Về Sầm Sơn để hiểu hơn một nét đẹp văn hóa truyền thống

Sầm Sơn – thành phố du lịch biển của xứ Thanh không chỉ có cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, mà còn hấp dẫn với nhiều nét văn hóa rất riêng. Trong đó, tục giã bánh giầy được người dân giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống hiện đại.

Lễ hội bánh chưng – bánh giầy là lễ hội văn hóa truyền thống có lịch sử lâu đời của Nhân dân Sầm Sơn. Ảnh: Mạnh Cường

Mỗi năm, vào dịp diễn ra lễ hội làng Lương Trung (phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) từ ngày 14 đến 18 tháng Giêng cùng với các nghi lễ thành kính, thì lễ vật không thể thiếu dâng cúng lên vị thành hoàng của làng chính là bánh giầy. Trong lễ hội truyền thống làng Lương Trung năm Quý Mão 2023 cũng vậy. Trưởng làng Lương Trung Lê Văn Bài hồ hởi cho biết: Trong lễ hội làng Lương Trung vừa diễn ra đã có hơn 2 tấn gạo nếp được đồ thành xôi để làm bánh giầy với hơn 3.000 chiếc bánh, một phần dâng cúng thành hoàng làng, một phần để tặng cho người dân, du khách về dự hội. Việc làm bánh giầy được người dân trong làng thực hiện ngay tại sân đền Đề Lĩnh – không gian diễn ra lễ hội làng Lương Trung. Người đi lễ vừa để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, lại có “lộc” mang về nên ai cũng vui. Kinh phí mua nguyên liệu làm bánh từ nguồn xã hội hóa của người dân, việc tổ chức làm bánh cũng do người dân địa phương đảm trách.

Gạo nếp sau khi ngâm đủ nước sẽ được đồ thành xôi trước khi giã bánh. Ảnh: Khánh Lộc

Làng Lương Trung được biết đến là một trong những làng cổ có truyền thống lịch sử lâu đời. Đây cũng được xem là làng có truyền thống làm bánh giầy với nhiều thế hệ “nghệ nhân” nối tiếp nhau. Vừa nói, ông Lê Văn Bài vừa chỉ cho chúng tôi xem “tài sản” của làng, đó là 35 chiếc cối đá phục vụ cho việc giã bánh giầy. Những chiếc cối đá không còn ai biết được “tuổi đời”, đã “nhẵn” đi theo thời gian. Mỗi khi có lễ hội của địa phương hay thành phố, người dân trong làng lại cùng tập trung về đền Đề Lĩnh bàn việc làm bánh giầy. Dù việc giã bánh tưởng như đã quen, vậy nhưng lần nào cũng vậy, luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Làng Lương Trung từng vinh dự đại diện cho TP Sầm Sơn tham gia thi giã bánh giầy tại Lễ hội Đền Hùng những năm trước đây.

Theo ông Lê Văn Bài, quy trình làm ra được chiếc bánh hình tròn với màu trắng đặc trưng cũng không phải chuyện dễ. Nguyên liệu làm bánh phải là loại gạo nếp ngon, sau khi ngâm đủ nước để ráo thì đồ thành xôi. Ngay khi xôi còn nóng được đưa vào cối đá giã nhuyễn, đây là công đoạn khá nặng nhọc. Việc giã bánh ngoài sức khỏe còn phải dẻo dai, bền bỉ, đòi hỏi kinh nghiệm, có lẽ vì thế mà trong những cuộc thi giã bánh không thể thiếu việc “truyền lửa kinh nghiệm” của những thế hệ đi trước.

Việc giã bánh giầy của người dân TP Sầm Sơn được thực hiện hoàn toàn thủ công với sự góp sức của nhiều người. Ảnh: Khánh Lộc

Sau công đoạn giã là lúc nhanh tay “nặn” bánh. Tùy nhu cầu, mục đích mà kích thước bánh giầy sẽ được làm khác nhau. Có thể nhỏ bằng chiếc bát ăn cơm hay to đến mức phải nhiều người khiêng. Vì bánh được nặn tròn hoàn toàn thủ công nên cần đến không chỉ sự khéo léo mà cả kỹ thuật. Qua thời gian, việc giã và nặn bánh giầy được người dân Lương Trung nói riêng, người dân TP Sầm Sơn nói chung trao truyền qua những thế hệ, cùng nhau giữ gìn nét đẹp truyền thống ông cha.

Sau khi dâng cúng thần linh, bánh giầy được người dân thưởng thức theo cách riêng. Bánh được cắt thành những lát mỏng, rán vàng và chấm cùng nước mắm.

Nhìn nhận về nét đẹp truyền thống giã bánh giầy của người dân TP Sầm Sơn, ông Hoàng Thăng Ngói – người có nhiều nghiên cứu, am hiểu về văn hóa của vùng đất, con người Sầm Sơn cho rằng: “Bánh chưng, bánh giầy vốn là lễ vật dâng cúng trời đất, gia tiên không còn xa lạ trong văn hóa của người Việt. Với người dân Sầm Sơn, không ai biết việc giã bánh giầy có từ bao giờ. Song trong quan niệm dân gian của người dân nơi đây xưa kia, thường vào những năm hạn hán kéo dài, nhà “chức trách” sẽ kêu gọi người dân các làng xã cùng nhau làm lễ “đảo vũ” (cầu mưa). Khi thực hiện lễ đảo vũ, người dân sẽ đóng góp gạo thóc để đồ xôi, giã bánh giầy dâng cúng trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa. Và dân gian tin rằng, với tất cả sự thành tâm trong nghi lễ cùng lễ vật dâng cúng, sau lễ đảo vũ, mưa sẽ được ban xuống cho người dân làm nông nghiệp. Ngày nay, bánh giầy còn là lễ vật dâng cúng trong các lễ hội lớn của cư dân TP Sầm Sơn như lễ hội cầu phúc Đền Độc Cước (16 tháng 2 âm lịch); Lễ hội bánh chưng bánh giầy (12 tháng 5 âm lịch)… chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp”.

Lễ vật bánh giầy được hoàn thành sau nhiều công đoạn để dâng cúng thần linh. Ảnh: Khánh Lộc

Là nét đẹp văn hóa truyền thống, việc giã bánh giầy không còn “bó gọn” trong những nghi thức của riêng làng, xã, mà đã trở thành nét văn hóa có sức lan tỏa sâu rộng, thậm chí có thể xem như một “sản phẩm” văn hóa hấp dẫn khách du lịch về với Sầm Sơn. Theo đó, tại các lễ hội lớn của thành phố biển, những hội thi giã bánh giầy được tổ chức quy mô lớn với sự tham gia của người dân ở tất cả các xã, phường trên địa bàn TP Sầm Sơn. Đặc biệt là lễ hội bánh chưng bánh giầy diễn ra vào ngày 12-5 âm lịch ngay bên bờ biển vừa mang ý nghĩa văn hóa tâm linh (đảo vũ), cũng là thời điểm “chính vụ” của du lịch Sầm Sơn nên thu hút đông du khách cùng tham gia lễ hội.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Sầm Sơn Nguyễn Thị Nga cho biết: “Giã bánh giầy là nét đẹp truyền thống lâu đời của người dân Sầm Sơn. Cũng bởi chứa đựng ý nghĩa văn hóa – tín ngưỡng tốt đẹp mà nó có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đó cũng là lý do những hội thi giã bánh giầy được tổ chức hàng năm đều thu hút sự hưởng ứng tham gia của người dân ở tất cả 11 xã, phường trên địa bàn thành phố. Giã bánh giầy đang từng bước trở thành “sản phẩm” du lịch hấp dẫn. Thông qua các lễ hội, hội thi giã bánh giầy cũng là dịp để du khách hiểu hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa, ẩm thực của vùng đất, con người thành phố biển Sầm Sơn”.

Khánh Lộc

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ve-sam-son-de-hieu-hon-mot-net-dep-van-hoa-truyen-thong/179240.htm