tham gia giao thông đã gây rất bức xúc trong dư luận xã hội.
Xét hành vi của lái xe thấy đã có lỗi vi phạm các quy định của Luật giao thông đường bộ 2008. Cụ thể, vi phạm Khoản 5 Điều 4 – Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ.
“Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Tài xế xe tải vi phạm Khoản 7 Điều 8 – Các hành vi bị nghiêm cấm: “Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy”.
Đồng thời vi phạm Khoản 1 Điều 9 Luật GTĐB – Quy tắc chung: “Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”.
Về việc ai là người chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân, luật sư Thơm nêu rõ, căn cứ điều 601 – Bộ luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
“Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Nếu người gây tai nạn là người được thuê lái xe cho công ty thì lái xe và chủ phương tiện phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn.
Chủ phương tiện có thể khởi kiện lái xe để giải quyết đòi lại số tiền đó ở vụ kiện dân sự khác, nếu có yêu cầu. Trường hợp không khởi kiện thì hai bên thỏa thuận về số tiền bồi thường. Nguyên tắc là xét trên cơ sở chủ phương tiện, là người có điều kiện để để bồi thường.
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.