Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) tại phiên xử.
Bị cáo xin phép cho bị cáo nói rõ ràng, mạch lạc nội dung đó được không? Nếu chứng minh bị cáo là vu khống thì HĐXX khởi tố bị cáo thêm tội đó. Còn nếu bị cáo nói đúng thì xin xem xét cho bị cáo”, ông Vũ nói.
Ngày 13/12, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử Phan Văn Anh Vũ (43 tuổi, Vũ “nhôm”), ông Trần Phương Bình (59 tuổi, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á) và 24 bị cáo liên quan với phần đối đáp của đại diện VKSND TP HCM.
VKS cho rằng Vũ “nhôm” vu khống
Trước đó, trong quá trình tự bào chữa, ông Vũ cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, bản thân ông nhiều lần yêu cầu đối chất với ông Trần Phương Bình nhưng không được đồng ý. Sau khi gửi đơn đến Bộ Công An, Vũ bị bắt ký tên khi chưa được đọc biên bản.
Vũ cũng cho rằng cơ quan điều tra trích xuất bản thân khỏi trại giam khi vụ án có lịch xét xử là vi phạm pháp luật. Theo Vũ, trường hợp có yêu cầu làm việc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam của vụ án khác, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng hoặc người có thẩm quyền cơ quan đang thụ lý vụ án đó.
Vũ “nhôm” cho rằng bản thân “không được đối xử công bằng”.
Đối đáp lại, đại diện VKSND TP HCM cho rằng cơ quan điều tra đã thực hiện đúng pháp luật. Cơ quan điều tra cho rằng khi tiến hành đối chất, luật sư Trần Viết Hùng (bào chữa cho Vũ) cũng tham gia cùng điều tra viên, kiểm sát viên nhằm đảm bảo quyền lợi cho bị cáo.
Các bên được đặt câu hỏi đúng sai và hỏi ý kiến trong quá trình đối chất. Sau đó, Vũ “nhôm” cũng đã ký tên kèm nội dung “đề nghị cơ quan điều tra, kiểm sát viên không khủng bố tinh thần” vào biên bản. Về việc trích xuất Vũ “nhôm” ra khỏi trại giam khi có lịch xét xử, VKS cho rằng bị cáo này liên quan đến nhiều vụ án, bị khởi tố về các tội danh khác nhau nên không trái luật.
Việc Vũ cho rằng bị công tố viên thóa mạ, làm nhục bị cáo, VKS bác bỏ vì không có căn cứ nào ngoài lời trình bày của Vũ. “Vũ cho rằng cơ quan điều tra thóa mạ làm oan sai cho bị cáo. HĐXX cần xem xét thái độ của Vũ. Bị cáo ngoan cố, không thành khẩn mà còn vu khống… Đề nghị HĐXX nhận định nội dung này khi quyết định hình phạt”, cơ quan công tố thể hiện quan điểm.
Vũ “nhôm” tố cáo VKS “sỉ nhục”
Trong quá trình xét xử, Vũ nhiều lần kêu oan cho rằng không chiếm đoạt 203 tỷ đồng của Ngân hàng Đông Á, đây chỉ là giao dịch dân sự với cá nhân ông Trần Phương Bình. Đại diện VKS cho rằng lời kêu oan này là không có cơ sở, bởi không ai có thể ép Vũ ký nhận tiền. Bên cạnh đó, ông Bình cũng khai không có ý định cho Vũ mượn tiền mà chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng ngân quỹ Hội sở) thu chi khống.
Việc ký nhận là thể hiện ý chí của Vũ, dù Vũ có nghe việc trao đổi giữa ông Bình và ông Nguyễn Đức Vinh về việc lấy tiền của Ngân hàng Đông Á. Với khoản tiền 497 tỷ đồng mua 13,9 triệu USD, VKS đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo đã được cấu thành khi Vũ nhận tiền. Việc bị cáo này tự nguyện nộp lại số tiền này chỉ được xem là tình tiết khắc phục hậu quả.
VKS cũng ghi nhận thái độ ăn năn hối cải của các bị cáo còn lại, đề nghị HĐXX xem xét vai trò phụ thuộc của họ khi phải chấp hành chỉ đạo của cấp trên.
Trần Phương Bình và các đồng phạm tại phiên xử.
Sau phần đối đáp của đại diện VKS, Vũ “nhôm” đã có phần tự bào chữa bổ sung. “Bị cáo cảm thấy không được đối xử công bằng”, ông Vũ nói và khẳng định bản thân không dám tố cáo sai.
Bị cáo xin phép cho bị cáo nói rõ ràng, mạch lạc nội dung đó được không? Nếu chứng minh bị cáo là vu khống thì HĐXX khởi tố bị cáo thêm tội đó. Còn nếu bị cáo nói đúng thì HĐXX xem xét cho bị cáo”, ông Vũ nói.
Sau đó, ông này kể lại một số dẫn chứng cho rằng bản thân bị cán bộ cơ quan điều tra “sỉ nhục”. “Buổi đối chất có nhiều người như đã nói. Kiểm sát viên nói bị cáo ‘Mày là thằng tù thì không có quyền đòi hỏi’…”, Vũ nhôm trình bày, cho rằng “đảm bảo bị cáo nói thật”.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho bị cáo Vũ) cho rằng VKS cần phải đi xác minh tại trại giam thì mới biết Vũ có vu khống hay không. Luật sư cũng khẳng định luật quy định khi lấy cung thì được ghi âm ghi hình nhưng trong vụ án này Vũ “Nhôm” đã không được ghi âm ghi hình khi lấy cung, việc này vi phạm tố tụng.
Trong khi đó, bị cáo Trần Phương Bình khẳng định tại buổi đối chất, kiểm sát viên có hơi to tiếng chứ không có khủng bố tinh thần đối với bị cáo Vũ. Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho rằng cho rằng khó mà uy hiếp tinh thần những người như Vũ.
Trong vụ án này, ông Trần Phương Bình bị cáo buộc 2 hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” gây thất thoát 2.057 tỷ đồng và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế…” gây thiệt hại 1.551 tỷ đồng
Cụ thể, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 1.160 tỷ đồng để mua 74,2 triệu cổ phần Ngân hàng Đông Á, xuất quỹ 497,8 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD chuyển cho Vũ “nhôm” và mua cổ phần Ngân hàng Đông Á. Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cũng bị cáo buộc chiếm đoạt 358,8 tỷ đồng của ngân hàng để sử dụng cá nhân.
Ngoài ra, ông Trần Phương Bình bị cáo buộc chỉ đạo thuộc cấp thực hiện 9 hành vi sai phạm khác: xuất quỹ chi lãi ngoài sai nguyên tắc 467,8 tỷ đồng; 53,3 tỷ đồng để tất toán khoản vay của Nguyễn Hồng Ánh; tất toán khống 2,4 tỷ đồng khoản vay của Nghiêm Thị Hồng; thu khống 31,2 tỷ đồng thanh toán tiền hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán; xuất khẩu vàng trái phép gây thiệt hại 611,6 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối trái phép làm ngân hàng Đông Á thiệt hại 384,8 tỷ đồng.