Một cuộc đua mới lên Mặt Trăng đã bắt đầu, nhưng động lực đằng sau lại hoàn toàn khác câu chuyện của nửa thế kỷ trước.
Dường như cả thế giới đều muốn nhanh chóng trở lại Mặt Trăng
Tháng 1/2019, tàu thăm dò Hằng Nga 4 (Trung Quốc) đã tạo kỳ tích khi lần đầu đáp thành công xuống bề mặt miệng núi lửa thuộc nửa tối của Mặt Trăng. Ấn Độ thì vừa tạm hoãn Chandrayaan-2, kế hoạch phóng tên lửa lên Mặt Trăng vài ngày trước do sự cố kỹ thuật, nhưng hứa hẹn sẽ tiếp tục triển khai với kỳ vọng sẽ là con tàu đầu tiên chạm xuống cực Nam của thiên thể này. Ngay cả một công ty tư nhân ở Israel là SpaceIL cũng đã cố gắng đưa một tàu đổ bộ không người lái đến Mặt Trăng trong năm nay, rất tiếc con tàu này đã gặp trục trặc trước khi hoàn thành sứ mệnh của mình.
Tàu thám hiểm Chandrayaan-2 của Ấn Độ.
Trung Quốc muốn đưa phi hành gia đầu tiên đến Mặt Trăng trong vòng 25 năm tới. Cơ quan Vũ trụ châu Âu đưa ra ý tưởng về một “ngôi làng quốc tế trên Mặt Trăng” sẽ được xây dựng vào năm 2050. Nga cũng nói về những kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng trước 2030, mặc cho nhiều người nghi ngờ về khả năng tài chính của quốc gia này. Ngay cả NASA cũng bất ngờ đẩy nhanh mục tiêu đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng trước năm 2024, sớm hơn 4 năm so với kế hoạch trước đó. Một loạt công ty đã xếp hàng với hi vọng ký được hợp đồng với NASA để đưa các thí nghiệm và dụng cụ lên Mặt Trăng. Blue Origin, công ty tên lửa do ông chủ Amazon, Jeff Bezos, đang chế tạo một tàu đổ bộ lớn với hi vọng sẽ được NASA mua để chở người và hàng hóa đến Mặt Trăng.
Mô hình tàu đổ bộ Blue Moon của Blue Origin.
Nhiều mục tiêu mới, nhưng có cùng một đích đến là Mặt Trăng
Kể từ sau Apollo 17 (1972), chẳng còn mấy ai nghĩ nhiều về Mặt Trăng. Liên bang Xô Viết từng đưa thêm một số tàu vũ trụ tự hành đến Mặt Trăng nhưng cũng nhanh chóng mất hứng thú. NASA chuyển hướng chế tạo tàu con thoi và xây dựng Trạm Không gian Quốc tế. Những robot thám hiểm của NASA đã tiến xa hơn khi khám phá Sao Hỏa, các vành đai tiểu hành tinh và những thế giới bên ngoài hệ Mặt Trời.
Thế nhưng, mối quan tâm dành cho Mặt Trăng đã được khơi gợi lại vào năm 2008, khi tàu thám hiểm quỹ đạo Lunar Prospector của NASA phát hiện ra hydro – một trong những thành phần của nước – trên bề mặt thiên thế này. Với việc tìm ra nguồn nước, đặc biệt là tầng băng sâu bên dưới những miệng núi lửa ở vùng tối, bản thân Mặt Trăng hay một trạm tiếp nhiên liệu trên quỹ đạo Mặt Trăng có thể trở thành một trạm dừng cho tàu vũ trụ trước khi tiến ra ngoài hệ Mặt Trời. “Nếu có thể, Gateway (một tiền đồn trên quỹ đạo của Mặt Trăng) sẽ trở thành một trạm nhiên liệu”, Giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết.
Hệ thống phóng tên lửa không gian của NASA sẽ đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng và xa hơn nữa.
NASA đặt tên sứ mệnh Mặt Trăng mới là Artemis (chị gái của Apollo trong thần thoại Hy Lạp). Theo lộ trình mới nhất, một tàu vũ trụ không người lái loại lớn sẽ được phóng vào cuối năm 2020 (hoặc 2021). Chuyến bay thứ hai vào năm 2022 sẽ đưa phi hành đoàn sẽ bay vòng quanh Mặt Trăng chứ không hạ cánh. Đến năm 2024, chuyến bay thứ ba sẽ đưa người đến Gateway, từ đó đưa một tàu vũ trụ hạ cánh trên bề mặt (đâu đó gần cực Nam) của Mặt Trăng. Theo một số quan chức khác của NASA, Giám đốc Bridenstine đã nhiều lần nói rằng Artemis sẽ đưa “người phụ nữ đầu tiên và người đàn ông tiếp theo” đến Mặt Trăng.
Bridenstine cho biết thêm, một trong những lý do thúc đẩy người Mỹ muốn nhanh chóng trở lại Mặt Trăng là để hạn chế sự thay đổi của các chính trị gia khi mà các sứ mệnh vũ trụ của NASA liên tục bị thay đổi qua các đời Tổng thống.
Việc khám phá ra nguồn nước trên Mặt Trăng đã khơi lại mối quan tâm dành cho thiên thể này.
Tiềm lực kinh doanh từ Mặt Trăng
Trong khi chính quyền liên tục thay đổi, các doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm những dự án kinh doanh khả dĩ. Năm 2007, Quỹ X Prize công bố một giải thưởng lớn trị giá 20 triệu USD, do Google tài trợ, sẽ trao cho tổ chức tư nhân đầu tiên có thể đưa tàu đổ bộ tự hành lên Mặt Trăng. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn về chi phí và kỹ thuật, Google Lunar X Prize vẫn không thể tìm được người chiến thắng ngay cả khi gia hạn nhiều lần. Giải thưởng này đã hết hạn vào năm 2018.
Mặt Trăng cũng được cho là một mỏ helium-3, nhiên liệu đặc biệt lý tưởng cho các lò phản ứng nhiệt hạch trong tương lai, dù thực tế các các lò phản ứng vẫn chưa hoàn thiện. Các công ty cũng có thể đưa tro cốt người đã khuất lên Mặt Trăng để tưởng niệm. Một số công ty tư nhân còn có thể vận chuyển hàng hóa phục vụ nghiên cứu khoa học.
Công ty Astrobotic (Pittsburgh) từng là một trong những đội thi tại Google Lunar X Prize. Dù biết không thể hoàn thành kịp thời hạn, công ty này vẫn tiếp tục phát triển các ý tưởng về việc vận chuyển hàng hóa lên Mặt Trăng. Kết quả là Astrobotic đã bán được một nửa trọng tải trên chuyến tàu đầu tiên, dự kiến phóng ra vũ trụ năm 2021. Sau đó, vào tháng 5 vừa qua, NASA công bố sẽ mua hết phần tải trọng còn lại. John Thornton, Giám đốc điều hành của Astrobotic, dự đoán khoảng giữa thập kỷ sau, dịch vụ vận tải vũ trụ sẽ là một mảng kinh doanh không lớn nhưng ổn định, với vài nhiệm vụ mỗi năm. “So với những gì chúng ta đang có ở đây, đó sẽ là một bước tiến vượt bậc”, Thornton khẳng định.
Lỗi không thuộc về các vì sao
Những cố gắng của NASA trong việc trở lại Mặt Trăng trước năm 2024 còn phụ thuộc vào chuyện Quốc hội có chi tiền hay không. NASA đã đề nghị chi thêm 1,6 tỷ USD cho năm tài khóa 2020. Giám đốc Bridenstine cũng từng nói rằng chi phí có thể dao động từ 20 đến 30 tỷ USD. Tuy nhiên, cũng chính ông là người cho biết con số có thể sẽ ít hơn 20 tỷ vì nhiều đối tác thương mại của NASA sẵn sàng bỏ tiền vào kế hoạch này.
Ông cũng cho biết thêm, sứ mệnh Mặt Trăng mới muốn thành công cần có sự ủng hộ từ cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, cũng theo ông, mục tiêu của NASA là đảm bảo rằng họ đang có một danh mục đầu tư rất cân bằng và “sẽ không dẫm lên bất kỳ giới hạn chính trị nào như đã từng. Đây nên là một vấn đề phi đảng phái và phi chính trị”. Đó có thể là một nhiệm vụ khó khăn dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Một số ít thành viên Quốc hội đã thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình; một số khác, nhất là Đảng Dân chủ tại Hạ viện, lại tỏ ra hoài nghi.
Tháng 6/2019, Tổng thống Donald Trump đã phát ngôn trên mạng xã hội Twitter về việc NASA không nên chỉ nói về du hành Mặt Trăng. “Với số tiền chúng ta đã bỏ ra, NASA KHÔNG NÊN chỉ nói về việc lên Mặt Trăng – Chúng ta đã làm chuyện đó 50 năm trước rồi. Họ nên tập trung vào những thứ lớn lao hơn mà chúng ta đang làm, như là Sao Hỏa (Mặt Trăng chỉ là một phần trong đó thôi), Quốc phòng và Khoa học!”
Sau lần đó, Giám đốc Bridenstine nói nhiều hơn về Sao Hỏa và nhấn mạnh việc lên Mặt Trăng sẽ chuẩn bị cho những chuyến đi xa hơn của NASA như thế nào. Ông nói: “Tôi đã nói chuyện trực tiếp với Tổng thống và làm rõ nhiều vấn đề. Tổng thống muốn chúng tôi nói về việc du hành Sao Hỏa, tất nhiên đó là mục tiêu. Và ông hiểu chúng tôi cần đến được Mặt Trăng để chạm tới Sao Hỏa. Nhưng chắc chắn ông muốn chúng tôi nói về Sao Hỏa, vì đó mới là thứ thu hút trí tưởng tượng của người Mỹ và cả thế giới”.
Tham khảo NYTimes