Vụ 4 con đường “dát vàng” ở Thủ Thiêm: Thành phố lên phương án thu hồi tiền sử dụng đất dự án

Phó chủ tịch UBND TP HCM tại buổi họp báo.

Theo kết luận thanh tra, trung bình mỗi cây số của 4 đường chính trong Khu đô thị Thủ Thiêm có giá gần 700 tỷ đồng – gấp 4 lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam.

Chiều 14/8, UBND TP HCM tổ chức cuộc họp báo về triển khai kế hoạch thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 2.

Trước đó, hồi cuối tháng 6, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Kết luận nêu rõ, trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP HCM và các sở ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm dẫn đến nhiều trường hợp người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý trách nhiệm các các nhân, tập thể liên quan sai phạm. Đồng thời, đơn vị này kiến nghị giải quyết khắc phục hậu quả về kinh tế, thu hồi tài sản nhà nước. Nếu điều này không được giải quyết trước ngày 31/12 thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý.

Vụ 4 con đường dát vàng ở Thủ Thiêm: Thành phố lên phương án thu hồi tiền sử dụng đất dự án - Ảnh 1.

Ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm báo chí TP.HCM thông tin tại cuộc họp báo.

Thực hiện kết luận thanh tra, lãnh đạo UBND TP HCM cùng các lãnh đạo sở ngành đã tổ chức tổ công tác lên phương án khắc phục hậu quả, xử lý sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền trước ngày 30/9/2019.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP HCM đã ký triển khai cho tổ công tác phối hợp cùng bộ ngành Trung ương, xác định việc sử dụng quy đất sạch để thanh toán các dự án BT tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, xem xét xử lý Công ty cổ phần Đại Quang Minh trong việc xây dựng nhiều công trình tại đây.

Thu hồi về ngân sách nhà nước khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh và lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay. Ngoài ra, thành phố kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý thuế giá trị gia tăng đối với các hợp đồng BT tại dự án BT 4 tuyến đường chính.

Theo kết luận thành tra, năm 2013, thành phố phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính dài tổng cộng gần 12 km trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng.

Các tuyến đường này đặt ký hiệu R1 (đại lộ Vòng Cung), R2 (đường ven hồ trung tâm), R3 (đường ven sông Sài Gòn), R4 (đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông – khu dân cư).

Vụ 4 con đường dát vàng ở Thủ Thiêm: Thành phố lên phương án thu hồi tiền sử dụng đất dự án - Ảnh 2.

Cuộc họp báo hạn chế phóng viên báo đài tham dự.

Theo số liệu, 4 tuyến đường có tổng chiều dài gần 12 km, chiều rộng từ 11,6 m đến 55 m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng.

Như vậy, trung bình mỗi km đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm có giá gần 700 tỷ đồng – gấp 4 lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam đã được Quốc hội thông qua (gần 182 tỷ đồng/km) và hơn gấp 3 lần cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (khoảng 250 tỷ đồng/km).

Hợp đồng ký tắt này giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đại Quang Minh xây dựng 4 tuyến đường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đổi lại, công ty này được giao 79 ha đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông) để phát triển các dự án bất động sản.