Nữ trưởng phòng dùng bằng cấp 3 của chị gái.
Nguồn tin từ Văn phòng Tỉnh ủy cho biết, Trần Thị Ngọc Thêm là tên cúng cơm lúc nhỏ của bà Trần Thị Ngọc Thảo.
Liên quan đến quá trình xác minh lý lịch kết nạp đảng đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) – Trưởng Phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk dùng bằng cấp 3 của chị gái, tối 8/10 một nguồn tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, trong hồ sơ sinh hoạt Đảng, bà Ái Sa (tên thật là Thảo) khai gia đình có 11 anh chị em và không khai tên của bà.
Bà Ái Sa cũng khai, trong 11 anh chị em có chị gái Trần Thị Ngọc Ánh là đảng viên công tác tại một trường mầm non trên địa bàn phường 4 (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Do đó, quá trình xác minh lý lịch, chi bộ Phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xác minh qua chi bộ của bà Ngọc Ánh.
Sau đó, chi bộ trường mầm non – nơi bà Ngọc Ánh công tác và Đảng ủy phường 4 (TP Đà Lạt) xác nhận, bà Ngọc Ánh là đảng viên. Do đó, chi bộ Phòng Quản trị đã sơ suất không đến Đảng ủy – nơi bố mẹ bà Ái Sa sinh sống để xác minh mới dẫn đến sai sót.
Về việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa thật tường trình, tên thật của nữ Trưởng Phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk là Trần Thị Ngọc Thêm chứ không phải tên Thảo, nguồn tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định, Trần Thị Ngọc Thêm, Trần Thị Ngọc Thảo hay “Trần Thị Ngọc Ái Sa” đều là một.
“Qua làm việc, chị Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Thảo) thừa nhận là Trần Thị Ngọc Thảo. Hồi nhỏ, chị Thảo có tên cúng cơm là Trần Thị Ngọc Thêm. Tuy nhiên, từ nhỏ đến lớn, và hiện nay mọi người trong gia đình đều gọi là Trần Thị Ngọc Thảo.
Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành thẩm tra, xác minh và sẽ xử lý nghiêm, không bao che” – nguồn tin này cho hay.
Như đã đưa tin trước đó, ngày 22/8/2019, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh nhận được Đơn tố cáo (nặc danh) tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) chưa học hết cấp 3 nhưng đã lấy bằng cấp 3 của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (là chị ruột) để đi học Trung cấp, học liên thông lên đại học và hiện nay đã học đến thạc sĩ; đồng thời, kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực.
Ngay khi nhận được đơn thư tố cáo, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo, giải quyết.
Qua xem xét nội dung đơn tố cáo và thẩm tra, xác minh, đối chiếu với các hồ sơ, tài liệu có liên quan, đến ngày 17/9/2019, Ban Tổ chức Tỉnh ủy kết luận, nội dung đơn tố cáo bà Sa như ở trên là đúng.
Bà Sa cũng đã thừa nhận sai phạm của mình, tự giác, thành khẩn nhận khuyết điểm, đề nghị được giải quyết cho thôi việc. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã không đồng ý và thống nhất triển khai quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với bà Sa theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước.
Sau khi nhận được kết quả thẩm tra của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai việc xem xét, kỷ luật bà Sa về mặt Đảng và chính quyền theo thẩm quyền.
Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy sớm tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Tổ kiểm tra, rà soát xác định trách nhiệm, sai phạm của các cán bộ, đảng viên có liên quan đến quá trình tuyển dụng, tiếp nhận, thẩm tra, xác minh lý lịch, đề bạt, bổ nhiệm bà Thảo.
Sau khi có kết quả chính thức về giải quyết, xử lý vụ việc, Văn phòng Tỉnh ủy sẽ thông báo tới các cơ quan, đơn vị liên quan, các cơ quan thông tấn, báo chí và cán bộ, đảng viên, nhân dân được biết.
Theo tường trình của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa thật – (SN 1973, nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) thì nữ trưởng Phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk tên là Trần Thị Ngọc Thêm không phải Trần Thị Ngọc Thảo.
Bà Ái Sa thật cũng cho biết, mình không cho em gái mượn bằng, không biết về việc em gái đã khai lý lịch như thế nào để học hành, làm việc tại Đắk Lắk.