Vì sao cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cùng 2 bị cáo xin khoan hồng cho bị cáo Phạm Nhật Vũ?

Bị cáo Phạm Nhật Vũ. Ảnh: TTXVN.

Trong lời nói sau cùng trước tòa vào sáng nay, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cùng 2 cựu lãnh đạo MobiFone đã xin khoan hồng cho bị cáo Phạm Nhật Vũ.

Sáng 24/12, các bị cáo trong phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng đồng phạm liên quan thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG đã nói lời sau cùng trước khi HĐXX tiến hành nghị án.

Một chi tiết đáng chú ý là trong phần nói lời sau cùng, có 3 bị cáo cùng xin khoan hồng cho bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG.

Trước đó, thẩm phán Trương Việt Toàn cho hay, do sức khỏe yếu, phải nằm viện nên bị cáo Vũ đã có đơn xin vắng mặt tại buổi nói lời sau cùng cũng như buổi tuyên án. Đơn của bị cáo Vũ có xác nhận của phía bệnh viện.

3 bị cáo xin khoan hồng cho bị cáo Phạm Nhật Vũ gồm cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone Phạm Thị Phương Anh còn có bị cáo Hồ Tuấn – cựu thành viên Hội đồng thành viên MobiFone.

Vì sao cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cùng 2 bị cáo xin khoan hồng cho bị cáo Phạm Nhật Vũ? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son.

Cụ thể, cựu Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn cho hay, trước khi vào trại T16, trên các phương tiện thông tin, ông biết, ông Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG góp phần rất tích cực trong việc khắc phục hậu quả của vụ án này, đã nộp lại trên 8.750 tỷ đồng kể cả tiền gốc, lãi, hỗ trợ chi phí thiết bị… cho MobiFone.

Sau khi đọc bản kết luận điều tra, cáo trạng, bị cáo được biết, ông Vũ còn có đóng góp cho Phật giáo.

Đồng thời, ông còn hiểu thêm ông Vũ còn có đóng góp cho ngoại giao nước nhà, duy trì sự phát triển quan hệ của Việt Nam với Nga, Ấn Độ và các nước khác.

Ông Son nêu thêm, theo thỉnh cầu của ông Phạm Nhật Vũ và gia đình, để được giảm án cho ông Vũ, theo ý kiến của luật sư, ông chỉ muốn dẫn lời của Tổng Bí thư về việc này.

“Bị cáo nhớ cuối năm 2018, trước khi họp QH kỳ thứ hai trong năm, Tổng Bí thư có nói trong lần tiếp xúc cử tri về việc khắc phục hậu quả của MobiFone. Tổng Bí thư có nói: “Người ta đã trả rồi thì tha cho người ta”.

Theo ông, như vậy, Tổng bí thư đánh giá hậu quả đã được khắc phục một cách triệt để. Thứ hai, Tổng Bí thư cũng khẳng định trong án kinh tế, việc thu hồi được cho tài sản của nhà nước là quan trọng nhất.

“Cơn bão đi qua ngôi nhà MobiFone, ngôi nhà có thể xiêu vẹo nhưng rất may két sắt vẫn còn. Két tiền của MobiFone vẫn còn, trong đó vai trò của ông Phạm Nhật Vũ rất quan trọng.

Két còn tức là vốn còn. MobiFone còn điều kiện để vượt qua khó khăn này, tôi tin rằng MobiFone sẽ phát triển đi lên. Thứ ba, thông điệp của Tổng bí thư cũng rất nhân văn: “Người ta đã trả rồi thì tha cho người ta”.

Cá nhân tôi thiết tha đề nghị HĐXX có thể khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ”, bị cáo Son đề nghị.

Vì sao cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cùng 2 bị cáo xin khoan hồng cho bị cáo Phạm Nhật Vũ? - Ảnh 3.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son nói lời sau cùng ngày 24/12

Sau ông Son, bị cáo Phạm Thị Phương Anh, cựu Phó TGĐ MobiFone cũng gửi lời cảm ơn ông Phạm Nhật Vũ khi đã tự nguyện chấm dứt hợp đồng, chuyển trả số tiền gần 8.900 tỷ.

Đồng thời, bị cáo Phương Anh cũng xin cảm ơn đại gia đình ông Phạm Nhật Vũ, bởi trong phần xét hỏi, ông Vũ cho rằng, một trong những lý do khắc phục hậu quả là cho những người liên quan được nhẹ tội.

Còn bị cáo Hồ Tuấn, cựu thành viên HĐTV trình bày, giai đoạn ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG cho MobiFone, ông không biết Phạm Nhật Vũ.

Theo bị cáo Tuấn, đến giai đoạn thực hiện hợp đồng và hủy hợp đồng bị cáo mới làm việc với ông chủ AVG.

Bị cáo nhận xét Phạm Nhật Vũ là người trách nhiệm và tín nghĩa, thể hiện rõ nhất trong việc khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo gửi lời cảm ơn tới bị cáo Phạm Nhật Vũ vì bị cáo này vắng mặt tại tòa.

Theo thẩm phán Trương Việt Toàn, do thời gian nghị án kéo dài nên 8h sáng ngày 28/12 tòa sẽ tiến hành tuyên án.

Trước đó, trong phần tranh luận chiều 23/12, luật sư Trần Hoàng Anh (bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ) thông tin, tính đến ngày 31/10/2019, đã có 1.731 chữ ký và đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ tội cho bị cáo Vũ được gửi đến Viện Kiểm sát bởi các cá nhân có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước; hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Vũ.

“Nội dung các đơn này đều khẳng định, trong 20 năm kinh doanh và sinh sống tại Việt Nam, ông Vũ âm thầm làm từ thiện và đã có đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Sau khi vụ án xảy ra, để thu thập các tình tiết giảm nhẹ, gia đình mới đi xin xác nhận giấy tờ từ các nơi được 1.300 tỷ, con số thực tế còn lớn hơn nhiều”, ông Hoàng Anh nói.

Hoàng Đan, theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/vi-sao-cuu-bo-truong-nguyen-bac-son-cung-2-bi-cao-xin-khoan-hong-cho-bi-cao-pham-nhat-vu-820191224142030873.htm