Những đồng minh của Mỹ giờ có lý do chính đáng để tự hỏi: Ai trong chính quyền Mỹ bây giờ có đủ khả năng và bản lĩnh để ngăn cản ông Trump manh động quyết định và hành động?
Biến động trong chính quyền Trump
Nhân sự chính quyền ở mọi quốc gia trên thế giới này thay đổi hay xáo trộn vốn là chuyện rất bình thường.
Chỉ có biến động nhân sự ở cấp cao trong chính quyền Mỹ là được thế giới để ý đến nhiều hơn cả, đặc biệt là trong chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump, bởi người này có những quyết định nhân sự gây bất ngờ và nhiều khi không thể lý giải nổi với cách tư duy và nhìn nhận phổ biến lâu nay ở nước Mỹ.
Từ đội ngũ nhân sự có thể nhận diện được định hướng quan điểm chính sách của chính quyền, từ những quyết định nhân sự của người cầm quyền có thể thấy định hướng chính sách hoặc cách thức thực hiện được điều chỉnh hay thay đổi.
Sau 2 năm cầm quyền đến nay của ông Trump ở Mỹ, chậm nhất cho tới hiện tại, thế giới phải thấy rằng ở quan điểm chính sách của ông Trump, “cái chắc chắn nhất là không có gì chắc chắn cả”.
Ông Mattis chủ động từ chức và dự định đầu tháng 2 năm tới mới rời Lầu Năm Góc để có thể chuyển giao một cách trách nhiệm, có lộ trình và trong trật tự. Ông Trump đã đề cử ngay một người phó của ông Mattis là ông Patrick Shanahan làm quyền bộ trưởng quốc phòng, tức là muốn thay thế ông Mattis ngay lập tức chứ không chờ đến tháng 2 năm sau.
Chỉ như thế thôi cũng đã đủ để thấy ông Trump hậm hực như thế nào về việc ông Mattis từ chức. Tương tự như vậy trong trường hợp ông McGurk khi ông Trump quả quyết rằng “không biết ông McGurk là ai”.
Đối với cả ông Mattis lẫn ông McGurk, quyết định của ông Trump rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria là giọt nước làm tràn ly, tức là bất đồng quan điểm giữa họ và ông Trump đã trầm trọng đến mức không còn có thể dung hoà được nữa. Sự bất đồng quan điểm ở đây là trên hai phương diện.
Thứ nhất là về định hướng chiến lược và nội dung chính sách. Ông Trump cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria đã bị tiêu diệt nên rút quân đội Mỹ về trong khi hai người kia cho rằng IS mới chỉ bị tan rã chứ chưa bị tiêu diệt hoàn toàn.
Ông Trump khi đưa ra quyết sách này không để ý gì đến lo ngại và lợi ích của các đồng minh và đối tác trong khi hai người kia lại thấy rằng Mỹ luôn phải cần đến đồng minh và đối tác.
Trong bức thư từ chức, ông Mattis đã ghi rõ quan điểm của mình cho rằng: “Thực chất sức mạnh của Mỹ là hệ thống và mạng lưới không ai có được về các mối quan hệ đồng minh và đối tác trên thế giới”.
Thứ hai là về cách thức ông Trump đưa ra quyết định, mà cụ thể là bất chấp mọi tư vấn và khuyên can của nhóm cố vấn và chuyên môn. Những gì mà ông Trump tự coi là biểu hiện của quyết đoán, bản lĩnh và khả năng cầm quyền thì bị những người kia coi là quyết định vội vàng và ngẫu hứng.
Nội bộ đầy phân rẽ
Sự từ chức của hai người này cho thấy rõ nét hơn bao giờ hết tình trạng phân rẽ sâu sắc trong nội bộ nhân sự của chính quyền của ông Trump và lộn xộn trong quá trình hoạch định và đưa ra chính sách của chính quyền Trump.
Ông James Mattis là viên tướng cuối cùng trong số 4 viên tướng tham gia vào chính quyền Trump ra đi. Ảnh: Reuters
Người Mỹ có thể không quan tâm nhiều đến thực trạng ấy nhưng nó lại vô cùng quan trọng đối với tất cả các nước khác trên thế giới, bất kể hiện là đồng minh hay đối tác, đối thủ hay kẻ thù của Mỹ bởi từ đó các nước có thể xác định ra được cách thức thích hợp nhất xử lý quan hệ của họ với Mỹ theo hướng có lợi nhất cho họ hiện tại cũng như trong thời gian tới.
Ông Mattis là viên tướng cuối cùng trong số 4 viên tướng tham gia chính quyền của ông Trump ra đi. Michael Flynn, Herbert Raymond McMaster và John Kelly đều ra đi. Ông Mattis là người cuối cùng trong đội ngũ nhân sự hiện tại của ông Trump có được uy tín cao ở các đồng minh quân sự chiến lược của Mỹ.
Cho nên những đồng minh này giờ có lý do chính đáng để tự hỏi: Ai trong chính quyền Mỹ bây giờ có đủ khả năng và bản lĩnh để ngăn cản ông Trump manh động quyết định và hành động?
Âu cũng là hệ luỵ tất yếu và trực tiếp của một quy luật bất thành văn trong quyền lực ở Mỹ là quyền luôn thắng lý và quyết định cuối cùng luôn thuộc về kẻ có quyền chứ không phải về kẻ có lý.
Với việc chọn ông Shanahan làm quyền bộ trưởng quốc phòng, ông Trump lại một lần nữa cho thấy hiện cần cộng sự nghe lời hơn là độc lập suy nghĩ.
Ông Shanahan đã thể hiện năng lực tổ chức và triển khai thực hiện khi còn làm quản lý cho tập đoàn Boeing. Trên cương vị mới này, vị quyền bộ trưởng xem ra chỉ có thể có được cơ hội trở thành bộ trưởng khi tuân thủ phương châm “chỉ nghe, không cần nghĩ”.
Trong chính quyền Mỹ cho tới nay đâu đã có được mấy người tạt ngang chính trường mà thành công. Alex Tillerson là trường hợp mới nhất. Còn khi xưa, Robert McNamara cũng đi từ hãng Ford đến Lầu Năm góc. Đấy không phải là cái dớp và điềm chẳng tốt lành gì đối với những người liên quan hay sao ?
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại