Với Công Phượng, Xuân Trường… bầu Đức chính là người cứu bóng đá Việt Nam khỏi “đại nạn”

Chính bầu Đức – chứ chẳng phải ai khác, giữ cho bóng đá Việt Nam niềm tin vào một thế hệ cầu thủ Việt có thể “làm nên chuyện”, mà không cần sự hỗ trợ “từ bên ngoài”.

1. Trên trang Pandit Football của Indonesia, cây bút Ardy Nurhadi Shufi vừa có một bài viết dài về việc “Không có chỗ cho cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển Việt Nam”. Trong đó, tay viết này “than thở” về việc số lượng cầu thủ nhập tịch của Indonesia đang tăng ở mức báo động từ gần 10 năm về trước đến hiện tại, khiến cho cơ hội của các “tài năng bản địa” đang ngày càng nhỏ lại.

So sánh với bóng đá Việt Nam, trong số 28 cầu thủ từng nhập tịch thành công, chưa có bất kỳ ai trong số họ trở thành trụ cột, ngôi sao của đội tuyển quốc gia. Phan Văn Santos là cầu thủ nhập tịch có số lần khoác áo đội tuyển Việt Nam nhiều nhất, nhưng chỉ mới có vỏn vẹn 5 lần.

Không phải là bóng đá Việt Nam chưa từng nghĩ đến chuyện “làm việc lớn” với cầu thủ nhập tịch – những cầu thủ từng được lý luận rằng “gắn bó với bóng đá Việt Nam nhiều năm”, cũng như “có tình cảm với Việt Nam”.

Với Công Phượng, Xuân Trường... bầu Đức chính là người cứu bóng đá Việt Nam khỏi đại nạn - Ảnh 1.

Dưới thời của cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam – Nguyễn Trọng Hỷ, trong giao đoạn từ 2005 – 2013, cầu thủ nhập tịch tràn lan khắp môi trường bóng đá Việt Nam, trong đó có nhiều giai đoạn tưởng chừng bóng đá Việt Nam đi vào ngõ cụt với việc những cầu thủ trẻ tài năng bị lấn át hoàn toàn bởi cầu thủ ngoại, cũng như các cầu thủ nhập tịch ở các CLB.

Đã có không ít cuộc tranh cãi nổ ra, không ít ý kiến cho rằng bóng đá Việt Nam nên bắt chước các quốc gia khác trong khu vực, như Indonesia, như Philippines, như Singapore… để “đi đường tắt” đến thành công bằng cầu thủ nhập tịch, đồng thời dùng họ để kích thích sự nỗ lực, phấn đấu của các cầu thủ nội.

Lứa U19 của bầu Đức, với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… chính là “gáo nước lạnh” dập tắt những tranh cãi về cầu thủ nhập tịch. Sự thành công ở lứa tuổi 19 của lứa cầu thủ trẻ HAGL không gắn liền với những chiến tích lẫy lừng, nhưng nó truyền cảm hứng dữ dội cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam, thổi bùng niềm tự hào, cũng như sự kỳ vọng vào một “thế hệ vàng” nữa.

Với Công Phượng, Xuân Trường... bầu Đức chính là người cứu bóng đá Việt Nam khỏi đại nạn - Ảnh 2.

Để có được lứa cầu thủ trẻ ấy, bầu Đức đã mất gần 10 năm trời, với tâm sức cùng không ít tiền bạc. Nhưng hiệu ứng của nó là cực kỳ to lớn với bóng đá Việt Nam. Ngoài việc tạo nên một lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng và sáng ngời đạo đức, học viện HAGL Arsenal JMG còn khởi động “trào lưu” đầu tư vào cầu thủ trẻ, để cùng kiến tạo nên một “thế hệ vàng” thực sự của bóng đá Việt Nam.

2. Những kỳ tích mà HLV Park Hang-seo đem về cho bóng đá Việt Nam suốt hơn một năm qua là vô cùng kỳ vĩ, trong đó không thể không kể đến sự đóng góp đáng kể từ lứa cầu thủ còn rất trẻ của HAGL, cũng như những lò đào tạo “nối gót” bầu Đức đầu tư vào bóng đá trẻ, từ PVF, Hà Nội cho đến Viettel, SLNA…

Sự đầu tư nghiêm túc, có chiều sâu, chuyên nghiệp ấy tạo nên một môi trường tốt, sánh ngang với các nền bóng đá lớn của châu lục cho các cầu thủ trẻ phát triển, trưởng thành, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với lực lượng ngoại binh, cầu thủ nhập tịch từng “dang tay gánh vác” các CLB lớn của Việt Nam.

Với Công Phượng, Xuân Trường... bầu Đức chính là người cứu bóng đá Việt Nam khỏi đại nạn - Ảnh 3.

Trong khi Indonesia, Singapore, Philippnes… vẫn đang loay hoay với bài toán dùng cầu thủ nhập tịch để cạnh tranh trong khu vực, thì thêm lần nữa, HAGL đi đầu trong trào lưu đưa cầu thủ của mình ra nước ngoài, đến những nền bóng đá mạnh hơn để “thử lửa”, tạo nên một nền tảng vững chắc cho mục tiêu châu lục, thậm chí là World Cup.

Chắc chắn những kỳ tích của bóng đá Việt Nam chưa thể dừng lại ở đây. Có thể HAGL đã phải trả giá cho việc tạo cơ hội cho những cầu thủ trẻ nước nhà, bằng thành tích bết bát suốt 4 năm qua ở V.League. Đi tiên phong, HAGL gánh phải khá nhiều thiệt thòi, nhưng thử hỏi nếu hơn 10 năm về trước, nếu bầu Đức không “điên” như đã từng, thì liệu giờ đây, bóng đá Việt Nam có thoát khỏi “đại nạn” mà Indonesia đang phải đau đầu?