Khoảng 6,6 tỷ USD vốn FDI đổ vào bất động sản năm 2018. Số liệu trên vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đưa ra trong báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2018.
Trong năm nay, cả nước có 3.046 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới gần 18 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời có 1.169 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,59 tỷ USD, bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng trong 12 tháng năm 2018, cả nước có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ 2017. Tính chung trong năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Phân theo lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,67 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký…
Nhật Bản đứng đầu trong danh sách các quốc gia, khu vực có dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5 tỷ USD.
Trong số các dự án lớn được cấp giấy nhận đăng ký đầu năm trong năm 2018, có hai dự án ở lĩnh vực bất động sản đó là dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 14/7/2018 tại Vĩnh Ngọc, Đông Anh Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…
Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 07/03/2007 do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào ngày 25/5/2018.
Giải ngân vốn FDI trong năm nay ước đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017
Nói về làn sóng vốn FDI “chảy” vào thị trường bất động sản, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại là yếu tố mới, triển vọng rất lớn trong năm 2019. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng có thể chính là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam. Điều chúng ta phải làm là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thay vì để họ đến Trung Quốc hay các nước khác. Phải chuẩn bị đủ điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
‘Dòng vốn FDI đầu tư vào bất động sản đang tăng mạnh trong 2018 và dự báo tiếp tục đà tăng tốt trong 2019, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn của mình vào ASEAN, trong đó có Việt Nam do lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ – Trung”, SG. Võ cho biết.
Còn theo bà Hương Nguyễn, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, câu chuyện vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản không mới mà đã từ vài năm nay, mạnh nhất là dòng vốn đến từ các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, gần đây có thêm Hồng Kông (Trung Quốc).
Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam luôn ổn định về kinh tế cũng như chính trị – xã hội. Mặt khác, căng thẳng về thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc cũng khiến dòng vốn của các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển từ Trung Quốc đi, mà Việt Nam là điểm đến lý tưởng. Bên cạnh là nhờ chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài, sự ổn định chính trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của nước ta.
Cũng theo bà Hương, lợi ích đem lại là các thương vụ này giúp cho thị trường bất động sản trở nên tiềm năng hơn và nhiều dư địa phát triển; Thanh khoản của thị trường bất động sản gia tăng mạnh mẽ Thách thức lớn nhất là cách quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư một cách hợp lý, đúng hướng, định giá, tuân thủ pháp lý và rủi ro nhân sự.