Thi đấu tại Tank Biathlon 2018 chính là cơ hội để chúng ta kiểm nghiệm năng lực, trình độ làm chủ VKTB thế hệ mới, bởi giữa xe tăng T-90 và T-72B3 có khá nhiều điểm tương đồng.
Cuộc thi đấu Tank Biathlon 2018 đã kết thúc cách đây ít lâu, nên có lẽ bây giờ chính là lúc để các đoàn tuyển thủ và lãnh đạo Binh chủng Tăng Thiết giáp nhìn lại quá trình chuẩn bị và thi đấu, rút ra những bài học cần thiết cho cuộc thi năm tiếp theo cũng như quá trình huấn luyện làm chủ xe tăng T-90 sắp có trong biên chế.
Từ kinh nghiệm vận hành xe tăng T-72B3…
Cuộc thi Tank Biathlon 2018 có 22 đội tham gia, trong đó Việt Nam, Myanmar, Syria và Nam Phi là 4 nước lần đầu tiên góp mặt tranh tài. 18 đội còn lại dày dạn kinh nghiệm, chủ yếu là các nước cộng hòa SNG như Belarus, Kazakhstan, Armenia… hay một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ, Venezuela…
Đối với 4 nước lần đầu tham gia thì cũng có 2 nước đã có xe tăng T-72 trong biên chế từ lâu, Myanmar với T-72S hay Syria với T-72A và B. Tuy các quốc gia có xe tăng T-72 thuộc các phiên bản khác nhau, song nhìn chung đều thuận lợi khi sử dụng T-72B3 là loại xe dùng cho thi đấu.
Hình ảnh thành viên kíp xe tăng Việt Nam đang trao đổi với kỹ thuật viên của nước chủ nhà Tank Biathlon 2018
Trong 22 đội tham gia, chỉ có Việt Nam và Lào là chưa có xe tăng T-72 trong biên chế quân đội. Tuy nhiên, Lào đã tham gia thi đấu lần đầu năm 2017 nên sẽ có ít bỡ ngỡ hơn. Lần đầu tiên tham gia, đội Việt Nam đã hết sức cố gắng thi đấu và xếp thứ 17 trên 22 đội.
Mặc dù các xe tăng được sản xuất thời từ Liên Xô hay của Nga hiện tại đều có những đặc điểm chung nhưng vẫn có những khác biệt giữa dòng xe tăng T-54/55 và xe tăng T-72B3.
Đầu tiên, vị trí lái xe của T-55 và T-62 nằm ở bên trái xe, trong khi lái xe T-72 nằm ở giữa xe, thế nên 2 đội Việt Nam đã thi đấu đều lái xe lệch về bên trái đường và nhiều lần cán cột mốc bên trái.
Tiếp theo, về nội dung tiêu diệt mục tiêu: Do là lần đầu tham gia, lần đầu lái xe tăng hiện đại T-72B3, các chiến sĩ của ta còn rất nhiều bỡ ngỡ và lúng túng là điều dễ hiểu. Xe T-72B3 sử dụng điều khiển hỏa lực máy tính, khác rất nhiều so với điều khiển của xe tăng T-54/55, đặc biệt khó khăn cho người mới làm quen.
Trong hình trên, bên trái là kính ngắm pháo thủ xe tăng T-55. Đây là kiểu kính cũ, mọi công cụ đo đạc đều thủ công.
Xạ thủ sử dụng kính cong để ước tính khoảng cách đến mục tiên, sau đó nhìn lên 4 cái thước trên đầu và tùy vào loại đạn sử dụng mà tiến hành nâng hoặc hạ nòng pháo, sao cho thước của loại đạn đó vào đúng khoảng cách. Sau đó đặt tâm vào mục tiêu rồi bắn.
Bên phải là kính ngắm Sosna-U của xe tăng T-72B, khác hoàn toàn với T-55. Xạ thủ sẽ sử dụng bộ đo xa laser để tính khoảng cách đến mục tiêu. Sau khi máy đo xác định xong, thước khoảng cách bên trên sẽ xoay, chỉ đến đúng khoảng cách đó. Xạ thủ sau đó đưa tâm ngắm vào mục tiêu và khai hỏa.
Đội Việt Nam có thể đã được chủ nhà Nga hướng dẫn sử dụng Sosna-U và đã dùng kính ngắm này để thi đấu. Kính ngắm PN-72 Sosna-U (có kênh ảnh nhiệt, máy đo xa laser, dẫn đường cho tên lửa chống tăng) với hệ thống bắt bám mục tiêu tự động.
Hình ảnh kính ngắm Sosna-U trên T-72B3 đã được mở nắp che, chứng tỏ đội tuyển Việt Nam đã biết cách sử dụng Sosna-U trong quá trình thi đấu.
Kính ngắm trên T-72B dễ sử dụng hơn nhiều so với T-55, nhưng vẫn phải có thời gian làm quen thao tác, nếu không sẽ dễ nhầm lẫn các bước với nhau. Đó cũng có thể là lý do vì sao pháo thủ xe tăng Việt Nam thi tài chưa tiêu diệt được tất cả mục tiêu.
Với nội dung bắn súng máy đồng trục: Chương trình huấn luyện kíp chiến đấu tăng của Việt Nam là dựa trên nền tảng xe T-54/55, súng chính nòng xoắn, súng máy DShK, súng đồng trục SGMT. Chuyển sang T-72 bắn súng chính nòng trơn, súng máy NSVT, súng đồng trục PKT thì tất nhiên còn chưa khớp.
Xạ thủ phải có thời gian làm quen và vài băng đạn bắn thử để cân chỉnh tầm mắt/thước ngắm/đầu ruồi.
Bắn súng máy có yếu lĩnh, khoảng cách bắn như vậy, dùng thước ngắm số mấy, canh đầu ruồi dư bao nhiêu để bù độ hụt tầm. Độ dài nòng ảnh hưởng đến khoảng cách giữa thước ngắm và đầu ruồi, cân chỉnh, bù hụt tầm sẽ có chênh lệch ít nhiều.
Do đó yếu lĩnh của súng DShK sẽ khác với NVST một chút. Ở khoảng cách xa cỡ 1.000m như đợt thi đấu lần này thì yếu lĩnh rất quan trọng. Không thế chỉ hướng súng về mục tiêu rồi bóp cò là được.
Hình ảnh thành viên kíp xe tăng số 3 – kíp xe Việt Nam có thành tích thi đấu tốt nhất tại cuộc thi Tank Biathlon 2018
…đến khả năng làm chủ T-90S/SK
Mặc dù kết thúc cuộc thi Tank Biathlon 2018, đội Việt Nam chỉ đứng thứ 17 nhưng bước đầu đã có những kết quả ấn tượng cho thấy kíp xe đã nắm vững nhanh chóng cách sử dụng xe tăng T-72B3. Thành tích của 3 kíp tăng là rất đáng khích lệ bởi đây là lần đầu tiên chúng ta tham gia và chỉ có 3 ngày làm quen với xe tăng T-72B3 của Nga.
Đặc biệt, điều này hết sức có lợi khi Việt Nam đã đặt mua từ Nga tổng cộng 64 xe tăng T-90 (với 2 phiên bản T-90S và T-90SK) vào năm 2017 và số xe tăng này dự kiến sẽ được Nga hoàn tất bàn giao cho Việt Nam vào năm 2019.
Xin trích lại lời của Thiếu tướng Roman Binyukov, Trọng tài chính của cuộc thi đánh giá về đội tuyển xe tăng Việt Nam:
“Đội tăng Việt Nam không phải là đội tăng duy nhất tham gia cuộc thi lần đầu. Ngoài ra, còn có đội tuyển Myanmar, Nam Phi và Syria. Trong thành phần của tất cả các đội này đều có các quân nhân trình độ cao và tất cả đều muốn giành chiến thắng”.
“Tuy nhiên, tất cả đều ngưỡng mộ các thành viên của đội tăng VN tham gia Tank Biathlon. Họ dám đối mặt và chấp nhận thách thức tham gia cuộc thi quốc tế cách VN hàng ngàn cây số, với các loại kỹ thuật mới mà họ phải nắm vững trong thời gian ngắn nhất.”
Với sự quan tâm đầu tư, với tinh thần đã ra quân là đánh thắng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng Đội tuyển Việt Nam sẽ cải thiện được thành tích và thứ hạng trong các giải đấu năm sau.
Đây cũng chính là cơ hội để những kíp xe tăng Việt Nam kiểm nghiệm năng lực, trình độ làm chủ vũ khí trang bị thế hệ mới, bởi giữa T-72B3 và T-90S có khá nhiều điểm tương đồng.
Phần thi của Đội Việt Nam tại Tank Biathlon 2018 ngày 29/07/2018