Theo đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, lực lượng chức năng không dễ kiểm soát hàng triệu tội phạm ma túy, nhất là khi tội phạm liên kết thành những đường dây mang tính quốc tế.
“Việt Nam đang phải chịu áp lực tiếp nhận ma tuý từ Tam Giác Vàng, mỗi năm khu vực này sản xuất ra khoảng 250 tấn ma tuý đá, 500 tấn heroin, 3 tỷ viên ma tuý tổng hợp” đó là chia sẻ của Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục Phòng chống ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) trong buổi tọa đàm “Cuộc chiến chống ma túy – Thấy gì từ các vụ án khủng”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.
Vì sao ma túy vào Việt Nam nhiều?
Theo đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, lực lượng chức năng không dễ kiểm soát hàng triệu tội phạm ma túy, nhất là khi tội phạm liên kết thành những đường dây mang tính quốc tế.
Việt Nam có hơn 4.000 km đường biên, hàng chục cửa khẩu, cảng biển, cộng thêm việc nằm gần Tam Giác Vàng. Khi lực lượng chức năng triển khai những giải pháp đánh chặn từ trong và ngoài biên giới khu vực phía bắc mang lại hiệu quả, thì tội phạm bắt đầu chuyển hướng đến khu vực Miền Trung, Tây Nguyên.
Gần đây, chúng lợi dụng đường biển tại Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng để vận chuyển ma túy bằng container số lượng lên tới hàng trăm bánh.
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh.
Ông nói, việc lo ngại lớn nhất là tội phạm sử dụng danh nghĩa các doanh nghiệp uy tín được trao “thẻ xanh” để xuất – nhập hàng cấm được cất giấu trong container. Sau khi đưa ra nước ngoài, vẫn bằng thủ đoạn này, chúng tiếp tục giấu ma túy như cách buôn sừng tê giác, ngà voi.
Đại tá Cảnh đánh giá, việc vận chuyển ma túy qua đường biển dễ thực hiện hơn so với đường hàng không, đường bộ. Vì đường biển đi nhiều nơi nhất, an toàn nhất, xa nhất.
Điển hình như vụ vận 276 kg ma túy trong container hạt nhựa xuất khẩu qua cảng Cát Lái đi Singapore, hay vụ ma túy qua cửa khẩu Cầu Treo đều lợi dụng “luồng xanh” để không bị kiểm tra thực tế.
Các cửa khẩu, cảng biển dù có lực lượng chuyên trách kiểm soát. Tuy nhiên, với phương pháp kiểm tra thủ công như hiện nay, không dễ để kiểm soát ma túy được cất giấu trong container đầy ắp hàng hóa.
Đó là nguyên nhân vì sao, các đường dây buôn ma túy xuyên quốc tế đã chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển.
Vị lãnh đạo Cục phòng chống ma túy – Bộ đội Biên phòng cho rằng, cần sớm sử dụng phương tiện kỹ thuật đại thay thế con người trong việc kiểm tra hàng hóa khi xuất, nhập khẩu.
Đủ hồ sơ chứng minh ma túy được chuyển từ Tam Giác Vàng vào Việt Nam
Còn Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) thông tin, thống kê mỗi năm lực lượng công an khám phá trên 20.000 vụ tội phạm ma túy, với hơn 30.000 đối tượng, có những trại tạm giam, số bị can, phạm nhân phạm tội ma túy chiếm 50 – 60%.
Ở Việt Nam hiện đang có 250.000 đối tượng nghiện ma túy, số liệu này tăng gấp đôi so với 10 năm trước nên nguồn cầu ở trong nước và nước ngoài ngày càng lớn.
Đại tá Vũ Văn Hậu.
Chỉ tính trong khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã bóc gỡ, triệt phá nhiều đường dây tại Miền Trung và TP.HCM với số lượng trên 3 tấn ma túy đá; 1.000 bánh heroin. “Số lượng này lớn chưa từng có tại Việt Nam”, Đại tá Hậu đánh giá.
Ông cho biết, đây đều là những đường dây ma túy quốc tế, cảnh sát cũng có đủ bằng chứng nguồn hàng xuất phát từ khu vực Tam Giác Vàng đưa đến Lào, sau đó vượt biên giới vào Việt Nam tập kết. Một số nhỏ sẽ tiêu thụ trong nước, còn lại phần lớn được đưa sang các như Đài Loan, Philippines, Trung Quốc và vùng lãnh thổ khác trên thế giới tiêu thụ.
Đồng quan điểm với Đai tá Đỗ Ngọc Cảnh, Đại tá Hậu cho rằng, tội phạm ma túy quốc tế chọn Việt Nam vì đường biên giới dài, nhiều cảng biển, giao thông kết nối nhanh với các nước. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ là một “mắt xích nhỏ” trong đường dây buôn ma tuý “cực khủng xuyên thế giới”.