Trập trùng núi, bồng bềnh mây, mịt mùng sương mờ giăng lối, chúng tôi ngược Bắc Hà (Lào Cai) vào một ngày đầu hạ, khi những cánh hoa mận, hoa mơ, hoa lê đã kết thành trái ngọt hòa lẫn vào màn sương, quyện vào men rượu ngô say nồng, đung đưa theo tiếng khèn cùng những cô gái đi chợ phiên vương vấn Bắc Hà vừa lạ vừa quen níu chân lữ khách…
Du khách nhỏ tuổi chăm chú xem bà Vàng Thị Sóng vẽ sáp ong.
Pạc Ha tiếng Tày là trăn bó gianh, địa danh này thời Thực dân Pháp đô hộ viết bằng chữ La tinh là Pak- ha. Và người Việt đọc thành Bắc Hà cho dễ nghe lại dễ viết. Thế rồi Bắc Hà thành tên gọi chính thức của vùng đất này từ đấy. Nằm ở độ cao từ 1.000 – 1.500m so với mực nước biển, thiên nhiên ban tặng cho nơi đây khí hậu mát mẻ; những dãy núi hùng vĩ sừng sững, những cung đường quanh co ôm trọn Bản Phố, Tà Chải, Lùng Phình, Thải Giàng Phố, Tả Van Chư, Lùng Cải… đã tạo nên không gian vừa hùng vỹ lại thơ mộng, yên bình hiếm nơi nào có được.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là chợ phiên Bắc Hà. Chỉ họp một lần trong tuần vào ngày chủ nhật, chợ nổi tiếng với vẻ nguyên sơ, mộc mạc và mang đậm nét đặc trưng của các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Không đơn thuần là mua- bán, trao đổi hàng hóa mà chợ vùng cao như một không gian văn hóa thu nhỏ của bà con người Mông, Tày, Nùng sống ở đây. Chủ nhật hàng tuần, đồng bào xuống chợ từ lúc chưa rõ mặt người, mang theo gùi nông sản để đổi lấy những nhu yếu phẩm cần thiết. Và những câu chuyện không đầu, không cuối rì rầm lẫn trong làn sương sớm. Chúng tôi được chìm đắm trong muôn vàn màu sắc của những bộ trang phục dân tộc thiểu số vùng cao. Chợ được chia ra thành nhiều khu khác nhau, như khu bán đồ thổ cẩm, vật dụng, gia cầm, gia súc… tất cả tạo nên nét độc đáo của chợ phiên nơi đây.
Phiên chợ Bắc Hà chỉ họp vào ngày chủ nhật trong tuần.
Chị Thền Thị Nguyễn thôn Nang Ang, xã Na Hối là chủ quầy bán nông cụ, năm nay 37 tuổi nhưng đã có đến hơn 20 năm rèn lưỡi cày. Nguyễn bảo: Nhà chồng mình làm nghề này từ đời ông, cha rồi đến vợ chồng mình. Ngoài việc làm nương, trồng lúa, tra hạt, chồng làm rèn còn mình mang lưỡi cày xuống chợ bán. Hôm nhiều bán được 10 đến 15 cái với giá 250 nghìn/chiếc. Đang lựa cho mình một chiếc lưỡi cày vừa ý, Sùng Seo Chảo ở thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu nói: Khoảng hai năm mình mới phải thay một chiếc lưỡi cày, nhà mình mỗi năm cấy khoảng 10kg lúa, ngô giống lương thực đủ ăn cho cả nhà.
Sải bước qua gian hàng bán các loại gia vị được bà con tự chế biến như măng ớt muối chua, tương xay, chẻo chấm, ớt khô, thịt gác bếp, mận, đào cùng các loại rau rừng…, chúng tôi như lạc vào vườn thảo quả, mùi hương của núi rừng quyện với khí lạnh phả vào mặt tan dần trong khoang miệng theo cái hít hà thật sâu vào lồng ngực.
Nhiều loại gia vị, nhất là ớt gió được bày bán ở đây.
Đông vui, náo nhiệt nhất có lẽ là khu vực bán rượu. Rượu ở đây nhiều nơi nấu nhưng ngon nhất vẫn là rượu ngô Bản Phố – đặc sản của người Mông ở Bản Phố. Hạt ngô nấu rượu vàng ươm được trồng ở núi đá cao chót vót, người Mông gọi là “hạt của Trời”, rễ bám vào hốc đá, thân, lá uống những hạt sương đêm để lớn lên. Nước để cất rượu được chảy từ khe núi, vách đá. Men là linh hồn của rượu, được làm từ loài cỏ Hồng My trồng ở sườn đồi, ven suối. Hạt Hồng My nhỏ li ti, xay mịn, trộn với nước rượu đầu, nắm thành quả men tròn xinh… Tất cả tạo nên rượu ngô Bản Phố lừng danh khắp chốn. Bà Vàng Thọ Súa ở Bản Phố, biết nấu rượu và uống rượu từ lúc 12, 13 tuổi. Trao tận tay tôi chén rượu ngô, bà Súa bảo: Uống đi, mua cũng được, không mua cũng được. Tôi đưa tay đỡ chén rượu, nước rượu trong vắt, tăm bọt còn lăn tăn trên mặt chén sóng sánh, mùi rượu cay nồng của ngô, thơm của men lá sộc thẳng vào mũi; nhấp chút môi, rượu chạm vào đầu lưỡi đã thấy chếnh choáng men say hương vị của núi rừng.
Trời đã đứng bóng, các khu chợ vãn dần, duy chỉ có khu vực ẩm thực bán phở, gà đen, thắng cố ngựa, thắng cố trâu, lợn bản, mèn mén óc đậu, xôi màu, bánh ngô, bánh nếp… tấp nập hơn hẳn. Nồi thắng cố sôi sùng sục bốc khói nghi ngút, những con gà đen được bày gọn gàng trên sạp, từng bát phở chua được múc ra, những chén rượu ngô thơm nồng làm cho tôi nhớ đến câu hát: …Xuống chợ ăn thắng cố/xuống chợ uống rượu ngô/uống để thương để nhớ… mộc mạc như người vùng cao, làm xao xuyến lòng người.
Những điệu múa xòe, tiếng sáo, tiếng khèn cũng được tái hiện lại mang đến du khách buổi trải nghiệm thú vị.
Một trong những điểm dừng chân thu hút đông đảo du khách khi tới Bắc Hà là Dinh Hoàng A Tưởng còn gọi là dinh thự “Vua Mèo xứ Bắc Hà”. Cảm nhận đầu tiên của tôi là sự xa hoa, tráng lệ với nét kiến trúc độc đáo mang dấu ấn Đông-Tây kết hợp thể hiện một thời hoàng kim của cha con Thổ ty Hoàng Yến Tchao, Hoàng A Tưởng nhưng cũng phản ánh đời sống vất vả, đau thương của người dân miền biên viễn nửa đầu thế kỷ XX. Dinh được xây dựng từ năm 1914 và hoàn thành năm 1921, trải qua hơn 100 năm tồn tại cùng thời gian, bao phủ rêu phong cổ kính là như minh chứng cho trí tuệ, tài năng và nhất là mồ hôi, công sức của những người lao động thời trước đã tham gia xây dựng công trình kỳ vĩ này, trên một địa bàn núi rừng hiểm trở, gập ghềnh đèo dốc, đi lại khó khăn. Và họ đã để lại cho hậu thế một công trình xứng đáng là niềm tự hào của người dân nơi đây, tạo nên một phần vóc dáng văn hoá cho miền đất rẻo cao sơn cước này.
Trong khuôn viên dinh Hoàng A Tưởng, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như múa xòe, thổi sáo, khèn, nấu rượu ngô, vẽ sáp ong của người dân bản địa được tái hiện. Ngồi khiêm nhường ở gian trái tầng một phía bên phải của dinh thự, bà Vàng Thị Sóng, 56 tuổi ở Cán Cáu khéo léo đưa những đường vẽ sáp ong lên mảnh vải trắng. Bà Sóng bảo con gái Mông khi lớn lên khoảng 10 đến 13 tuổi là đã biết se lanh, dệt vải, khâu vá, thêu, thùa và nhất là vẽ sáp ong tự làm cho mình bộ váy áo, túi, khăn để diện.
Mặc dù tiết trời đã vào Hè, song bước chân vào dinh Hoàng A Tưởng, dường như mùa Xuân vẫn tràn ngập cả không gian vùng “cao nguyên trắng” bởi tiếng khèn gọi bạn, tiếng sáo thiết tha và những điệu múa xòe của các cô gái tuổi mười tám đôi mươi. Tiếng sáo của các chàng trai Mông nhẹ nhàng da diết luyến nhớ, lúc ồn ào mạnh liệt, khi thủ thỉ tâm tình, tiếng sáo vấn vít trên những sườn núi, hòa quện vào mây trời, tôi thả hồn vào trong mỗi nhịp…
Tạm biệt Bắc Hà, chúng tôi về xuôi khi mặt trời đã cao hơn ngọn núi. Văng vẳng đâu đây tiếng sáo như níu kéo, tiếc nuối: “Chợ đã tan nhưng nỗi nhớ không tan, anh vẫn đợi và em vẫn đợi, ta đếm ngày mong phiên chợ tới, ta đếm đêm mong ở bên nhau”. Hương vị rượu ngô Bản Phố cứ vương vấn mãi: “Khi vào nhớ dốc Trung Đô/Khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà”.
Thúy Hằng
Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/van-vuong-pac-ha/192843.htm