Với bản thân các ông bố bà mẹ có con thuộc cộng đồng LGBT+, việc chấp nhận con mình đã là một điều khó, chưa nói tới thái độ và cái nhìn khinh miệt từ những người xung quanh.
Câu chuyện về cộng đồng LGBT+ từ trước tới nay phần nhiều vẫn xoay quanh bản thân những người đồng tính, chuyển giới. Độc giả dành những sự cảm thông sâu sắc dành cho số phận người đồng tính khi họ phải chịu đựng những bất công, sự kỳ thị, phân biệt đối xử trực tiếp hay không trực tiếp từ mọi người xung quanh. Bức tranh xã hội đã thoáng và cởi mở hơn nhưng vẫn thoáng nỗi buồn trong cuộc đời nhiều người.
Ở một bức tranh khác – bức tranh lờ mờ hơn nằm nơi cuối căn phòng cuộc đời là câu chuyện của những ông bố bà mẹ có con là người đồng tính. Trên trang Fanpage “Mắt không màu” gần đây có đăng tải một câu chuyện với những tâm sự, chia sẻ của một người mẹ có con là người đồng tính.
VÌ MÌNH KHÔNG BIẾT DẠY NÊN CON MỚI “BÊ ĐÊ”?
“Khi con mình học lớp 10, trông con có vẻ “yểu điệu” nên xung quanh bắt đầu đàm tiếu, bảo mình coi chừng nó “bê đê”. Đã thế mình còn buôn bán, người ta đến mua hàng lại chọc con mình, lại cạnh khóe mình. Nghe xong mình giận ghê lắm vì cho nó ăn học mà lại đi đàn đúm bắt chước thứ gì đâu. Thành ra về nhà mình lại chửi con, bao nỗi đau mình đều trút lên đầu con.
Gia đình bảo phải cách ly con với bạn bè, bạn thân bảo “mày có thằng con mà không biết dạy, giờ chỉ tống nó đi nghĩa vụ hay đi nước ngoài mới hết”. Đến cả ông xã cũ cũng đổ tội lên mình: “Tại bà mà con mình thành bệnh như vậy”. Ôi, thì ra lỗi ở mình cả, vậy mà mấy bữa toàn đàn áp con. Vừa buồn vừa khổ vừa xấu hổ mà không chia sẻ với ai được, mình vẫn tiếp tục trút lên con sự cấm đoán và áp lực.
Thế rồi mình phát hiện con mình muốn tự tử.
Thảng thốt không để đâu cho hết. Đứa con gái ở xa, nhà còn mỗi hai mẹ con mà giờ con trai cũng muốn bỏ mình đi. Quá bấn loạn vì sợ mất con, mình mới đi đọc báo về cộng đồng LGBT, rồi còn tham dự hội thảo “Giúp con sống thật” của báo Phụ nữ. Ban đầu chỉ dám nép trong góc khuất, đến hội thảo rồi còn muốn bỏ về, nhưng lúc định về lại nghĩ “mình đi mười mấy cây số tìm thuốc chữa cho con, giờ về thì sao cứu được con”. Thế là mình ở lại. Ngồi nghe các bạn trong cộng đồng kể rằng nhiều bạn học giỏi, đẹp trai và sống tốt lắm, mình mới vỡ ra là “bê đê” không xấu như mình nghĩ. Cha mẹ chỉ buồn lúc chưa hiểu thôi, chứ khi biết con mình rất giỏi, rất có hiếu và “đồng tính là tự nhiên” thì họ không để ai dè bỉu con cả. Về sau mình bạo dạn hơn, không ngại nói ra con mình là LGBT nữa, mình còn tham dự PFLAG vận động cho cộng đồng. Từ ấy mình và con lại được kết nối, con còn khoe với bạn bè là tự hào về mình lắm.
Thật ra, các bạn LGBT khổ một thì cha mẹ các bạn khổ mười. Có người còn nghĩ do mình làm điều ác nên con mới “bê đê”, cảm giác có lỗi khiến họ dằn vặt dữ dội. Mà nhiều ông bố không nhận con, người mẹ lại khổ nhất và chịu áp lực nặng nề nhất, đi đâu cũng bị dòng họ chê cười. Muốn cha mẹ hiểu thì các bạn hãy chia sẻ hoặc cung cấp kiến thức cho cha mẹ, khiến họ tin mình và đồng hành cùng mình nhé.”
Tôi nhớ lần đầu khi mẹ phát hiện ra mình là đồng tính, tin nhắn đầu tiên của mẹ gửi tới có nội dung: “Mẹ đã làm gì sai để giờ đây con trở nên như thế này”. Trong mắt những người mẹ, nếu đứa con của họ đồng tính, bố mẹ đã sai lầm gì khi sinh con ra, đã ăn phải thứ gì đó không tốt khi mang bầu? Đã để cho con chơi với bạn xấu hay không dạy con từ nhỏ? Mẹ tôi cũng như nhiều bà mẹ khác vẫn mang nỗi dằn vặt về bản thân rằng họ là một trong những nguyên nhân khiến con đồng tính.
“Tao cho mày ăn học như thế nào, có thua kém gì bạn bè đâu mà mày đồng tính” – khi mất bình tĩnh, mẹ sẽ nói như vậy. Rồi mẹ lại tự hỏi có bác sĩ nào giỏi không để đưa tôi đi khám. Khi “căn bệnh đồng tính” không suy chuyển, những người như mẹ lại buồn bã rất nhiều. Tôi không biết từ ngày mình come-out, đã có bao nhiêu lần tôi khóc sụt sùi hay chán nản muốn tự tử nhưng số đêm tôi thấy mẹ khóc, nhiều lắm kể không xuể. Cũng như bà mẹ trong câu chuyện kia, mọi thứ diễn ra như một vòng luẩn quẩn, mẹ càng buồn càng giận, càng cố gắng để “giúp tôi chữa bệnh”, rồi lại càng sầu hơn khi mọi thứ không đi tới đâu.
Chúng ta nói nhiều về câu chuyện nỗi buồn của những người LGBT+ nhưng bỏ quên nỗi buồn của những người làm cha làm mẹ. Phải thẳng thắn nhìn nhận, bạn không thể bắt cha mẹ phải tự hào khi con là người đồng tính: Nỗi buồn là có thật, sự thất vọng là có thật và nhiều khi, họ cũng muốn chọn cách tiêu cực để quên đi những điều đang diễn ra. Không như những người ngoài, nỗi đau của bố mẹ chấp chới giữa niềm thương con và sự chối bỏ hiện thực.
Khi tham gia một chương trình chia sẻ về câu chuyện xu hướng tính dục và giới tính trong trường học, một người mẹ đã chia sẻ khi được hỏi “Nếu một ngày chị biết con mình là người đồng tính thì sao?”. Dù là một thành viên nhiệt tình với khóa học, hiểu biết và có kiến thức, chị vẫn trùng xuống và nhìn ra cửa sổ: “Chắc là sẽ rất buồn và thương con”.
Khi Nam bạn tôi công khai mình là người đồng tính, tôi hỏi nó có điều gì làm nó thấy tiếc nuối không? Đáng nhẽ ra phải vui, hào hứng để bù cho những ngày cũ chứ? Nhưng nó chỉ nói: “Tao buồn khi thấy mẹ tao buồn”. Đấy là điều làm nó đau đáu nhất trong suốt bao năm, dù hiện tại mẹ Nam cũng đã nguôi ngoai phần nào.
Có lẽ, phải nghe những lời ác ý gièm pha của người ngoài xã hội nhắm vào gia đình nếu bạn là người LGBT+, bạn mới hiểu được phần nào cái sự khổ tâm của bố mẹ. Nam kể rằng người ta tuy không nói mẹ Nam “không biết dạy con nên mới bê đê” nhưng đi qua hàng xóm người ta cười cợt, các bà cô trong xóm cũng lảng đi không nói chuyện. Nam nhớ có một lần đèo mẹ đi chợ, có ai đó chỉ chỏ: “Khiếp mẹ con nhà bê đê mà cũng ra khỏi nhà”. Mẹ nó buồn một tuần trời.
Bản thân những phụ huynh có con đồng tính đã mang nỗi dằn vặt về bản thân. Áp lực đè nặng lên vai họ hơn khi phải chịu những điều tiếng từ cộng đồng và mọi người xung quanh. Đôi khi, kể cả người thân cũng không hiểu và chì chiết, trách mắng, như trong câu chuyện phía trên “Gia đình bảo phải cách ly con với bạn bè, bạn thân bảo “mày có thằng con mà không biết dạy, giờ chỉ tống nó đi nghĩa vụ hay đi nước ngoài mới hết”. Đến cả ông xã cũ cũng đổ tội lên mình: “Tại bà mà con mình thành bệnh như vậy”. Chính những phụ huynh có con là người LGBT+ lại trở thành nạn nhân của những trò kì thị tại cơ quan hay nơi ở; sự căng thẳng áp lực của họ đôi khi còn nhiều hơn các con mình. Tuy chưa có khảo sát chính thức về tình trạng kỳ thị dành cho cha mẹ của những người LGBT nhưng nhiều người chia sẻ về các câu chuyện đã từng gặp khi cộng đồng xung quanh biết họ là cha mẹ của những đứa con LGBT.
Điều khó khăn của một người cha mẹ có con LGBT+ không chỉ nằm ở việc chấp nhận đứa con, họ còn cần phải chấp nhận chính mình là cha mẹ của một người đồng tính hay chuyển giới. Và khó khăn hơn cả là việc những đứa con LGBT+ biết chấp nhận nỗi buồn của cha mẹ mình. Bạn cần bố mẹ tôn trọng và chấp nhận, vậy hãy cho họ chút thời gian để thực sự có thể hiểu và nhìn nhận mọi điều rõ ràng hơn.
Đã từng có lúc, tôi nghĩ rằng nỗi buồn của mình là “buồn nhất quả đất”. Không có gì chán chường và tuyệt vọng hơn khi không được mọi người đón nhận. Nhưng giữa vô vàn sự chối bỏ ấy, tôi vẫn chấp nhận bản thân mình, đôi khi với niềm tự hào hoặc ít nhất là sự chấp nhận. Còn mẹ tôi thì sao? Bà không chấp nhận mình là một người mẹ của đứa con đồng tính, những người xung quanh cũng nhìn nhận bà như một người phụ nữ “thất bại”: Con đồng tính, tuổi già lủi thủi không có cháu, bà mẹ “không biết dạy con”…
Nghĩ đến đó thôi cũng đủ trào nước mắt.
“Vì mình không biết dạy nên con mới bê đê” – nghe mới nhói lòng làm sao.