Mifuneyama Rakuen tựa như một không gian thần thoại nhờ công nghệ trình diễn ánh sáng đỉnh cao, tọa lạc tại thành phố Takeo xinh đẹp thuộc tỉnh Saga, Nhật Bản.
Năm 2017, công viên Mifuneyama Rakuen được tạp chí uy tín về kiến trúc Designboom vinh danh là một trong 10 công trình kiến trúc “nghệ thuật sắp đặt” ấn tượng nhất thế giới. Người dân ở thành phố Takeo gọi đây là “Khu rừng nơi nơi thần linh cư ngụ” (A Forest Where Gods Live).
Vẻ đẹp kỳ ảo của những đêm trình diễn nghệ thuật ánh sáng đã giúp công viên Mifuneyama Rakuen trở thành một điểm đến vô cùng cuốn hút của vùng đất “lạ” mang tên Saga trên bản đồ du lịch Nhật Bản. Tại Việt Nam, mới đây Kênh truyền hình VTV4 cũng đã làm phóng sự về nơi này.
Hành trình khám phá và trải nghiệm Mifuneyama Rakuen bắt đầu với một con đường nhỏ tối dẫn tới một hồ nước, trên mặt hồ một con thuyền chầm chậm trôi như vô định. Âm nhạc và ánh sáng huyền ảo kéo tâm hồn du khách vào một “bản giao hưởng” đẳng cấp tới mức nhiều người phải một lúc sau mới nhận ra họ đã… nhìn nhầm.
Hàng đàn cá Koi ùa đến rồi lao đi trên mặt hồ, tự nhiên như thật nhưng không phải là thật!
Hàng đàn cá Koi chuyển động đầy màu sắc bên chiếc thuyền trong hồ nước đẹp như tranh vẽ
Âm nhạc ngày một dồn dập, từng con cá Koi đẹp đẽ không còn nhìn rõ hình dáng nữa, thay vào đó là những luồng sáng đan quyện tưởng như không theo quy luật nào, rực rỡ như những dải cầu vồng ngay dưới hạ giới. Quá trình mê hoặc này kéo dài trong hơn 13 phút.
Đến lúc này du khách mới thực sự nhận ra đó chính là lời thông báo rằng: Bạn đã chính thức bước vào Mifuneyama Rakuen, và cũng mới chỉ là khúc dạo đầu!
Sự thay đổi rõ ràng giữa cảnh sắc ban ngày và buổi tối của hồ nước trong công viên Mifuneyama Rakuen
Con đường lát đá nhỏ với ánh sáng mờ tỏ tiếp tục dẫn người xem đi qua một “vườn nến” là các khúc tre cắt vát, sơn màu sặc sỡ bên trong và lắp đèn. Phải đến gần mới nhận ra sự sắp đặt tinh tế này. Đẹp như một lễ hội hoa đăng!
Tiếp đó vài bước chân là thung lũng hoa đỗ quyên được gắn hệ thống đèn cảm ứng thông minh, chỉ cần có bước chân người nhẹ qua là lần lượt từng hàng cây bừng sáng, bừng sáng, bừng sáng… Ánh sáng như lan lên tận trời, làm hiện rõ hình ngọn núi thiêng Mifuneyama sừng sững, bí hiểm trên nền trời đêm.
Sự phấn khích của người xem tiếp tục được “tăng cấp” khi họ tiến đến khu vực của những phiến đá vốn ban ngày im lìm vô tri nhưng khi màn đêm buông xuống bỗng mang hồn cốt của tạo hóa, với quy luật sinh sôi nảy nở rồi lụi tàn rồi lại sinh sôi nảy nở.
Điểm nhấn không thể bỏ qua chính là ‘tảng đá bốn mùa”. Ban ngày chỉ thấy rêu phủ nguyên sơ, nhưng ban đêm, bằng ánh sáng kỹ thuật số, tảng đá hóa thân thành đất mẹ của vô vàn loài hoa đủ màu sắc như đỏ, hồng, tím bắt đầu trải qua quá trình từ hé nụ, nở hoa, héo tàn, phân tán rồi biến mất. Bốn mặt của tảng đá thể hiện sự xoay vần bốn mùa xuân – hạ – thu – đông.
Noda Megumi, trưởng dự án quảng bá du lịch của tỉnh Saga, cho biết chính bản thân cô cũng vô cùng kinh ngạc về Mifuneyama Rakuen khi lần đầu tiên đặt chân đến nơi này. Có những lúc cô hòa mình cùng nhiều bạn trẻ tham quan khu vườn, họ hồn nhiên đùa nghịch với những tảng đá có khả năng tự tỏa sáng và phát ra âm nhạc nếu có ai đó đến gần.
Ở một góc khác, du khách lại được trải nghiệm về nghệ thuật “thư pháp không gian” trình chiếu trên nền một tảng đá bị nứt đôi. Anh Maiyta, người quản lý tại khu vườn Mifuneyama Rakuen, cho biết vòng tròn này gọi là Ensō.
Biểu tượng Ensō được mô tả trong không gian 3 chiều trên một tảng đá
Trong văn hóa Nhật, Ensō là một vòng tròn được vẽ bằng tay với một nét cọ duy nhất trong khi giải phóng tâm trí để cơ thể được sáng tạo, đây là một cách vẽ theo lối thiền nổi tiếng ở Nhật Bản. Và nó đã được tái hiện tại “nơi ở của thần linh” này, bằng công nghệ ánh sáng.
Chưa hết! Trên hành trình tìm về với tạo hóa bằng nghệ thuật ánh sáng, du khách tiếp tục được thưởng ngoạn một tác phẩm tuyệt vời về “thư pháp không gian” khác – đó là những nét bút thư pháp mang đậm nét văn hóa Nhật Bản trong một không gian 3 chiều ở phía ngoài của hang động 500 vị La Hán.
Nghệ thuật thư pháp tuyệt đẹp ở bên ngoài hang động có 500 vị La Hán
Bên trong hang, ánh sáng được sử dụng để khắc họa sự hiện thân của 3 vị Phật vào ban đêm. Tương truyền, cách đây khoảng 1.300 năm, có một vị cao tăng tên là Gyoki đã vào hang động tại Mifuneyama Rakuen và khắc lên hang 500 vị La Hán cùng với hình ảnh của ba vị Phật. Do đó, hang động này càng trở nên thu hút với bề dày về lịch sử văn hóa tâm linh.
Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức và trải nghiệm vẻ đẹp ấn tượng của những cây hoa anh đào hay những bông hoa bỗng nở rộ trong tách trà tại “phòng trà WASO” khi nước vừa rót vào, sự thay đổi ánh sáng rất tự nhiên khiến người xem có thể cảm nhận được chiều sâu của không gian ở Mifuneyama Rakuen.
Anh Maiyta cho biết, thiên nhiên vùng Mifuneyama Rakuen của thành phố Takeo vốn được hình thành từ hàng triệu năm trước, còn công viên này lại chỉ được hình thành cách đây khoảng 172 năm vào cuối thời Edo (thời kỳ Edo: 1603-1868). Và hiện tại, những người mang đến sức sống mới cho “A Forest Where Gods Live” bằng công nghệ ánh sáng chính là TeamLab.
TeamLab là một công ty đi đầu về sáng tạo kỹ thuật số tại Nhật, quy tụ khoảng 450 người là nghệ sĩ, kiến trúc sư, lập trình viên, kỹ sư… đầy tài năng.
Trong suốt chiều dài lịch sử, con người đã gây ra nhiều thiệt hại to lớn cho thiên nhiên nhưng thực tế thì cũng phải hứng chịu tác động trở lại của nó. Dựa trên triết lý này, TeamLab đã chọn Mifuneyama để bắt tay thực hiện một dự án tham vọng: dùng công nghệ ánh sáng để cho thấy sự hòa quyện không thể tách rời giữa thiên nhiên và cuộc sống.
Bằng khả năng sáng tạo vô tận và sự sắp đặt khéo léo, đội ngũ TeamLab biến thành một bảo tàng ngoài trời ấn, thông qua việc cài đặt rải rác 14 ứng dụng công nghệ cao ở khắp mọi điểm trình diễn.
Chia sẻ với CNN, Toshiyuki Inoko, người sáng lập đồng thời là CEO của TeamLab, cho biết ông lựa chọn công viên để tiến hành dự án này vì nơi đây có cảnh quan phong phú, từng phát triển trong vùng hoang dã trước khi con người can thiệp vào.
Ý định của ông và TeamLab là muốn làm mờ ranh giới giữa nghệ thuật và thiên nhiên, con người và những thứ khác hình hành của sự sống, nhấn mạnh triết lý xuyên suốt rằng chúng ta là một phần của thiên nhiên – đừng tàn phá nó!
Việc sáng tạo kỹ thuật số của TeamLab cũng tránh tác động vật lý lên cây cối và đá cổ trong công viên. Ông Inoko chia sẻ: “Giống như ánh sáng và âm thanh, công nghệ không phải là thứ hữu hình“.
Để làm được điều này, ông Inoko và đội ngũ chuyên gia đã ẩn hệ thống đèn, máy chiếu và nhiều cảm biến ở bên trên và xung quanh cây cối, nhưng đồng thời cũng tìm cách để công nghệ ánh sáng này có thể hoạt động một cách chính xác.
Kết quả là những hiệu ứng huyền diệu, sự lấp lánh, hài hòa của ánh sáng nhiều màu sắc đã khiến nhiều người khi tới Mifuneyama Rakuen bị mê trong hành trình rất có chiều sâu, biến hóa không ngừng tựa như chính dòng chảy tự nhiên của tạo hóa.
Không gian ánh sáng huyền ảo của Mifuneyama Rakuen diễn ra từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 10 hàng năm tại thành phố Takeo, tỉnh Saga, Nhật Bản. Nguồn: TeamLab – Vietsub: Hoa Hướng Dương.