Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Gia Viễn) là một trong những vùng đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ, khu Ramsar (Khu đất ngập nước) thứ 9 của Việt Nam, có nguồn tài nguyên đa dạng và hệ sinh thái độc đáo. Ngoài việc khai thác tiềm năng du lịch, những năm qua huyện Gia Viễn luôn chú trọng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở nơi đây.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Gia Viễn) phục vụ phát triển du lịch. Ảnh: Anh Tuấn
Khác với Tam Cốc hay Tràng An vốn là những địa điểm nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ thì Vân Long lại mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng của một vùng đất ngập nước. Chính nét độc đáo với hệ sinh thái động, thực vật phong phú đã khiến nơi đây trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu thích, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Khi chiếc thuyền nhẹ nhàng rẽ làn nước trong xanh, chị Katharine Hamnett, du khách Đức lấy chiếc điện thoại của mình quay thật gần, thật kỹ đàn cá nhỏ có thân mình trong suốt như thủy tinh đang tung tăng vui đùa quanh đám rong rêu dưới mặt nước. Sau chuyến hành trình, khi được hỏi rằng, bạn ấn tượng với điều gì nhất ở nơi đây, chị Katharine Hamnett vui vẻ cho biết: “Tôi ấn tượng nhất là được thỏa thích ngắm các loài muông thú. Chúng vui vẻ và tự nhiên như không quan tâm đến sự có mặt của con người. Đàn chim trắng bay trên đỉnh núi, gia đình nhà voọc truyền cành trên vách đá, hay những chú cò nhặt cá ven sông. Giây phút ấy, tôi thấy mẹ Thiên nhiên thật bao la và vĩ đại khi cho tất cả chúng ta được sống chan hòa với nhau”. Cảm nhận của Katharine Hamnett cũng thật dễ hiểu, nhất là với ai đã từng có dịp được đến với Vân Long ngắm cảnh.
Rời xa khói bụi thị thành, được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ và ngắm nhìn hệ động, thực vật phong phú sẽ cho họ những trải nghiệm không thể nào quên. Để du khách có được những trải nghiệm quý giá như vậy, phải kể đến nỗ lực không nhỏ của chính những người dân địa phương trong việc bảo vệ hệ sinh thái, môi trường nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Thỏa, người dân thôn Vườn Thị, xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn) cho biết: “Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên về đây sinh sống nên hiểu và nắm rõ tập tính sinh hoạt của nhiều loài động vật. Nhưng tuyệt nhiên không ai trong thôn chúng tôi có ý định săn bắt động vật. Chúng tôi cảm thấy vinh dự và thấy mình có trách nhiệm để gìn giữ ngôi nhà cho động, thực vật, cũng chính là gìn giữ môi trường sống của chúng tôi.”
Còn theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Vân (huyện Gia Viễn), bảo vệ cảnh quan môi trường và tính đa dạng sinh học của Vân Long có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Những năm qua, địa phương luôn chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ nét hoang sơ của Vân Long bằng nhiều biện pháp như phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng, HTX du lịch tích cực tuyên truyền các hộ dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, không tàn phá đa dạng sinh học. Nhờ đó, không có hộ dân nào chặt phá cây, lấy đá cảnh, săn bắn động vật trái phép.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có diện tích trên 2.700 ha thuộc địa giới hành chính 7 xã của huyện Gia Viễn. Nơi đây có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, có cảnh quan hấp dẫn với những dãy đá vôi nhấp nhô giữa vùng đất ngập nước mênh mông và nhiều hang động độc đáo. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hệ sinh thái thực vật tại Vân Long có hơn 700 loài thực vật bậc cao và loài thực vật thủy sinh. Đặc biệt, có 8 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật có 39 loài, 19 họ, 8 bộ thú, trong đó nhiều loài động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt hệ thống đá vôi ở đây là môi trường sống chính của loài voọc mông trắng, một trong những loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu và chỉ còn ở Việt Nam. Khu vực này đạt 2 kỷ lục về thiên nhiên của Việt Nam là “Khu bảo tồn có đàn voọc lớn nhất Việt Nam” và “Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam – bức tranh núi mèo cào”. Đây là những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch gắn với bảo tồn hệ sinh thái.
Ông Mai Văn Quyền, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư-Vân Long thông tin: Để bảo tồn đa dạng sinh học hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn; tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, đồng thời thực hiện tốt công tác trồng mới và bảo vệ rừng, bảo vệ các nguồn gen quý hiếm. Nhờ đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã nhận được sự đồng lòng, phối hợp của nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, giúp các loài động thực vật được bảo vệ và sống an toàn trong ngôi nhà của mình. Đơn cử, như loài voọc mông trắng, vốn chỉ có 40 cá thể còn sót lại vào năm 2000, đến nay đã tăng lên trên 200 cá thể sống thành nhiều bầy đàn khác nhau.
Thực tế cho thấy, bảo tồn tốt cảnh quan thiên nhiên đã đem lại lợi ích kép, vừa có ý nghĩa môi trường, vừa trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển dịch vụ-du lịch địa phương. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Gia Viễn đang tập trung các giải pháp để khai thác tiềm năng này. Trong đó công tác bảo tồn đa dạng sinh học chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để đưa ngành Du lịch địa phương phát triển xanh, bền vững hơn trong tương lai.
Minh Hải
Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/van-long-chu-trong-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-gan-voi-phat/d20230403074546141.htm