Không sử dụng công nghệ hiện đại nổi tiếng nhưng Alibaba đã thay đổi toàn bộ tình trạng chen chúc ở bệnh viện Trung Quốc.
Tại Hàng Châu, quê hương của công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc – Alibaba, có một điều bất ngờ đã diễn ra tại Bệnh viện Nhân dân Dư Hàng. Hàng dài bệnh nhân chờ đợi để được thăm khám giờ đây đã không còn, dù vốn là hình ảnh rất quen thuộc của hệ thống chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tại Trung Quốc. Ngay cả quầy thanh toán cũng lác đác vài người chờ đến lượt.
Bệnh viện này đã giải quyết vấn đề trên bằng cách áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho tất cả mọi thứ, từ việc đặt lịch với bác sĩ cho tới bước thanh toán dịch vụ. Sự thay đổi đó cho thấy dịch vụ thanh toán qua điện thoại tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc như thế nào. Theo một nghiên cứu của khu vực tư nhân, tổng giá trị giao dịch hàng năm qua ứng dụng thanh toán điện thoại tại đại lục đã đạt 178 nghìn tỷ NDT (25,1 nghìn tỷ NDT), được áp dụng rộng rãi từ việc trả tiền cho các món ăn ở quầy hàng thực phẩm ven đường, cho tới việc mua xe hay chi trả dịch vụ y tế.
Mỗi nền tảng thanh toán của Alibaba và công ty đối thủ Tencent đều có khoảng 1 tỷ người dùng, chiếm 90% tổng số giao dịch trên điện thoại di động. Theo đó, họ đã thúc đẩy xu hướng không sử dụng tiền mặt và vô số hoạt động kinh doanh dựa trên cơ sở hạ tầng tài chính mới này.
Hệ thống nhận dạng khuôn mặt của bệnh viện ở Dư Hàng là một nhánh của Alipay. Kết hợp việc sử dụng thẻ bảo hiểm, thanh toán qua smartphone và dữ liệu khuôn mặt cho phép bệnh nhân đặt lịch hẹn chỉ trong 30 giây qua điện thoại. Dịch vụ này cũng cài đặt một camera để xác thực khuôn mặt trong mỗi phòng khám và gần như tự động lưu trữ kết quả chẩn đoán, xử lý thanh toán qua Alipay. Sau đó, bệnh nhân có thể rời bệnh viện khi đã nhận thuốc tại quầy thuốc.
Dịch vụ này không sử dụng những công nghệ hiện đại nổi tiếng, mà chỉ dùng hệ thống xác thực khuôn mặt để nhận dạng từng bệnh nhân và kết nối bệnh viện đó với Alipay để liên kết những giao dịch tài chính với các ngân hàng. Tuy nhiên, Alibaba đã thay đổi toàn bộ “cảnh tượng” đông đúc ở các bệnh viện Trung Quốc, khi việc đi khám bệnh rất vất vả, các bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt. Ngoài thu thập dữ liệu y tế, công ty cũng nhắm đến việc mở cửa một hoạt động kinh doanh mới về việc tự động chẩn đoán bằng AI.
Hàng trăm nghìn việc làm được tạo ra nhờ sự phát triển của công nghệ
Kang Xiaohui, một shipper 28 tuổi của Ele.me làm việc tại Thượng Hải, kiếm được 6.000 đến 7.000 tệ mỗi tháng sau 1 năm đi làm. Anh chia sẻ: “Không có công việc nào kiếm được nhiều tiền như thế này ở tỉnh An Huy quê tôi.” Kang giao đồ ăn tới 30 điểm đến mỗi ngày, đi qua những khu vực đông đúc nhất ở thành phố. Giữa những điểm nghỉ, anh sẽ dùng một bát mì hoặc cơm, mỗi bữa tốn khoảng 15 tệ. Sống trong một khu vực nhà ở giá rẻ, thu nhập của anh giờ đây đã cao hơn so với trước đây.
Alibaba tự hào rằng họ đã tạo ra hơn 30 triệu việc làm bao gồm cả những lĩnh vực liên quan. Nhà sáng lập Jack Ma cho biết “gã khổng lồ” công nghệ tìm cách trở thành “nền kinh tế” lớn thứ 5 thế giới, coi tập đoàn kinh tế của họ là GDP, bằng cách tạo cơ hội việc làm cho 100 triệu người.
Tầm nhìn của người đàn ông giàu nhất Trung Quốc không phải là một giấc mơ xa vời. Một cuộc khảo sát gần đây được Nikkei thực hiện với sự tham gia của hơn 50 người, tại các địa điểm như Thượng Hải và các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang cho thấy 40% trong số họ đã không sử dụng tiền mặt trong tháng đó. Có thể thấy rằng, cư dân sống ở đô thị của Trung Quốc hiếm khi sử dụng tiền mặt để thanh toán.
Hu Mingqiang, 28 tuổi, một kỹ sư phần mềm tại thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô, đã mua một chiếc ô tô của Volkswagen hồi tháng 7 và thanh toán 60.000 tệ qua Alipay. Trong tháng qua, anh chỉ sử dụng tiền mặt để trả 5 tệ cho đồ uống và 20 tệ phí gửi xe.
Ví điện tử phát triển, kéo theo sự “nở rộ” của những dịch vụ khác
Lượng dữ liệu khổng lồ đã tạo ra những ngành kinh doanh mới. Alibaba đã ra mắt dịch vụ cho vay Huabei, với khoản vay giới hạn là 80.000 tệ và lãi suất ngày là 0,05% trên số dư chưa thanh toán. Dịch vụ này sử dụng AI để tính toán mức giới hạn cho vay và lãi suất, kiểm tra tất cả thông tin về người dùng ví dụ như họ có ý định không thanh toán các khoản nợ khi mua hàng trên Taobao hay không thể chi trả các loại hoá đơn dịch vụ thiết yếu. Như trong trường hợp thẻ tín dụng, Huabei thiết lập hạn mức tín dụng cho người dùng và cho phép họ thanh toán sau khi chi tiền.
Alipay gộp các khoản vay nợ vào các đợt, mỗi đợt có giá trị khoảng 2 tỷ đến 3 tỷ tệ và bán cho các nhà đầu tư để thu hồi vốn. Theo dữ liệu của Alipay, các khoản nợ không thanh toán được chỉ chiếm 0,47% tổng dư nợ do AI tín toán tính đến tháng 6/2017, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình là 1,8% của các ngân hàng thương mại Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc phát triển khu vực kinh tế dự trên smartphone cũng cho thấy những rủi ro liên quan đến quản lý thông tin. Trong lúc những “gã khổng lồ” dẫn đầu thị trường như Alibaba và Tencent theo dõi chi tiết thông tin cá nhân, thì Trung Quốc hồi năm ngoái đã yêu cầu các giao dịch thanh toán qua smartphone phải thông qua một hệ thống liên kết với PBOC. Alibaba và Tencent đã đầu tư vào hệ thống này để hợp tác với NHTW về lĩnh vực nguồn nhân lực và các hoạt động khác.
theo Nikkei