Công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: BBC.
Các bên cần nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc 1982, đại diện Bộ Ngoại giao cho hay.
Chiều ngày 6/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các Thượng nghị sĩ Mỹ đưa ra dự thảo “Đạo luật Cấm vận Biển Hoa Đông và Biển Đông” trừng phạt các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan tới các dự án xây dựng trái phép ở Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo luật pháp quốc tế.
Các bên cần nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS), đồng thời có những đóng góp thiêt thực bảo đảm hòa bình, ổn định an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, bà Hằng nêu rõ.
Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ từ cả hai đảng trong Quốc hội sẽ một lần nữa giới thiệu dự thảo thể hiện sự cam kết của Chính phủ Mỹ đối với việc trừng phạt các tổ chức và cá nhân Trung Quốc có liên quan tới cái mà họ gọi là hành động “nguy hiểm và bất hợp pháp” của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông.
Nếu “Đạo luật Cấm vận Biển Hoa Đông và Biển Đông” được thông qua, chính phủ Mỹ sẽ có quyền tịch thu các khối tài sản tài chính ở Mỹ và thu hồi hoặc hủy bỏ thị thực Mỹ đối với bất kỳ ai liên đới tới “các hành động hoặc chính sách đe dọa tới hòa bình, an ninh và ổn định” tại nhiều khu vực trên Biển Đông.
Theo dự thảo này, cứ mỗi 6 tháng, Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải nộp lên Quốc hội Mỹ một báo cáo ghi nhận bất kỳ cá nhân hay công ty Trung Quốc nào liên quan tới các dự án phát triển và xây dựng (trái phép) trên Biển Đông. Những dự án nằm trong tầm ngắm bao gồm hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, công trình hải đăng và hạ tầng liên lạc di động.
Ngoài ra, những bên có liên quan tới hoạt động đe dọa “hòa bình, an ninh và ổn định” ở những khu vực hiện do Nhật Bản, Hàn Quốc quản lý trên biển Hoa Đông cũng sẽ trở thành đối tượng cấm vận – dự thảo nêu rõ.