Vì sự bao bọc của mẹ, cuộc đời thần đồng tan nát: Ăn có mẹ đút, tắm có mẹ lo, khát nước có mẹ dâng tận miệng

Quá yêu và nuông chiều con, người mẹ này lại không hề biết rằng phương pháp giáo dục của mình sẽ hủy hoại tương lai con sau này.

Đầu những năm 90, Ngụy Vĩnh Khang (SN 1983, tại tỉnh Hồ Nam) được coi là “huyền thoại” của nền giáo dục Trung Quốc. Cậu được mệnh danh là thần đồng với thành tích choáng ngợp: 2 tuổi đã biết đọc thuộc 1.000 kí tự tiếng Trung; 4 tuổi học xong tiểu học; 8 tuổi thi đỗ vào trường trung học trọng điểm của tỉnh; 13 tuổi thi đỗ Đại học Tương Đàm với thành tích xuất sắc. Bốn năm sau lại thi đỗ cao học tại Trung tâm nghiên cứu Vật lí cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc với thành tích xếp thứ hai.

Từ khi con được gọi là “thần đồng”, bà Tăng Học Mai, mẹ của Vĩnh Khang, vốn là một công nhân bình thường đã nghỉ việc chỉ để chăm con, kinh tế phụ thuộc vào người chồng. 

Vì sự bao bọc của mẹ, cuộc đời thần đồng tan nát: Ăn có mẹ đút, tắm có mẹ lo, khát nước có mẹ dâng tận miệng - Ảnh 1.

Bằng cấp, chứng chỉ của Vĩnh Khang

Năm 1991, khi Vĩnh Khang 8 tuổi và lên học trường trung học trọng điểm của thành phố, bà Tăng đã thuê một căn nhà nhỏ gần trường để ở cùng con. Với phương châm: “Con chỉ cần học, mọi thứ đã có mẹ lo”, bà Tăng Học Mai đã làm tất thảy mọi phần việc thay cho Vĩnh Khang: ăn có mẹ đút, tắm có mẹ lo, khát nước có mẹ “dâng” nước tận miệng, thậm chí buồn tiểu đã có mẹ mang bô vào tận phòng. Bà Tăng bộc bạch: “Lúc đó tôi nghĩ chỉ cần Vĩnh Khang học giỏi là đủ, còn lại tất cả những việc vặt đã có mẹ phục vụ”. 

Thế giới của Vĩnh Khang gói gọn trong những trang sách, không có sự giao tiếp với bạn bè và thế giới bên ngoài. Tư tưởng này của cậu là do bà Tăng áp đặt. Bởi khi bạn bè cậu đến nhà, bà Tăng đều lấy cớ con trai bận học, không thể tiếp. Vì thế Vĩnh Khang không có thói quen nói chuyện với người khác, bạn bè dần xa lánh. Nhiều lúc cậu cũng muốn ra ngoài cho đầu óc thoải mái, bà Tăng lại bảo: “Học nhiều mới có tương lai”. Nghe mẹ nói vậy, Vĩnh Khang lại vào bàn học. Mối quan hệ mất dần, một mình Vĩnh Khang một thế giới. 

Vì sự bao bọc của mẹ, cuộc đời thần đồng tan nát: Ăn có mẹ đút, tắm có mẹ lo, khát nước có mẹ dâng tận miệng - Ảnh 2.

Vì muốn con thành tài, bà Tăng ép con chỉ được chuyên tâm vào việc học.

Vào năm 2000, khi Vĩnh Khang đỗ vào Viện Khoa học Trung Quốc để làm nghiên cứu sinh, nhà trường yêu cầu cậu phải sống và học tập một mình, bà Tăng buộc phải để con trai tự lập và từ đây liên tiếp những vấn đề nảy sinh khiến cuộc sống thần đồng rơi vào hoảng loạn. 

Bao năm quen có mẹ phục vụ, giờ phải tự làm mọi việc, Vĩnh Khang không thể thích nghi. Cậu không biết cởi quần áo khi nóng, mặc thêm quần áo khi lạnh. Quần áo bẩn không biết giặt, vứt mỗi thứ một nơi. Phòng ốc lúc nào cũng cực kỳ bừa bộn và bẩn thỉu. Thậm chí đến ngày thi tốt nghiệp, Vĩnh Khang cũng quên mất thời gian nên nhận điểm 0, làm mất cơ hội học lên tiến sĩ.

Tháng 8 năm 2003, Ngụy Vĩnh Khang bị Viện Khoa học Trung Quốc cho nghỉ học với lí do không thể thích nghi được với việc học nghiên cứu sinh.

Nhận được tin từ nhà trường, bà Tăng lập tức đến tìm Vĩnh Khang. Bà dẫn con ra ngoài hành lang tòa nhà rồi hét lên “Nhảy lầu hay đâm vào xe mà chết đi. Con làm mẹ tức chết”, nói rồi bà òa khóc nức nở. Sau buổi hôm đó, bà Tăng bỏ về quê ở Hồ Nam, không liên lạc với con trai.

Sau khi bị trường cho thôi học, Vĩnh Khang không dám về nhà mà đi lang thang khắp 16 tỉnh thành, khi chỉ còn 500 tệ. Đến khi trong túi không còn một đồng, cậu đã nhờ cậy tới cảnh sát để được về nhà. “Chuyên đi của tôi kéo dài 39 ngày. Thời gian này tôi đã phải tự lo cho mình, đó là kinh nghiệm tốt”, Vĩnh Khang nói.

Vì sự bao bọc của mẹ, cuộc đời thần đồng tan nát: Ăn có mẹ đút, tắm có mẹ lo, khát nước có mẹ dâng tận miệng - Ảnh 3.

Thần đồng Ngụy Vĩnh Khang

Thời gian sau đó, Vĩnh Khang cũng thử tìm việc nhưng đều thất bại. Năm 2005, một viện nghiên cứu hàng không vũ trụ biết tới tình cảnh của cựu “thần đồng” đã mời về làm việc, nhưng chỉ thời gian ngắn anh cũng nghỉ việc với lý do “không hợp nhau”. Từ đó anh đi khắp các thành phố lớn để tìm việc, song song với việc theo học thạc sĩ vật lý tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh.

Hiện nay Vĩnh Khang đang làm việc tại một công ty phát triển phần mềm. Anh chỉ là một nhân viên bình thường, công việc cũng đã kéo dài được 4 năm.

Nhìn lại tất cả mọi chuyện, bà Tăng Học Mai rốt cuộc cũng nhìn ra sai lầm của mình trong cách giáo dục con. Bà ước gì khi đó đã cổ vũ thay vì chì chiết con trai mình. “Phương pháp của tôi thực sự quá khắc nghiệt. Tất cả đều là lỗi của tôi”, bà mẹ hối hận cho biết.

“Tôi sợ nhất là có người hỏi tôi: “Con trai cô thế nào rồi?”. Khi ấy, bà sẽ từ chối khéo và tìm lý do rời đi. Bà cũng từ chối sống với Vĩnh Khang để con có thể không gian tự lập.

Năm 2010, Ngụy Vĩnh Khang lập gia đình và sinh con. Rút kinh nghiệm từ chính mình, bà dặn dò con dâu: ‘”Hãy để cho cháu mẹ có một tuổi thơ hạnh phúc. Đừng như bố nó!”