Những hiệu ứng tích cực được HLV Park Hang-seo tạo ra cùng các đội U23, U23+3 và tuyển quốc gia đã góp phần đưa về nhiều bản hợp đồng tài trợ giá trị cho bóng đá Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính của VFF, trong vòng 5 năm của nhiệm kì khóa VII (2014-2018), tổ chức này thu về nguồn tiền tài trợ khoảng 339 tỉ đồng. Số tiền trên chủ yếu đến từ 3 nguồn, gồm: thương hiệu các ĐTQG; các giải, hoạt động bóng đá trong nước; các giải, sự kiện bóng đá quốc tế.
Trong số này, 2018 chính là năm mang về số tiền tài trợ lớn nhất, lên tới 92,8 tỉ đồng (bao gồm giá trị tài trợ bằng hiện vật tương đương khoảng 14,3 tỉ đồng), chiếm hơn 27% toàn nhiệm kì.
Đây cũng được coi là năm bản lề của bóng đá Việt Nam khi liên tiếp gặt hái những thành tích vang dội ở đấu trường khu vực và châu lục ở các cấp độ đội U23, U23+3 và tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo.
Trải qua thời kì khó khăn trước đó, đặc biệt với thất bại cay đắng ở SEA Games 29, bóng đá Việt Nam dần lấy lại được niềm tin nơi người hâm mộ, đồng thời nâng cao được giá trị hình ảnh, thương hiệu để các nhà tài trợ đồng ý móc hầu bao với những bản hợp đồng lớn.
VFF đã tiến hành hợp tác với Công ty Dentsu để có các nhãn hiệu tài trợ như: Coca-Cola, Honda, Yanmar, Suzuki, Acecook, Sony, Grab, VP Milk, Grand Sport, Be Group…
Số tiền tài trợ chính thức không được các bên tiết lộ cụ thể, tuy nhiều có thể thấy đây đều là những thương hiệu lớn, với cam kết tài trợ, đồng hành lâu dài cùng bóng đá Việt Nam. Các hợp đồng tài trợ được tái ký và ký mới đều có thời hạn trong khoảng thời gian 2018-2021, thay vì chỉ được từng kí từng năm một như trước đây.
Song song với đó, hiệu ứng tích cực từ các cấp độ đội tuyển cũng được lan truyền sang cấp CLB, khi hệ thống các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam đều nhận những bản hợp đồng tài trợ có giá trị.
Tấm biển quảng cáo với dày đặc tên các đơn vị tài trợ luôn xuất hiện mỗi khi các tuyển thủ Việt Nam trả lời phỏng vấn.
Rõ ràng, nguồn tiền từ việc vận động tài trợ mà VFF thu về là không hề nhỏ. Tuy nhiên tại sao phía Liên đoàn vẫn đang gặp khó trong việc tính toán nâng lương để gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang-seo?
Nguyên nhân thực ra cũng rất dễ hiểu. Một nền bóng đá không phải chỉ có đội U23 hay ĐTQG mà bao gồm cả một hệ thống cả nam và nữ, với các lứa U ở nhiều độ tuổi. VFF không thể chỉ tập trung đầu tư cho các đội tuyển chính và bỏ quên đội trẻ, bởi đó chính là nguồn lực để phát triển bóng đá nước nhà lâu dài. Mỗi năm, Tổng cục TDTT rót xuống khoảng 10 tỉ đồng, còn lại VFF đều phải tự lo.
Với các đội tuyển, mỗi lần tập trung chuẩn bị cho các giải đấu lớn VFF đều phải chi tiền tỉ, với các chi phi di chuyển, ăn uống, trang thiết bị tập luyện… Các chuyến tập huấn nước ngoài còn tốn kém hơn nhiều, với mức tối thiểu rơi vào khoảng 2 tỉ đồng cho mỗi lần. Theo tính toán, chỉ riêng số tiền VFF phải bỏ ra cho việc này mỗi năm đã rơi vào khoảng 40 tỉ đồng.
Có thể thấy, việc các đội tuyển vượt qua vòng loại giải châu lục là niềm vui và đồng thời cũng mang tới nỗi lo về tài chính. Nhưng rõ ràng những người quản lý bóng đá ở Việt Nam cũng không thể an phận với sân chơi khu vực mà bỏ qua việc quyết tâm giành vé dự giải châu lục.
Ngoài ra còn có một nguồn tiền lớn được đổ về từ các doanh nghiệp để thưởng cho các đội tuyển sau mỗi giải đấu thành công. Ví dụ chỉ riêng giải U23 Châu Á 2018, U23 Việt Nam đã nhận được hơn 50 tỷ đồng tiền thưởng. Tuy nhiên nên nhớ đây đều là số tiền các doanh nghiệp thưởng trực tiếp cho đội tuyển. VFF không giữ lại bất cứ khoản nào và đây không thể được tính vào nguồn thu của đơn vị này.
Số tiền thưởng cho các đội tuyển trong thời gian qua đều được VFF giao lại toàn bộ cho thầy trò HLV Park Hang-seo.
Theo báo cáo tài chính được công bố tại Đại hội VFF khóa VIII tháng 12/2018, tổng nguồn thu của VFF trong năm 2017 là 151 tỉ đồng. Cuối năm 2017, VFF bị âm hơn 6 tỉ đồng vì chi vượt quá thu. Tình trạng tài chính của VFF trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019 cũng không có nhiều đột biến so với năm 2017.
Rõ ràng việc thu chi đang ở mức âm khiến cho VFF phải cân nhắc rất kĩ trong việc đàm phán gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang-seo. Theo tính toán, nếu mức lương của thầy Park được nâng từ 20.000 USD/tháng lên thành 40-50.000 USD/tháng (khoảng 1 tỉ đồng), cộng với số tiền chi cho đội ngũ trợ lý của ông và cả thuế thu nhập cá nhân, VFF sẽ phải chi ra khoảng 24 tỉ đồng mỗi năm.
Trong phát biểu ở ngày nhậm chức Phó chủ tịch tài chính, ông Cấn Văn Nghĩa từng nhấn mạnh VFF sẽ cố gắng tính toán để có thể tự trang trải lương của ông Park hay các HLV giỏi khác cho các đội tuyển Việt Nam, đồng thời cho biết sẽ nỗ lực đạt mục tiêu thu về 400 tỉ đồng tiền tài trợ cho nhiệm kì khóa VIII.
Ở hoàn cảnh hiện tại, đây chính là lúc để ông Nghĩa, cũng như các lãnh đạo của VFF có những động thái thiết thực trong việc vận động tài trợ để có thể giải quyết êm đẹp bài toán hợp đồng với HLV Park Hang-seo.
Nguồn thu của VFF từ tiền tài trợ trong các năm qua
Trong 5 năm của nhiệm kì khóa 7, VFF đều đạt được sự tăng trưởng lũy tiến ở việc vận động tài trợ từ các doanh nghiệp. Với 339 tỉ đồng thu được, thương hiệu của các ĐTQG cũng đóp góp phần lớn.
Năm 2014: Tổng thu 46,1 tỉ đồng, riêng nguồn thu từ các ĐTQG là 24,8 tỉ chưa kể hiện vật.
Năm 2015: Tổng thu 53,9 tỉ đồng, thương hiệu các ĐTQG đóng góp 27,2 tỉ.
Năm 2016: Tổng thu 65,1 tỉ đồng, thương hiệu các ĐTQG đóng góp 28,7 tỉ.
Năm 2017: Tổng thu 81,8 tỉ đồng, thương hiệu các ĐTQG đóng góp 31,3 tỉ.
Năm 2018: Tăng 200% so với năm đầu nhiệm kì, chiếm hơn 27% nguồn thu tài trợ, đạt mức 92,8 tỉ đồng (bao gồm giá trị tài trợ bằng hiện vật tương đương khoảng 14,3 tỉ đồng).