(Ảnh: Sport5)
Vấn đề bản quyền bảng G, vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á của Việt Nam sẽ phức tạp hơn so với các giải đấu khác.
Thông thường, các giải đấu như AFF Cup, SEA Games hay thậm chí Euro, World Cup, bản quyền truyền hình sẽ được ủy thác cho một đơn vị để bán đến các nước (hoặc các đài truyền hình ở các nước).
Tuy nhiên vấn đề bản quyền ở vòng loại World Cup lại phức tạp hơn. Ví dụ ở bảng G, vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, sẽ có tổng cộng 20 trận đấu giữa 5 nước, mỗi nước tổ chức 4 trận đấu với 4 đội còn lại. Bản quyền 4 trận sân nhà sẽ thuộc về LĐBĐ nước này và nếu 1 nước muốn mua bản quyền 4 trận sân khách, sẽ phải làm việc với 4 liên đoàn tương ứng (hoặc các đơn vị được ủy quyền).
Hiện ở Việt Nam, VFF đã ủy quyền cho một đơn vị vấn đề bản quyền 4 trận sân nhà và khả năng lớn đơn vị này sẽ liên kết với ít nhất một đài truyền hình để phát sóng trực tiếp, nên CĐV không cần quá lo lắng các trận gặp Malaysia ngày 10/10/2019, gặp UAE ngày 14/11, gặp Thái Lan ngày 19/11, gặp Indonesia ngày 4/6/2020.
Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa có được bản quyền 4 trận sân khách, gặp Thái Lan ngày 5/9, gặp Indonesia ngày 15/10, gặp Malaysia ngày 31/3/2020, gặp UAE ngày 9/6/2020.
Các trận đấu giữa Việt Nam – Thái Lan luôn rất hấp dẫn, được NHM 2 nước chờ đợi (Ảnh: Sport5).
Mới nhất, VTV chia sẻ trên Thanh Niên về chuyện xúc tiến mua bản quyền trận gặp Thái Lan nhưng chưa thành công:
“Chúng tôi đang xúc tiến việc đàm phán mà trước mắt là đàm phán với một công ty truyền thông do Liên đoàn Bóng đá Thái Lan ủy quyền bán bản quyền trận Thái – Việt Nam, nhưng chưa thành công. Chúng tôi cũng đang tìm cách liên lạc với kênh bán bản quyền các trận khác khi Việt Nam thi đấu Malaysia, Indonesia, UEA”.
Theo một vài ý kiến, các nhà đài Việt Nam không nên xé lẻ để cạnh tranh với nhau việc mua bản quyền, sẽ dễ bị đối phương ép giá. Phương án khả thi được đưa ra là tất cả sẽ cùng liên kết, chung tay mua bản quyền và chia sẻ quyền lợi sau đó.