Vì sao bây giờ smartphone cứ phải sạc nhanh mới là “ngon” và hãng nào đang dẫn đầu đường đua?

Cuộc sống hiện đại khiến người ta muốn pin “trâu” hơn và không tốn nhiều thời gian để sạc pin. Thế nhưng vẫn còn 1 vài lí do khác khiến các hãng công nghệ “chạy đua vũ trang” về sạc nhanh.

Hỏi thật bạn có bao giờ mua điện thoại mà để ý xem nó sạc nhanh hay chậm không? Nhiều người chỉ quan tâm đến thiết kế, màn hình, cấu hình, cùng lắm là dung lượng pin thôi. Tuy nhiên, khi đem về dùng và nhìn thấy chiếc điện thoại sạc một cách ì ạch, chúng ta lại nổi điên lên.

Nếu đã rơi vào trường hợp trên, mời bạn cùng tìm hiểu về công nghệ sạc nhanh đang được bàn tán khá nhiều dạo gần đây.

Vì sao bây giờ smartphone phải sạc nhanh mới gọi là “ngon”?

Vì sao bây giờ smartphone cứ phải sạc nhanh mới là ngon và hãng nào đang dẫn đầu đường đua? - Ảnh 1.

Một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu trên smartphone hiện nay chính là dung lượng pin và thời gian sạc. Một số hãng còn lấy công nghệ sạc nhanh của mình ra làm lợi thế quảng cáo.

Dĩ nhiên cuộc sống càng hiện đại thì người ta càng… đòi hỏi! Ai mà chẳng muốn có 1 chiếc smartphone pin “trâu bò”, đồng thời sạc nhanh hơn, chứ chẳng lẽ mỗi lần ra đường lại xách theo pin dự phòng rồi dây sạc lòng thòng?

Và thế là bộ sạc đã biến thành nguồn sống của hệ sinh thái đồ điện tử. Nhưng vẫn còn 1 vài lí do khiến các hãng công nghệ “chạy đua vũ trang” về sạc nhanh.

Thiết kế smartphone ngày càng mỏng, phẳng như người mẫu high-fashion. Điều đó khiến nhà sản xuất không thể trang bị 1 cục pin to vật vã cho máy. Trong khi đó, cấu hình máy ngày càng mạnh để đáp ứng nhu cầu của người dùng, việc sử dụng tiết kiệm pin là bất khả thi. Công nghệ pin thì nhiều năm qua vẫn không có bước đột phá.

Nhìn đi nhìn lại, các hãng sản xuất chỉ thấy 1 ánh sáng cuối đường hầm – chính là cải thiện khả năng sạc pin cho nhanh nhẹn hơn.

Vì sao bây giờ smartphone cứ phải sạc nhanh mới là ngon và hãng nào đang dẫn đầu đường đua? - Ảnh 2.

Muốn sạc nhanh, phải tăng điện áp hoặc cường độ dòng điện lên!

Nhưng làm sao để tăng tốc sạc? Về bản chất, sạc là quá trình làm đầy năng lượng của pin. Sự thay đổi năng lượng (đơn vị Watt) tính bằng điện áp (Volt, viết tắt V) nhân với cường độ dòng điện (Ampe, viết tắt A). Nghĩa là hãy tăng điện áp hoặc cường độ dòng điện lên!

Để dễ hiểu hơn, hãy tưởng tượng smartphone như 1 đứa trẻ cần được ăn no. Đầu tiên, bạn phải chuẩn bị đủ lượng tinh bột (như điện áp), sau đó rảo cái tay lên mà đút (tương tự như cường độ dòng điện).

Nhưng em bé thì biếng ăn. Và pin của smartphone cũng vậy, năng lượng điện ứ hự nhưng pin không thể “ăn uống” hết thì cũng bằng thừa! Ví dụ cục sạc có thể truyền được 20W, nhưng điện thoại chỉ tiếp nhận hết cỡ được 15W, thì tốc độ sạc điện thoại cũng chỉ tương đương mức 15W mà thôi.

Vì sao bây giờ smartphone cứ phải sạc nhanh mới là ngon và hãng nào đang dẫn đầu đường đua? - Ảnh 3.

Năng lượng điện ứ hự nhưng pin không thể “ăn uống” hết thì cũng bằng thừa!

Tình thế này rất không ổn. Tăng điện áp và cường độ theo cách “cố đấm ăn xôi” như vậy sẽ khiến pin nóng, nhanh hỏng.

Vậy phải làm sao? Câu trả lời vẫn là tăng điện áp V hoặc tăng cường độ dòng điện A. Nhưng cùng lúc đó, phải nâng cấp smartphone sao cho nó nhận được các “mức tăng” nói trên và nhờ vậy sẽ mau đầy pin.

Mức “nhận V và A” trên các smartphone thông thường là 5V/2.1 A. Còn làm sao đế “ép” nó nhận nhiều hơn – quá trình đó gọi chung là công nghệ sạc nhanh, còn cụ thể thì mỗi hãng smartphone lại “vẽ” ra hàng tá tên gọi kiêu kì và sang chảnh sau đây.

Có những loại sạc nhanh nào và ai nhanh hơn, ai thắng cuộc hôm nay?

Dưới đây là công nghệ sạc nhanh do nhiều hãng công nghệ nghiên cứu và cung cấp độc quyền cho smartphone của mình. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có chỗ đứng vững chắc cho các bên thứ ba (tức là bộ sạc nhanh của họ dùng được cho nhiều thương hiệu smartphone khác nhau).

Qualcomm Quick Charge

Vì sao bây giờ smartphone cứ phải sạc nhanh mới là ngon và hãng nào đang dẫn đầu đường đua? - Ảnh 4.

Qualcomm là công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ. Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của họ là công nghệ Quick Charge – sạc nhanh. Đây chính là “bên thứ ba” mà chúng ta đã nhắc tới, nghĩa là họ chủ yếu bán bộ sạc nhanh chứ không bán smartphone.

Chuẩn Qualcomm phổ biến nhất hiện nay là 2.0 hoặc 3.0, nhưng sắp tới sẽ có phiên bản 4+.Đáng lưu ý là củ sạc và dây cáp của Qualcomm có thể tương thích với phiên bản cũ hơn của nó, ví dụ củ sạc 3.0 nhưng dây cáp 2.0 vẫn dùng được vô tư.

Qualcomm Quick Charge dùng được cho nhiều thiết bị có chip Qualcomm Snapdragon gồm một số dòng máy của HTC, Sony, Samsung, LG, Nokia, Asus; xem thêm tại đây.

MediaTek Pump Express

MediaTek cũng là một bên thứ ba, được mệnh danh là “Qualcomm phương Đông” vì là hãng chip Đài Loan. Công nghệ sạc nhanh Pump Express của MediaTek có thể dùng được cho nhiều thiết bị gắn chip Helio P60 như một vài dòng của Oppo, Vivo, Panasonic, Realme; xem thêm tại đây.

USB Power Delivery

Cũng là bên thứ ba, viết tắt là USB-PD. Công nghệ sạc nhanh này dùng được cho nhiều thiết bị điện tử chứ không riêng gì smartphone hay máy tính bảng.

Tuy nhiên, thiết bị muốn dùng công nghệ sạc nhanh USB -PD thì phải có cổng USB Type C (đọc thêm bài viết giải ngố về cổng USB-C kết nối tất cả trong một). Cổng USB này nhỏ gọn, hỗ trợ truyền tải cả hình ảnh và truyền được công suất điện lớn hơn.

USB-PD là loại sạc nhanh chính thức mà Google chọn dùng cho dòng máy Pixel. Trên Apple, có thể dùng USB-PD cho iPhone 8, iPhone X trở lên và các dòng MacBook mới. Check xem điện thoại của bạn có cổng USB-C hay không tại đây.

Samsung Adaptive Fast Charging

Là công nghệ sạc nhanh của Samsung nhưng gần đây không quá phổ biến như dạo trước. Một số chiếc Samsung như Galaxy Note 8 có thể được sạc bằng cả Qualcomm hay Adaptive Fast Charging của “mẹ” Samsung đều được.

Oppo Super VOOC Flash Charge

Vì sao bây giờ smartphone cứ phải sạc nhanh mới là ngon và hãng nào đang dẫn đầu đường đua? - Ảnh 5.

Cần phải nói kĩ chút về VOOC của Oppo, vì nó chính là công nghệ sạc nhanh tốt nhất hiện nay. Điểm đặc biệt là máy Oppo được mở rộng đường tiếp nhận năng lượng pin, nên có thể dùng củ sạc có cường độ cao vào mức 4A so với thông thường chỉ có 2.1A.

Oppo đảm bảo công nghệ VOOC sạc nhanh mà không nóng máy, bí quyết là do sạc bình thường chỉ có 1 đường vào còn VOOC chia năng lượng ra làm nhiều đường sạc song song.

Dù ra mắt sớm từ 2016 sau đó bị các hãng khác lấn lướt, nhưng đến giờ Super VOOC của Oppo đã trở lại dẫn đầu công nghệ sạc nhanh. Hãng khẳng định có thể sạc đầy chiếc Find X từ 0 lên 100% chỉ trong 35 phút!

Hơn nữa nó cũng rất an toàn và người dùng có thể vừa sạc vừa chơi game hay xem video. Khi đó, VOOC dĩ nhiên sẽ phải hạ tốc độ sạc để tránh làm nóng máy nhưng vẫn trong mức chấp nhận được, chứ không phải chậm rì rì như các loại sạc thông thường.

Tin hơi kém vui là Super VOOC chỉ có sẵn trong một số ít các điện thoại Oppo vào thời điểm hiện tại, bao gồm R17 Pro cũng như Find X Lamborghini “đắt xắt ra miếng”. Với các Oppo khác, người dùng phải mua bộ sạc riêng tầm hơn 1,3 triệu đồng.

OnePlus Dash Charging

Vì sao bây giờ smartphone cứ phải sạc nhanh mới là ngon và hãng nào đang dẫn đầu đường đua? - Ảnh 6.

OnePlus có trụ sở ở Thâm Quyến, Trung Quốc, thành lập vào tháng 9/2013 bởi Pete Lau – cựu Giám đốc của Oppo. Hãng có sản phẩm smartphone OnePlus One mà ngay khi ra mắt đã xuất hiện ở 16 quốc gia.

Thực ra công nghệ Dash Charging của OnePlus về bản chất không khác gì VOOC vì nó mua bản quyền từ Oppo mà. Tuy nhiên công nghệ này cũng chỉ dành riêng cho máy OnePlus.

Huawei SuperCharge

So kè quyết liệt với công nghệ VOOC của OPPO là SuperCharge của Huawei. Củ sạc có cường độ lên tới 4.5A, có thể tương thích với cả Qualcom Quick Charge. Công nghệ SuperCharge của Huawei là công nghệ sạc nhanh đầu tiên trên thế giới được chứng nhận an toàn bởi công ty TUV Rheinland (Đức). Nó được đính kèm với các sản phẩm như Huawei P20 Pro, Honor 10, Honor View 10.

Apple Fast Charge

Vì sao bây giờ smartphone cứ phải sạc nhanh mới là ngon và hãng nào đang dẫn đầu đường đua? - Ảnh 7.

Dựa trên công nghệ của USB-PD (vì thế Apple luôn mang tiếng chậm chân trong lĩnh vực sạc nhanh). Apple Fast Charge phải mua riêng chứ không kèm “combo” với các iPhone. Có thể dùng để sạc cho iPhone X, 8, 8+ và các mẫu iPhone 2018. Đối với iPad và Macbook thì phải mua bộ sạc Fast Charge mạnh mẽ hơn.

Vậy trong số các loại công nghệ sạc nhanh nói trên, cái nào nhanh nhất?

Hãy xem 2 bảng so sánh dưới đây tổng hợp từ Irish Tech News, Phone Arena, Wccftech,…

Đầu tiên là thời gian sạc từ 0% pin lên 100%. Đơn vị đo: phút, thời gian càng ít càng tốt.

Dẫn đầu là công nghệ Super VOOC của Oppo, bỏ xa vị trí thứ hai của Huawei Super Charge và thứ ba của OnePlus Dash Charging.

Vì sao bây giờ smartphone cứ phải sạc nhanh mới là ngon và hãng nào đang dẫn đầu đường đua? - Ảnh 8.

Tiếp theo và quan trọng nhất, dưới đây là tốc độ thực tế để biết được hãng nào sở hữu công nghệ sạc nhanh nhất, đơn vị đo mAh/phút, càng lớn thì càng tốt. Nghĩa là trong vòng 1 phút, bên nào nạp được càng nhiều năng lượng (mAh) sẽ là kẻ chiến thắng chung cuộc!

Dẫn đầu chắc chắn vẫn là công nghệ Super VOOC của Oppo, vị trí thứ 2 và thứ 3 cũng không thay đổi, lần lượt thuộc về Huawei và OnePlus. Riêng Apple thì đội sổ!

Vì sao bây giờ smartphone cứ phải sạc nhanh mới là ngon và hãng nào đang dẫn đầu đường đua? - Ảnh 9.
Vì sao bây giờ smartphone cứ phải sạc nhanh mới là ngon và hãng nào đang dẫn đầu đường đua? - Ảnh 10.

VOOC của Oppo được cho là “vô đối” hiện giờ khi nói về sạc nhanh

Kết quả phân thắng bại đã có, nhưng đâu mới là bộ sạc nhanh bạn nên chọn cho mình?

Thứ nhất, lưu ý là việc sạc nhanh sẽ giới hạn pin xuống 3-4 năm thay vì 5-6 năm thông thường. Bởi vì bạn sạc nhanh, bạn xài nhiều thì pin cũng ra đi sớm thôi. Nhưng dù sao, bây giờ người ta cũng thay điện thoại như thay áo, tôi không tin bạn xài 1 chiếc smartphone quá 4 năm đâu đấy.

Thứ hai, nếu đang sử dụng hãng smartphone nào thì tốt nhất là dùng bộ sạc nhanh của chính hãng đó. Điều này giúp hạn chế việc không tương thích và không sạc được.

Vì sao bây giờ smartphone cứ phải sạc nhanh mới là ngon và hãng nào đang dẫn đầu đường đua? - Ảnh 11.

Nếu hãng smartphone bạn đang dùng không phát triển công nghệ sạc nhanh, hãy ngó nghiêng đến Qualcomm, Pump Express và USB-PD. Một lần nữa, điện thoại của bạn có khả năng chỉ tương thích với 1 hay 2 trong 3 loại sạc nhanh này thôi. Nhìn chung, Qualcomm là phổ biến nhất còn USB-PD là sạc kém nhanh nhất, nhưng nó lại dùng được cho nhiều thiết bị khác nhau chứ không chỉ smartphone và máy tính bảng.

Nếu có cao kiến gì về sạc nhanh thì hãy để lại bình luận bên dưới nhé! Dự là trong thời gian tới, công nghệ sạc nhanh sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta cùng rửa mắt đón xem cuộc đua của các ông lớn công nghệ đi nào.